(Thethaovanhoa.vn) - Thanh niên chiếm 70% lượng khán giả tới rạp là đối tượng các nhà sản xuất phim nhắm đến, là “thượng đế” của thị trường, nhưng chắc gì họ đã được phục vụ như “Thượng đế”. Một nền điện ảnh nếu chỉ quan tâm đến cái ví của khán giả sẽ đi về đâu?
- Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Ai sẽ lạc lõng giữa thị trường?
- Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Các 'thượng đế' ngày càng... ít tuổi
Điện ảnh nâng cao hay hạ thấp dân trí?
Trước đêm trao giải Cánh diều 2015 (hôm 20/4), đạo diễn Việt kiều Lê Lâm, thành viên của BGK đã chia sẻ một ý kiến rất đáng suy nghĩ: “Khi Pháp gia nhập WTO họ đã từ chối coi điện ảnh là sản phẩm tiêu thụ, họ coi điện ảnh là sản phẩm văn hóa và chính phủ có quyền bảo trợ. Ở Việt Nam hiện nay tôi thấy phim chỉ là sản phẩm tiêu thụ, phục vụ kinh doanh. Phần lớn phim đang bị Mỹ hóa, Hàn hóa, dẫu có kĩ thuật tốt hơn trước rất nhiều, nhưng “phần mềm” là văn hóa, văn học, nghệ thuật trong phim rất ít. Sáng tác điện ảnh như vậy thay vì nâng cao văn hóa, sẽ hạ thấp trình độ của khán giả”.
Trong cuộc tọa đàm Nhìn lại sáng tác điện ảnh 2015 hậu Cánh diều, đạo diễn Nhuệ Giang cũng nhận xét thẳng thắn về phim Việt. “Phim giờ phải có bạo lực, phải có hài, đồng tính để mua vui, để lấy tiền. Phim Việt nhưng không có đời sống Việt Nam, từ con người đến tình huống đều rất Tây. Toàn người xem từ 18 đến 20 tuổi đi xem phim, chỉ thuần túy giải trí, hoàn toàn không biết đến các vấn đề của xã hội Việt Nam, rất nguy hại”.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn trao đổi với phóng viên Thể thao & Văn hóa cũng đưa ra nhận xét tương tự: “Công thức điện ảnh Việt bây giờ 15 phút đầu là hài, 15 phút sau là hình sự, 15 phút nữa là tình cảm sướt mướt... vì phải pha trộn như vậy mới có người xem. Điện ảnh của ta chẳng có một phong cách nhất quán nào cả. Phim ảnh mà như thời trang, nếu thấy làm phim hình sự “thắng” là đổ xô đi làm”.
Ai chăm lo cho khán giả?
Khi khán giả chỉ xem độc món phim giải trí nước ngoài, hậu quả như thế nào chưa ai đo đếm. Chỉ biết điện ảnh hiện tại đang phát triển vô cùng lệch lạc. Phim nghệ thuật không có đất cạnh tranh ở Việt Nam. Nhiều năm trước đã có một số đơn vị thử nhập phim nghệ thuật nhưng nhanh chóng từ bỏ.
Mạnh như CGV mỗi năm cũng chỉ dám nhập vài ba phim có chất lượng nghệ thuật. Năm ngoái bộ phim đoạt giải Oscar Danish Girls lúc nhập về chỉ có 2 cụm rạp nhận phát hành.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho biết khi tới LHP Cannes (Pháp), LHP quốc tế Rotterdam (Hà Lan), ông thấy có sự khác biệt rất lớn về khán giả: “Đứng xếp hàng mua vé xem phim nghệ thuật phần phần lớn là các bạn trẻ đôi mươi.
Ở Rotterdam, rất nhiều khán giả trẻ đã tới xem phim Trăng nơi đáy giếng của tôi. Còn khán giả Việt hiện nay, phải nói thành thật là trình độ xem phim mới chỉ ở mức sơ đẳng, bản năng. Mình không có nhiều đối tượng để xem bộ phim như Amour của Pháp”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết ông rất lo cho điện ảnh Việt: “Sân khấu hài ở miền Nam đã vào buổi chợ chiều, một phần cũng vì điện ảnh hấp dẫn hơn. Nhưng điện ảnh cũng phải dè chừng, khán giả trẻ bây giờ coi internet nhiều, trình độ tốt hơn, họ sẽ không chấp nhận phim dễ dãi. Muốn điện ảnh phát triển, cũng phải tính đến việc xây dựng một lớp khán giả có hiểu biết”.
Đạo diễn này cho biết khi sang Hàn Quốc ông biết tới dự án Điện ảnh Cộng đồng do Chính phủ nước này tài trợ. “Họ đưa điện ảnh vào trường học, lập các CLB điện ảnh ở khu phố, thậm chí cộng đồng người Việt tại đây cũng được học cách làm phim, xem phim. Bằng cách này họ sẽ tạo ra được một lớp khán giả hiểu về điện ảnh sẵn sàng ra rạp xem phim. Ở Việt Nam hiện nay tôi mới thấy một số trung tâm điện ảnh dành cho giới trẻ làm được điều này. Như Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh, một năm hỗ trợ khoảng 500 bạn học về điện ảnh giúp chúng hiểu điện ảnh không đơn giản chỉ là trò chơi, cũng là tạo khán giả cho điện ảnh Việt rồi”.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags