Trào lưu 'Be Like Bill': 'Hãy như tôi' - cơn bốc đồng tệ nhất của mạng xã hội?

Thứ Năm, 21/01/2016 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Be Like Bill (Hãy như Bill), được Việt hóa thành trào lưu “Hãy như tôi” gây sốt suốt một tuần nay, có hay ho và ý nghĩa như cái tên của nó tự nhận?

Trong khoảng 1 tháng qua, chàng trai tên Bill được vẽ bằng những nét mực sơ sài đã thống trị Facebook và được bắt chước từ Tây sang Đông. Trang Facebook “Be Like Bill” hiện có gần 1,4 triệu lượt thích.

Các phiên bản Bill ở từng nước được hình thành, như ở Tây Ban Nha là Jose, các nước Arập là Bilal, ở Malaysia là Rashid. Phiên bản nữ của Bill ở các nước nói tiếng Anh là Emily.

“Cảnh sát hành vi”Bill

Công thức thành công của Bill như sau: chia sẻ những lời khuyên nhỏ trong cách sử dụng Facebook. Hiện tượng Bill được so sánh với cặp nhân vật Goofus & Gallant trên tạp chí thiếu nhi của Mỹ thập niên 40. Goofus nghịch ngợm còn Gallant gương mẫu. Bill được so sánh với Gallant – luôn hành xử đúng mực đến nhàm chán, giáo điều.

Một thông điệp thông thường của Bill là như sau: “Đây là Bill. Bill thích một cô gái. Bill lấy hết tinh thần để thổ lộ trực tiếp với cô ấy thay vì lên Facebook viết vài câu bâng quơ. Bill can đảm. Hãy như Bill” (xem ảnh 1).

Theo nhiều cách, Bill là lối thể hiện hoàn hảo của trào lưu bắt chước hình vẽ và thông điệp (meme) trên mạng. Hình vẽ đơn giản dễ vẽ theo hoặc tái tạo thành nhân vật khác, lấy chính mình làm hiện thân của lối cư xử mà tự Bill cho là tích cực, đáng học hỏi. Thông điệp “Hãy như Bill” (hoặc một cái tên khác) được nhắc lại hàng tỷ lần trên mạng trong tháng qua.

Điểm ưu việt của Bill cũng là lý do khiến Bill “cơn bốc đồng tệ nhất của mạng xã hội”, theo New York Magazine. Bill thể hiện cung cách tự cho mình là chuẩn mực về đạo đức và quy tắc ứng xử, trong khi gián tiếp than phiền và phủ nhận những lối ứng xử khác. Hết thông điệp này đến thông điệp khác, Bill càng chứng tỏ mình là một “cảnh sát” về quy tắc ứng xử trên Facebook: không được làm cái này, không được làm cái kia.

Giới trẻ ngày nay có thể thấy Bill rất thú vị, nhưng thực chất, Bill đang rơi vào cái bẫy giáo điều như cậu bé Gallant cách đây 70 năm: trong khi Goofus làm đủ trò nghịch ngợm, sai trái đồng thời tận hưởng tuổi thơ của một đứa trẻ còn dại dột thì Gallant luôn đúng, luôn mẫu mực như một biểu tượng.


ảnh 1 và ảnh 2: Hai kiểu chế trái ngược nhau: Hãy như Bill và Đừng như Bill.

Ai cũng like, ít ai làm theo

Những thông điệp của Bill sẽ có ích cho ai? Thoạt đầu, người ta nghĩ rằng tốt cho tất cả mọi người, bởi dường như nếu làm theo Bill thật, chúng ta sẽ từ bỏ mọi cách cư xử gây phiền toái trên Facebook. Cho đến khi người ta nhận ra, Bill dường như phủ nhận… mọi cách cư xử trên Facebook.

Những hành động mà Bill kêu gọi không làm, lại đều là những hành động tất cả đều đang làm và rất khó từ bỏ.

Rất thường xuyên, thông điệp từ Bill chỉ đúng với bản thân người đăng thông điệp đó. Bill đã phản ánh đúng sự phiền phức và thói sống ảo trong hầu hết bài đăng trên Facebook, nhưng vấn đề là, đó là những bài đăng thuộc dạng phổ biến nhất, và không thể nào chúng biến mất trên Facebook chỉ vì Bill.

Bill là sản phẩm của một nhóm khởi nghiệp gồm Eugeniu Croitoru và Debabrata Nath. Croitoru nói với BBC rằng nhân vật này “là bất cứ ai, một người khôn khéo và không làm những thứ gây phiền toái cho mọi người trên Facebook”.

Nhưng, trong “những thứ phiền toái” đó có cả việc công kích người khác. Đó chính là nghịch lý ở “Be like Bill” (hay “Be like me”, “Hãy như tôi”).

Xuất hiện trào lưu “Đừng như Bill”

Bên cạnh các phiên bản ăn theo, Bill còn bị phản đối bởi các phiên bản ngược: nhiều trang Facebook “Don’t be like Bill” (Đừng như Bill) đã được lập ra. Chẳng hạn: “Đây là Bill. Bill thất nghiệp. Bill suốt ngày ngồi đăng những thông điệp vớ vẩn trên mạng. Bill không thông minh. Đừng như Bill” (xem ảnh 2).

Nha Đam (theo New York Magazine)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›