- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải: Giải thưởng Bùi Xuân Phái trở thành nét văn hóa độc đáo của Thủ đô
- Nhà báo Nguyễn Thị Sự, Phó TGĐ TTXVN: Giải thưởng Bùi Xuân Phái lan tỏa tình yêu Hà Nội ra thế giới
- Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16-2023: Đạo diễn Đặng Nhật Minh được vinh danh Giải thưởng Lớn
Một mùa giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội nữa lại khép lại, những giá trị của Hà Nội tiếp tục được phát hiện và tôn vinh qua những ý tưởng, tác phẩm, việc làm và đặc biệt là qua những con người một đời hết lòng vì Hà Nội. Dấu ấn của mùa giải năm nay có lẽ nằm ở việc những giá trị của Hà Nội được soi chiếu trên nhiều bình diện từ quá khứ cho tới hiện tại, để rồi hướng tới tương lai.
1. Chiều qua, 5/10, Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2023 đã diễn tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Ở hạng mục Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay có đến 2 đề cử đoạt giải. Đó là cuốn sách Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành) của cố tác giả Hồ Công Thiết (1952 - 2023) và triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E. Crawford.
Tuy thuộc 2 loại hình khác nhau văn học và nhiếp ảnh nhưng cả 2 tác phẩm này cùng có điểm chung là mang đến màu sắc hoài niệm về một thời đã qua. Một Hà Nội của quá khứ hiện diện trên từng trang văn, qua từng bức ảnh đều gợi thương, gợi nhớ về một thời đã qua. Ở đó có những con người Hà Nội dẫu nặng gánh mưu sinh nhưng vẫn đong đầy tình nghĩa. Mang đến cảm giác như thế chắc chắn những tác phẩm này phải được tạo ra từ những con người thấu hiểu, luôn đau đáu và dành tâm huyết cho Hà Nội ở khía cạnh mà họ quan tâm.
Anh Hồ Minh Tuấn, con trai của tác giả Hồ Công Thiết đã không giấu nổi xúc động khi nhắc tác phẩm cuối đời của bố mình tại lễ trao giải. Anh Tuấn chia sẻ: "Rất đáng tiếc khi cuốn sách được ra đời cũng là lúc bố tôi đã mất. Sau 35 ngày bố tôi mất, cuốn sách mới thành hình. Cuốn sách mà bố để lại thực sự là những tâm tư, tình cảm đặc biệt dành cho con phố Hàng Bột, nơi bố tôi sinh ra, lớn lên nói riêng, cũng như thể hiện tình yêu dành cho Hà Nội nói chung. Đó còn là một sự tri ân dành cho tất cả mọi người, những người xung quanh đã cùng với bố tôi lớn lên, cùng chia sẻ những tình cảm, những ký ức đẹp đẽ".
Trong khi đó, từ Mỹ, anh William J. Crawford, con trai của nhiếp ảnh gia William E. Crawford cho biết: "Cha tôi và tôi vô cùng cảm động và vinh dự khi triển lãm được đề cử và trao Giải Bùi Xuân Phái 2023. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân cha tôi. Vì ông đã dành hơn 30 năm cuộc đời để ghi chép hình ảnh về Hà Nội. Những tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái cũng rất quen thuộc đối với ông, đặc biệt là những bức tranh vẽ đường phố và phố cổ Hà Nội những thập nhiện 70 và 80. Những hình ảnh đó cũng chính là nền tảng cho những bức ảnh ông chụp".
"Nhận được giải thưởng này là nguồn động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến với cam kết đưa Festival Thu Hà Nội trở thành sự kiện thường niên…" - bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.
2. Tiếp đó, ở hạng mục Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho "Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa "Hà Nội học" thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội". Trao giải cho đề xuất này đồng nghĩa với sự kỳ vọng vào một Hà Nội trong tương lai. Đó là một thành phố có lớp người trẻ thấu hiểu mảnh đất, nơi mình sinh sống để rồi gắn với trách nhiệm xây dựng và phát triển.
Như TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội kỳ vọng: "Việc đưa Hà Nội học trở thành một môn học chính thức trong các trường của thành phố - từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông - là hợp lý và hết sức quan trọng. Thực chất công việc này đang gián tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực. Khi kiến thức Hà Nội học đến được với các em học sinh ở lứa tuổi đang đam mê hiểu biết, đang tràn đầy sức sống, sẽ không chỉ có tác động đến nhân cách của các em trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Nó còn tạo ra động lực để các em học các môn học khác tốt hơn. Đó cũng là cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào thế hệ trẻ của Thủ đô".
Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu lần đầu tiên do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (UBND TP Hà Nội) tổ chức được vinh danh tại hạng mục Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội. Trên bục nhận giải, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm bày tỏ: "Nhận được giải thưởng này là nguồn động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến với cam kết đưa Festival Thu Hà Nội trở thành sự kiện thường niên góp phần quảng bá cảnh sắc, lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp của con người Hà Nội. Từ đó, khẳng định Hà Nội là điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn và định vị du lịch Hà Nội trở thành thương hiệu - Đến để yêu".
3. Rõ ràng trải dài từ các hạng mục Tác phẩm, Việc làm, Ý tưởng đã cho thấy những giá trị và tiềm năng của Hà Nội ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Như một sự ngẫu nhiên, tất cả những bình diện này gần như đều quy tụ tại Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.
Chỉ trong 3 phim Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi và Hoa nhài, Đặng Nhật Minh có riêng cho mình một lịch sử bằng điện ảnh trải dài từ quá khứ cho đến hiện tại. Còn tương lai thì sao? Nó nằm ở cách Đặng Nhật Minh vẫn luôn đau đau, trăn trở về Hà Nội chẳng khi nào ngơi nghỉ. Minh chứng rõ nhất là ở tuổi trên 80 ông vẫn làm bộ phim cuối đời mang tên Hoa nhài dành cho Hà Nội như để "trả nợ" ân tình với mảnh đất mà ông gần như gắn bó cả đời mình. Đó còn là cách Đặng Nhật Minh đặt niềm tin vào giá trị nhân văn của người Hà Nội trong phim.
Tại lễ trao giải, đạo diễn Đặng Nhật Minh còn gây xúc động khi ở tuổi 85, những bước chân đã chậm dần nhưng hễ nhắc tới Hà Nội tiếng nói của ông lại mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ông bày tỏ: "Hà Nội là tình yêu của tôi, là nơi tôi từng gắn bó hơn 60 năm cuộc đời mình. Hà Nội không còn chỉ là một phần mà là cả cuộc đời của tôi, cả số phận của tôi. Chính tại mảnh đất này, tôi trưởng thành, tôi biết yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu những con người bình thường, nhỏ bé. Hà Nội đã đưa tôi bước vào điện ảnh để rồi gắn bó với nghề nghiệp này cho đến tận bây giờ. Trên 80 tuổi, tôi vẫn quyết định làm phim bằng niềm đam mê cháy bỏng. Tất cả có được là bởi Hà Nội đã gieo cho tôi, truyền cho tôi một tình yêu máu thịt".
Đặc biệt, đạo diễn Đặng Nhật Minh còn bày tỏ, được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vào những ngày tháng Mười thực sự quý giá đối với ông. Bởi lẽ, tháng Mười với Đặng Nhật Minh có rất nhiều duyên nợ. "Bắt đầu từ "Bao giờ cho đến tháng Mười" và "Bây giờ đã đến tháng Mười" đã gắn tôi với Hà Nội thông qua giải thưởng danh giá này, gắn liền tôi với đất trời Hà Nội mùa thu. Để khi nhìn lên bầu trời thu Hà Nội xanh trong, tôi thấy mình yêu hơn, gắn bó hơn với mảnh đất này" - ông giãi bày.
Cũng tại lễ trao giải, đạo diễn Đặng Nhật Minh gây xúc động khi đọc 5 câu thơ của thầy giáo Khang trong Bao giờ cho đến tháng Mười rằng:
"Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu..."
Cứ như thế, tình yêu Hà Nội của Đặng Nhật Minh và của chủ nhân các đề cử, các giải thưởng vẫn cứ mãi bền bỉ theo thời gian, "khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu".
"Những tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái cũng rất quen thuộc đối với cha tôi đặc biệt là những bức tranh vẽ đường phố và phố cổ Hà Nội những thập nhiện 70 và 80. Những hình ảnh đó cũng chính là nền tảng cho những bức ảnh ông chụp" - anh J. Crawford, con trai của nhiếp ảnh gia William E. Crawford, chia sẻ từ Mỹ.
Tags