(Thethaovanhoa.vn) - Phiên đấu giá thiện nguyện Together For Operation Smile do Live To Love Vietnam tổ chức sẽ diễn ra từ lúc 19h ngày 3/11 tại Gem Center (TP.HCM) với gần 10 tác phẩm đương đại và 1 danh tác của Vũ Cao Đàm (1908 - 2000).
- Tranh của Vũ Cao Đàm đạt mức giá hàng chục tỷ khi đấu giá ở Pháp
- Làm giả kiệt tác của danh họa Vũ Cao Đàm để bán đấu giá tại Pháp?
Tác phẩm có tên Nơi hẹn hò, lấy chủ từ Truyện Kiều, đã trải qua các phiên giao dịch và đấu giá quốc tế. Và nay, nó lên sàn tại Việt Nam – một tin vui cho giới sưu tập.
Thích vẽ danh tác văn chương Việt Nam
Vũ Cao Đàm sinh tại Hà Nội, theo học khóa 2 (1926 - 1931) tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng với Tô Ngọc Vân. Năm đầu tiên, Vũ Cao Đàm học cả hội họa và điêu khắc, nhưng từ năm thứ hai thì chuyển hẳn sang điêu khắc. Sau khi du học, rồi định cư tại Pháp từ năm 1931, ông sáng tác cả điêu khắc và hội họa, lúc Thế chiến thứ 2 nổ ra (1939-1945), do khan hiếm kim loại, ông làm gốm và nghiêng nhiều hơn về hội họa.
Dù vững vàng kỹ thuật tạo hình Tây phương, nhưng điêu khắc và hội họa của ông thường thể hiện hình tượng và các câu chuyện Việt Nam.
Tác phẩm Nơi hẹn hò (sơn dầu trên toan, 61cm x 73,5cm, 1969) tại phiên đấu Together For Operation Smile lấy cảm hứng từ chuyện tình của Thúy Kiều - Kim Trọng không phải là một ngoại lệ. Trong sự nghiệp của mình, có lẽ Vũ Cao Đàm đã có hàng trăm tác phẩm lấy cảm hứng từ các danh tác như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… Có lẽ vì điều này mà họa sĩ Lê Phổ đánh giá: Ở thế kỷ 20, Vũ Cao Đàm là họa sĩ Việt Nam vĩ đại nhất.
Xem tranh Vũ Cao Đàm, nếu để ý, sẽ thấy “họa trung hữu thi”. Đó có thể là: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”, “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” (Truyện Kiều). Hoặc là: “Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống/ Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay”, “Rêu xanh mấy lớp chung quanh/ Sân đi một bước, trăm tình ngẩn ngơ” (Chinh phụ ngâm)…
“Ông vẽ các hình tượng thần, mẹ con, thiếu nữ, các hoạt cảnh trữ tình, kỵ sĩ... mang đầy chất huyền thoại như được phóng tác từ những mẫu gốc trong kho tàng văn hóa dân gian và nền thi ca phương Đông” - nhà nghiên cứu Quang Việt nhận định.
Những ẩn dụ về gặp gỡ và chia xa trong văn chương cổ điển Việt Nam theo suốt cuộc đời sáng tác của Vũ Cao Đàm. Nhưng ông có nét riêng, khi vẽ chia xa cũng không bi lụy, chúng chứa đầy sự lãng mạn và hoài niệm. Về bảng màu và tinh thần kể chuyện, có lẽ Vũ Cao Đàm chịu ảnh hưởng ít nhiều từ hai người bạn của mình là danh họa Pierre Bonnard (1867 - 1947) và danh họa Marc Chagall (1887 - 1985). Trong một bài phỏng vấn, Vũ Cao Đàm nói rằng vẽ nơi xứ người luôn cho ông cảm giác giữa chia xa, đoàn viên, hoài nhớ, nhưng không muộn phiền.
Sự trỗi dậy về giá bán
Khoảng 30 năm qua, trong bộ tứ “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm” ở Pháp, tác phẩm của Vũ Cao Đàm ít xuất hiện và cũng có giá bán thấp hơn Lê Phổ, Mai Trung Thứ tại các nhà đấu giá. Nhưng tình thế đang có chiều hướng thay đổi, khi gần đây, tác phẩm của Vũ Cao Đàm đã được nhiều nhà sưu tập ở trong nước tìm kiếm. Hình tượng văn chương và câu chuyện đậm bản sắc Việt của ông đang trở nên thu hút.
Chiều 23/10, ở Paris, tại phiên đấu giá có tên Họa sĩ Á châu: Tranh ấn tượng thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, 7 bức tranh của Vũ Cao Đàm đã có nhà sưu tập mới. Tạo kịch tính nhất là bức Hai thiếu nữ ngồi thêu (mực và màu trên lụa, 79 cm x 59 cm), có giá ước định từ 35.000 đến 40.000 €, kết quả bán 226.950 € (hơn 6 tỷ đồng).
Theo tin từ phiên đấu, chủ sở hữu mới của bức này là một nhà sưu tập sống tại phố Bà Triệu (Hà Nội). Cũng tại phiên đấu này, hai bức tranh khác của Vũ Cao Đàm là Hai thiếu nữ bán 99.450 €, và Thiếu nữ bán 127.500 €.
Hồi tháng 4/2008, tác phẩm Chuyện trò với giai nhân trong vườn (1939) của Vũ Cao Đàm từng được Sotheby’s Hong Kong bán với giá 230.477 USD.
Theo dự đoán, tác phẩm Nơi hẹn hò tại phiên đấu Together For Operation Smile ngày 3/11 tới đây có thể được bán với giá hơn 50.000 USD.
Phiên đấu của nhiều họa sĩ đương thời Phiên đấu Together For Operation Smile còn có tác phẩm Thiếu nữ ngày Xuân (màu nước trên giấy dó, 57cm x 106cm, 2015) của Bùi Tiến Tuấn, Hoa đào (acrylic trên bố, 110cm x 160cm, 2017) của Liêu Nguyễn Hướng Dương, Phong cảnh trung du (sơn dầu trên bố, 80cm x 80cm, 2013, 3 bức) của Hồ Hồng Lĩnh, Mùa Thu vàng (sơn dầu trên toan, 100cm x 130cm, 2017) của Nguyễn Văn Đức. |
Văn Bảy
Tags