Trào lưu nhập tịch tại ASEAN Cup 2024: Hai trường phái, một mục tiêu

Thứ Tư, 04/12/2024 06:30 GMT+7

Google News

Bóng đá Đông Nam Á đang bước vào kỷ nguyên mới với sự bùng nổ của xu hướng nhập tịch cầu thủ, đặc biệt tại các đội tuyển quốc gia tham dự AFF Cup 2024.

Trào lưu này mang lại nhiều hứa hẹn về chất lượng chuyên môn, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro về bản sắc và sự phát triển bền vững. Trong hơn 2 thập kỷ qua, bóng đá Đông Nam Á chứng kiến 2 cách tiếp cận khác nhau về việc nhập tịch cầu thủ.

"Nhập khẩu" hoàn toàn

Singapore là đội tiên phong khi khởi động chương trình Tài năng Thể thao nước ngoài (FST) từ năm 1993, nhằm nhập quốc tịch cho các vận động viên nước ngoài, khởi đầu từ môn bóng bàn. Bóng đá Singapore áp dụng chính sách này từ đầu những năm 2000, với sự góp mặt của những cầu thủ nổi tiếng như Egmar Goncalves (gốc Brazil), Agu Casmir (Nigeria), Aleksandar Duric (Bosnia), Mustafic Fahrudin (Serbia) hay Daniel Bennett (Anh). Đáng chú ý, Bennett đang giữ kỷ lục 146 lần khoác áo đội tuyển Singapore, trong khi Duric và Casmir nằm trong Top 10 chân sút xuất sắc nhất với lần lượt 27 và 15 bàn thắng.

Nhóm cầu thủ nhập tịch đã giúp Singapore giành 3 chức vô địch Đông Nam Á (2004, 2007, 2012), tạo nên giai đoạn thống trị của "đảo quốc Sư tử". Đó cũng là thời kỳ cực thịnh của bóng đá Singapore dưới triều đại "phù thủy" Radojko Avramovic cùng một lứa danh thủ nội tài năng như Lionel Lewis, Noh Alam Shah, Sharil Ishak. Tuy nhiên, về lâu dài, sự phụ thuộc quá nhiều vào các cầu thủ nước ngoài khiến bóng đá Singapore mất đi động lực phát triển nội lực. Sau một thời gian chính sách này bị gián đoạn, những nỗ lực nhập tịch mới đây (Song Ui-young, Jacob Mahler) cũng không đủ để đưa đội tuyển đảo quốc sư tử trở lại vị thế hàng đầu khu vực.

Malaysia cũng theo đuổi hướng đi tương tự, nhưng hiệu quả không đáng kể. Dù Mohamadou Sumareh giúp đội tuyển Malaysia giành ngôi á quân AFF Cup 2018, phần lớn các cầu thủ nhập tịch khác như Liridon Krasniqi hay Guilherme De Paula lại gây thất vọng. Điều này dẫn đến quyết định dừng chính sách nhập tịch vào năm 2024, sau khi Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) thừa nhận đây là một thất bại. Thế nhưng, trước thành công của Indonesia, FAM tái khởi động chương trình này, khi đội hình dự AFF Cup của Malaysia vẫn có những "ngoại binh nhập khẩu hoàn toàn" như Endrick, Paulo Josué, và Ezequiel Aguero.

Trào lưu nhập tịch tại ASEAN Cup 2024: Hai trường phái, một mục tiêu - Ảnh 1.

Thành công của Indonesia khiến trào lưu nhập tịch ở Đông Nam Á hot trở lại

Tại ASEAN Cup lần này, Campuchia là đội áp dụng chính sách nhập khẩu hoàn toàn mạnh mẽ nhất. Họ mang tới 8 cầu thủ nhập tịch, trong đó có 6 người hoàn toàn không có chút dòng máu Campuchia nào. Điểm chung của họ là đều đang thi đấu ở Campuchia, và tất nhiên, chất lượng cũng chỉ dạng trung bình. Việt Nam có 3 cầu thủ nhập tịch, trong đó Nguyễn Xuân Son là không có dòng máu Việt.

Tận dụng nguồn lực cầu thủ gốc gác bản địa

Trong khi đó, Indonesia và Thái Lan đang chuyển hướng sang một cách tiếp cận khác, tập trung vào những cầu thủ gốc gác bản địa đang thi đấu ở nước ngoài.

Indonesia, với tầm ảnh hưởng và những mối quan hệ của chủ tịch PSSI Erick Thohir, đã tận dụng nguồn lực cầu thủ kiều bào như Jordi Amat, Sandy Walsh, Shayne Pattynama, Jay Idzes hay Rafael Struick. Đây đều là những cái tên giàu kinh nghiệm, và được thi đấu thường xuyên tại châu Âu, mang lại sự cải thiện rõ rệt về chất lượng đội hình. Đội tuyển Indonesia không chỉ thi đấu ấn tượng tại Asian Cup 2023 (vào vòng 1/8) mà còn tiến sâu vào vòng loại World Cup 2026. Trong khi đó U23 Indonesia vào bán kết U23 châu Á, và suýt giành vé dự Olympic Paris.

Tuy nhiên, do AFF Cup 2024 không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA, nên phần lớn các ngôi sao nhập tịch của Indonesia không thể tham dự. Liên đoàn bóng đá nước này (PSSI) cũng coi AFF Cup 2024 như một dịp để chuẩn bị cho SEA Games 33 khi triệu tập một loạt cầu thủ trẻ.

Thái Lan, với sự hỗ trợ từ HLV Masatada Ishii, cũng tích cực tìm kiếm các cầu thủ Thái kiều như Nicholas Mickelson, Elias Dolah hay Patrik Gustavsson. Những cầu thủ này đã giúp "Voi chiến" duy trì vị thế cạnh tranh tại Đông Nam Á, đồng thời chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Ở AFF Cup 2024, Thái Lan không có đội hình mạnh nhất, song họ vẫn sở hữu 6 cầu thủ Thái kiều chất lượng. Sở dĩ, Thái Lan dễ dàng triệu tập những cầu thủ này vì họ đều đang thi đấu ở Thai League, giải đấu chất lượng bậc nhất ở Đông Nam Á, chứ không phải châu Âu.

Nhập tịch, lợi bất cập hại

Các cầu thủ nhập tịch, đặc biệt là những người được đào tạo tại châu Âu, mang lại khả năng thi đấu, tư duy chiến thuật và kinh nghiệm ở đẳng cấp cao. Điều này giúp các đội tuyển Đông Nam Á thu hẹp khoảng cách với các đội bóng hàng đầu châu Á. Sự hiện diện của những cầu thủ nhập tịch chất lượng cao cũng thúc đẩy các đội bóng trong khu vực không ngừng cải thiện để duy trì vị thế.

Trào lưu nhập tịch tại ASEAN Cup 2024: Hai trường phái, một mục tiêu - Ảnh 2.

Hai người hùng Daniel Bennett và Mustafic Fahrudin trong chức vô địch AFF Cup 2012

Nhưng bên cạnh đó, chính sách nhập tịch cũng có những mặt trái không thể bỏ qua. Việc lạm dụng cầu thủ nhập tịch có thể làm lu mờ bản sắc riêng của đội tuyển, khiến người hâm mộ khó cảm thấy sự gắn bó, đặc biệt là những người không hề có chút dòng máu bản địa nào. Trong quá khứ, Việt Nam từng triệu tập Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La, Phan Văn Santos, và Huỳnh Kesley Alves, nhưng đều thất bại. Việc thủ thành Phan Văn Santos hát quốc ca… Brazil trong trận giao hữu với đội Olympic nước này là giọt nước tràn ly khiến chính sách gọi cầu thủ nhập tịch hoàn toàn bị dừng lại khá lâu.

Sự ưu tiên cho các cầu thủ nhập tịch có thể khiến cầu thủ nội mất cơ hội thi đấu và phát triển, dẫn đến tình trạng phụ thuộc lâu dài. Đây chính là vấn đề khiến nhiều cầu thủ nội đang thi đấu ở giải vô địch Indonesia bức xúc, và cộng đồng mạng thì chia rẽ. Ngoài ra, khi một số cầu thủ nhập tịch thi đấu không hiệu quả hoặc thiếu nhiệt huyết có thể làm giảm niềm tin của người hâm mộ vào chính sách này, như trường hợp của Malaysia.

Thay lời kết

Xu hướng nhập tịch cầu thủ tại Đông Nam Á đang tạo nên những làn sóng trái chiều. Trong ngắn hạn, đây có thể là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội tuyển. Tuy nhiên, về lâu dài, các liên đoàn bóng đá cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh rơi vào vòng xoáy phụ thuộc, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững bằng cách đầu tư vào đào tạo trẻ và xây dựng lực lượng nội địa mạnh mẽ.

AFF Cup 2024 hứa hẹn là nơi để kiểm chứng hiệu quả của những chính sách này, đồng thời đặt ra bài toán dài hạn cho sự phát triển của bóng đá khu vực.

Những cầu thủ nhập tịch nào sẽ đá ASEAN Cup 2024?

Philippines (19 cầu thủ): Kevin Ingreso, Manuel Ott, John-Patrick Straub, Gerrit Holtmann, Patrick Reichelt (gốc Đức), Kevin Ray Mendoza, Bjorn Martin Kristensen, Sebastian Rasmussen (Đan Mạch), Zico Bailey, Alex Monis (Mỹ), Quincy Kammeraad (Hà Lan), Jefferson Tabinas (Ghana), Joshua Grommen (Úc), Michael Kempter (Thụy Sĩ), Jesper Nyholm (Thụy Điển), Christian Rontini (Ý), Santiago Rublico (Tây Ban Nha), Scott Woods (Na Uy), Dylan Demuynck (Bỉ)

Campuchia (8): Hikaru Mizuno, Takaki Ose, Yudai Ogawa (Nhật Bản), Mohamed Faeez Khan (Nam Phi), Leng Nora (Ghana), Andres Nieto (Colombia), Abdel Kader Coulibaly (Bờ Biển Ngà), Nick Taylor (Mỹ)

Malaysia (8): Daniel Ting, Declan Lambert, Stuart Wilkin, Darren Lok (Anh), Fergus Tierney (Scotland), Endrick, Paulo Josué (Brazil), Ezequiel Aguero (Argentina).

Thái Lan (6): James Beresford, Ben Davis (Anh), William Weidersjo, Patrik Gustavson (Thụy Điển), Nicholas Mickelson (Na Uy), Jonathan Khemdee (Đan Mạch)

Việt Nam (3): Đặng Văn Lâm (Nga), Nguyễn Filip (Czech), Nguyễn Xuân Son (Brazil)

Indonesia (2): Rafael Struick (Hà Lan), Ronaldo Kwateh (Liberia)

Singapore (2): Jordan Emaviwe (Nigeria), Kyoga Nakamura (Nhật Bản).

Timor Leste (1): Claudio Osorio (Anh)

Riêng Lào Myanmar không có cầu thủ nhập tịch nào


*thống kê sơ bộ vì các đội chưa chốt danh sách

Tuấn Cương

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›