(Thethaovanhoa.vn) - Giữa trưa tại một khu phố thượng lưu thuộc thành phố Thượng Hải, từng lượt khách đang tấp nập xếp thành những hàng dài, chờ đợi để được trải nghiệm dịch vụ "thẩm mỹ vi mô", vốn đang trở nên thịnh hành tại Trung Quốc.
Quy trình "căng da mặt" và các quy trình thẩm mỹ y tế khác đang bùng nổ khi một thế hệ người tiêu dùng Trung Quốc mới phải đối mặt với áp lực về ngoại hình trên các trang mạng xã hội, cũng như ngoài đời thực.
Cô Kayla Zhang, 27 tuổi, cho biết chưa bao giờ "đụng chạm dao kéo" để thẩm mỹ, song đã sử dụng các phương pháp điều trị bằng laser, tiêm và căng chỉ - phương pháp đưa những sợi chỉ sinh học vào dưới da để kéo căng và "nâng" vùng da mặt.
Chia sẻ với báo giới, cô Zhang khẳng định sẽ không thay đổi khuôn mũi hay mắt, vì những phẫu thuật này sẽ khiến tổng thể gương mặt của cô thay đổi hoàn toàn. Thay vào đó, cô Zhang muốn trở thành "phiên bản đẹp hơn" của chính mình.
Các loại hình "thẩm mỹ vi mô", như chiếu laser, tiêm chất làm đầy (filler) hay căng chỉ, vốn đã được ưa chuộng ở các nước phương Tây do đặc thù không xâm lấn cơ thể quá nhiều và chi phí cũng phải chăng hơn so với phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ truyền thống. Theo nghiên cứu của Viện Deloitte, loại hình thẩm mỹ vi mô này có giá trung bình bằng khoảng 1/3 chi phí phẫu thuật thẩm mỹ.
Các phương thức làm đẹp này đã dần du nhập vào các thành phố Trung Quốc - nơi mà thu nhập của người dân đã tăng vọt trong thập kỷ qua.
Hiệp hội Thẩm mỹ Trung Quốc ước tính ngành công nghiệp thẩm mỹ sẽ đạt giá trị ước tính 46 tỷ USD trong năm nay dù vào năm 2013, chỉ có giá trị khoảng 6,5 tỷ USD.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Frost và Sullivan, "thẩm mỹ vi mô" hiện là một phân khúc mở rộng của thị trường làm đẹp với nhiều cơ hội phát triển, trong khi tỷ lệ tăng trưởng của loại hình phẫu thuật truyền thống lại đang dần "giảm tốc".
Trước tình thế này, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đối với các hoạt động quảng cáo thẩm mỹ khiến gia tăng "nỗi lo âu về ngoại hình", như hình thức quảng cáo so sánh ngoại hình trước và sau thẩm mỹ.
Người mẫu Li Li, 27 tuổi, vốn đã đang sử dụng dịch vụ điều trị bằng laser, cho biết cô luôn cảm thấy áp lực từ xã hội, thúc đẩy cô không ngừng "nâng cấp" ngoại hình bản thân. Sau khi bạn bè nhận xét gương mặt Li Li không đúng tỷ lệ, cô đã đi tiêm chất làm đầy vào phần cằm để có khuôn mặt nổi bật hơn.
Cả cô Li và Zhang đều khẳng định các quy trình thẩm mỹ vi mô là một giải pháp thay thế ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống, song đang bị xã hội kỳ thị một cách vô lý.
Theo bác sĩ Yang Kaiyuan, trước đây khách hàng thường xuất hiện và yêu cầu được thay đổi ngoại hình để nhìn giống người nổi tiếng, song ngày nay, đa số khách hàng chỉ muốn nâng cấp ngoại hình "một cách nhẹ nhàng", chủ yếu dựa trên những đường nét ngoại hình vốn đã sở hữu.
Tuy nhiên, loại hình thẩm mỹ này đang khiến chính phủ quan ngại do sự gia tăng của các viện thẩm mỹ không có giấy phép và không được kiểm soát.
Theo thống kê của iResearch, vào năm 2019, 15% trong số 13.000 bệnh viện thẩm mỹ được cấp phép ở Trung Quốc đã hoạt động ngoài phạm vi kinh doanh cho phép và chỉ 28% bác sĩ trong ngành công nghiệp này được cấp chứng nhận.
Các loại hình làm đẹp này tiềm ẩn nhiều hệ lụy về sức khỏe khi điển hình hồi đầu năm nay, một nữ diễn viên Trung Quốc đã chia sẻ trên mạng hình ảnh cảnh báo về nguy cơ từ "thẩm mỹ vi mô", khi mũi của cô bị nhiễm trùng nặng.
Mặc dù vậy, ông Ken Huang - Giám đốc điều hành của phòng khám PhiSkin - cho biết nhiều yếu tố trong xã hội hiện đại vẫn đang thúc đẩy giới trẻ tìm đến các phương pháp thẩm mỹ chỉnh hình, giúp sự nghiệp thăng tiến hoặc tăng độ nổi tiếng trên mạng xã hội. Ông Huang cho rằng những người có lợi thế về ngoại hình sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
Hoàng Châu/TTXVN
Tags