Vừa trao giải cuối tuần qua tại TP.HCM, giải thưởng UOB Painting of the Year năm đầu tiên tại Việt Nam đã gọi tên 8 họa sĩ, mà nhìn chung, đều đã xứng đáng với kỳ vọng và tầm nhìn của Ban giám khảo. Giải cao nhất thuộc về tác phẩm Thủy phủ của nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến, với hiện kim là 500 triệu đồng, cùng cơ hội đi ra châu Á.
Trịnh Minh Tiến cũng sẽ đại diện Việt Nam tranh giải thưởng danh giá UOB Painting of the Year (UOB POY) khu vực Đông Nam Á năm 2023, cùng với các nghệ sĩ thắng giải ở các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan... Anh cũng sẽ có cơ hội được Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka tại Nhật Bản lựa chọn vào chương trình lưu trú 1 tháng tại đây. UOB POY khu vực Đông Nam Á sẽ được công bố vào ngày 8/11 tại Singapore.
Từ cực thực đến hiện thực huyền ảo
Nhiều năm qua Trịnh Minh Tiến theo đuổi trường phái cực thực (hyperrealism), thích vẽ trên các nắp ca-pô của xe ô-tô. Tác phẩm Thủy phủ (Water Palace) cũng được vẽ trên nắp ca-pô, là hình ảnh Nhà thờ Lớn Hà Nội, được phản chiếu trên kính xe ô-tô, khi trời trong mưa. Vị trí của nhà thờ này vốn được xây dựng trên nền tháp Báo Thiên của chùa Báo Thiên, tồn tại từ khoảng 1056 đến năm 1873. 2 lớp không gian, 2 lớp thời gian lồng vào nhau, mưa nhòe qua lớp kinh ô-tô, làm cho hiện thực trở thành cực thực, rồi siêu thực.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Trưởng Ban giám khảo UOB POY, Việt Nam) chia sẻ: "Chúng ta đang có thêm các thế hệ nghệ sĩ được nghĩ, được nói, được làm, nên chiều kích tác phẩm và tư tưởng được mở rộng hơn rất nhiều. UOB POY đến Việt Nam lúc này, nếu nhìn về cột mốc thời gian thì không sớm, nhưng nhìn về ý nghĩa thì đúng lúc nền mỹ thuật đang chuyển mình mạnh mẽ, đang tìm cách vươn ra quốc tế".
Tuy thông cáo báo chí của giải không đề cập cụ thể về tiêu chí chọn lựa tác giả, tác phẩm, nhưng nếu nhìn vào 8 họa sĩ Việt Nam (ở 2 hạng mục) được trao giải lần này, có thể thấy Ban giám khảo đang thiên về những bức tranh giàu tinh thần đương đại.
Hạng mục Nghệ sĩ đã thành danh, ngoài Trịnh Minh Tiến như đã đề cập, thì giải Vàng thuộc về tác phẩm Họa chúng sinh # 1 (Beings Painting #1) của Phạm Trần Việt Nam, trị giá giải thưởng 220 triệu đồng. Tác phẩm đi tận cùng hiện thực, được đẩy đến hiện thực huyền ảo (magic realism), diễn tả cõi chúng sinh đau khổ, vật lộn sinh tồn từ thời trung cổ, thời chiến tranh, thời khai thác than cho đến một thế giới đầy phức tạp.
Giải Bạc thuộc về tác phẩm Hiện thực chậm lại (Decelerated Reality) của Lại Diệu Hà, trị giá giải 180 triệu đồng. Bức tranh này như là cách tái hiện các ý niệm trong tác phẩm trình diễn Kim chỉ Bắc kéo dài (2019) của chính Lại Diệu Hà. Tác phẩm diễn tả nỗi đau mất mát kéo dài do xung đột, hỗn loạn, để rồi chủ thể chấp nhận rủi ro mà vượt ra ngoài ranh giới an toàn.
Giải Đồng thuộc về tác phẩm Thế giới (World) của Dương Tuấn (Dương Ngọc Tuấn), trị giá giải 110 triệu đồng. Tác phẩm thuộc bộ tranh Thế giới của quỷ, kết hợp ngôn ngữ biểu hiện (expressionism) và siêu thực (surrealism) trong một không gian trừu tượng, mơ hồ, nhiều âu lo.
Việc chọn lựa những bức tranh có chủ đề mạnh mẽ và bút pháp thiên về đương đại để trao giải có thể cho thấy tầm nhìn mang tính đối ngoại của Ban giám khảo. Họ đã khước từ những tác phẩm thuộc khu vực an toàn, để chọn sự tìm tòi, đổi mới và cả thể nghiệm.
4 họa sĩ triển vọng
Tại buổi lễ trao giải, hạng mục Nghệ sĩ không chuyên đã được đổi thành Nghệ sĩ triển vọng. Trước đây, trong điều lệ giải, có câu: "Không có giới hạn độ tuổi cho hạng mục Nghệ sĩ không chuyên hoặc Nghệ sĩ đã thành danh. Người tham gia chỉ có thể đăng ký tác phẩm của mình tại 1 trong 2 hạng mục". Nhưng khi đổi tên, các họa sĩ nhận giải đã được "trẻ hóa", lớn nhất là Nguyễn Hữu Tăng, 35 tuổi.
Giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất của năm thuộc về tác phẩm Trên con đường (Fly On My Way) của Tạ Duy Tùng. Giải Vàng thuộc về Qua tĩnh lặng (Through Tranquility) của Lâm Phối Dun. Giải Bạc thuộc về Tính không (Śūnyatā) của Nguyễn Anh Vũ. Giải Đồng thuộc về Lạc lối (Lost) của Nguyễn Hữu Tăng.
Hy vọng trở thành nhịp cầu bền vững
UOB POY gợi nhớ đến Giải thưởng Mỹ thuật Nokia Việt Nam (thập niên 1990), rồi Giải thưởng Philip Morris Việt Nam (đầu thế kỷ 21), nơi đã tạo ra được những nhịp cầu cho mỹ thuật Việt Nam.
Ví dụ như sau khi đoạt Giải thưởng Mỹ thuật Nokia Việt Nam năm 1999, tác phẩm của Vũ Đình Tuấn (1973) đã có thêm nhiều nhịp cầu đến với quốc tế, đến với nhiều bộ sưu tập và giải thưởng khác.
Hoặc đúng 20 năm trước, Phillip Morris Việt Nam 2003 lần thứ 7 đã chọn 30/189 tác phẩm dự thi vào chung khảo, từ đây chọn ra 5 tác phẩm mang tới Chiang Mai, Thái Lan để tranh giải Phillip Morris ASEAN vào tháng 4/2004.
UOB bước vào lĩnh vực mỹ thuật từ thập niên 1970, đến nay bộ sưu tập của UOB đã có hơn 2.600 tác phẩm, chủ yếu là tranh của các họa sĩ tên tuổi và các nghệ sĩ triển vọng ở khu vực Đông Nam Á. Cuộc thi UOB Painting of the Year (UOB POY) được tổ chức lần đầu vào năm 1982, với mục tiêu chính bắc nhịp cầu cho các nghệ sĩ Đông Nam Á đến được các cộng đồng nghệ thuật lớn hơn trên thế giới.
Suốt lịch sử của mình, UOB POY đã phát hiện, ghi nhận hơn 1.000 tài năng trong khu vực. Từ Singapore, cuộc thi đã mở rộng sang Indonesia, Malaysia, Thái Lan và từ năm 2023 là Việt Nam. Từ kinh nghiệm lâu năm và sự bền vững qua các nước, hy vọng UOB POY sẽ thành nhịp cầu thiết thực, bền vững.
Khi UOB POY ra mắt tại Hà Nội hồi tháng 5/2023, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã nói một phần về tiêu chí của giải thưởng: "Coi trọng vẻ đẹp bản sắc văn hóa quốc gia, tính sáng tạo và kỹ thuật biểu hiện mới trong con mắt người nghệ sĩ trên từng tác phẩm. Với xu thế phát triển đa dạng của nghệ thuật đương đại Việt Nam, có thể coi đây là thời kỳ đổi mới lần thứ 2 của mỹ thuật Việt Nam".
Nhìn vào kết quả hôm nay, có thể thấy tiêu chí này đã được đáp ứng.
Một cảm hứng cho hội họa giá vẽ
"Tôi nghĩ rằng với những họa sĩ đã xác định con đường chuyên nghiệp, thì được làm nghề và sống được với nghề đã là một giải thưởng lớn, lớn hơn các cuộc vinh danh khác. Tuy nhiên, trong mỹ thuật nói chung, các tác phẩm theo ngôn ngữ đương đại hoặc thực hành đương đại thì đã có các kết nối với quốc tế, bằng những con đường khác nhau, nhưng với hội họa (tranh giá vẽ) thì khó khăn hơn rất nhiều. Khó vì tự thân lịch sử tranh giá vẽ đã có quá nhiều thành tựu, quá nhiều "cây đa cây đề", để làm mới, để được công nhận là không hề dễ dàng. Tôi nghĩ những giải thưởng như UOB POY sẽ là chất kích thích để người làm sáng tạo - đặc biệt giới trẻ, những người mới vào nghề, sinh viên mỹ thuật - có thêm động lực, niềm tin, trong việc chọn lựa nghề nghiệp, mở rộng giao lưu sáng tạo, mở rộng đời sống cho tác phẩm" - họa sĩ Trịnh Minh Tiến chia sẻ.
Tags