(Thethaovanhoa.vn) - Du kích quân, nhà cách mạng, biểu tượng đàn ông - không nghi ngờ gì, Che Guevara là một trong những biểu tượng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Có thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn ấy không?
- 50 năm ngày Che Guevara hy sinh: Người anh hùng sống mãi!
- 'Gặp lại' những hình ảnh huyền thoại của Che Guevara ở ngay Hà Nội
- Sang Cu Ba gặp người bạn thiếu thời của Che Guevara
Ernesto Guevera đứng giữa đám khách trên Quảng trường Cách mạng ở La Habana. Sau lưng anh, trên tường tòa nhà Bộ Nội vụ, là chân dung cha anh.
50 năm sau cuộc hành hình giữa rừng già Bolivia
Từ khi Barack Obama và Raul Castro bắt tay giao hẹn mở cửa, kinh tế Cuba chưa có nhiều thay đổi lớn, nhưng rõ nhất là hình ảnh du khách nước ngoài ngày càng đông đảo trên phố. Mỹ đã có chuyến bay thẳng đến Cuba, và trên các con đường lộng gió dọc ven biển có thể thấy mỗi ngày một đoàn mô tô phân khối lớn do các văn phòng du lịch nhập trực tiếp từ nhà máy mẹ của nhãn hiệu lừng danh Harley-Davidson ở Milwaukee.
Guevara Con là hướng dẫn viên cho một đoàn mô tô như thế. Anh không có nét nào giống “el Viejo” (ông già), như anh ưa gọi cha. Ông già anh có nét đẹp trai hiếm có, ngang tàng với mũ nồi và xì gà bên mép mà vẫn được coi là biểu tượng sexy, với bờm tóc xoăn bướng bỉnh, “con người đầy đủ nghĩa nhất vào thời của mình” như Jean-Paul Sartre kính cẩn gọi. Ngay cả hôm nay người ta vẫn khó tránh khỏi ma lực hấp dẫn của ông.
Người cha ấy cũng tên là Ernesto như con trai út với người vợ sau là Aleida March, nhưng thế giới chỉ biết tên Che. Ernesto Con thiên về hình ảnh hiền lành hơn. Bạn bè gọi anh là Ernestico - Ernesto Nhí. Anh sinh năm 1965, khi cha anh đang bận xây dựng nền công nghiệp nặng ở Cuba. Khuôn mặt tròn, bụng đã hơi nhú, tóc hai thái dương điểm bạc.
Khách của anh khi nào cũng đòi chụp selfie với anh để về nhà có cái mà khoe, ngoài hàng ngàn tấm ảnh biển Caribe xanh ngắt. Ernesto nhẫn nại làm dáng với từng người. Mấy chục năm liền anh không phát ngôn gì về cha. Anh trai anh, Juan Martin Guevara, là người đầu tiên phá vỡ im lặng khi trình làng một cuốn sách về cha mình. “Mối quan hệ họ hàng ấy không phải là nghiệp mà cũng chẳng phải cái ba lô để người ta bám chặt vào hay quẳng đi. Đó là thực tế mà ta chung sống, thế thôi” - quả là quan điểm không vương chút bụi công thần của anh em nhà Guevara.
Không thể sống nơi nào khác ngoài La Habana
Một tour xuyên suốt Cuba với chiếc Harley-Davidson không phải dành cho mỗi người. Giá trung bình 5.300 USD cho phong cảnh mê hồn kèm bài học lịch sử. Mở màn là bữa trưa để nhóm du khách làm quen nhau. Bob, 66 tuổi, từng là hiệu phó một trường đại học ở California, là người theo cánh tả cực đoan và chuyên sưu tầm các kỷ vật về Che.
Guillermo, 55 tuổi, thương gia từ Buenos Aires, từng đánh bóng hơn 2 triệu cây số đường sá trên thế giới, kiêu hãnh là đồng hương với Maradona, và dĩ nhiên với Che. Guillermo tặng Ernestico một món quà từ quê hương và khuyên anh nên khai thác cái tên “Ernesto Che Guevara” mạnh mẽ hơn để tăng thành công thương mại.
Ernestico mỉm cười độ lượng. Có lẽ không ai biết hơn anh, rằng lời khuyên đó vô nghĩa. Lấy một thần tượng ra làm quảng cáo? Không thể được. Che là tài sản quốc gia, không ai được lạm dụng, càng không thể thương mại hóa. Ernestico tự hào là người Cuba. Anh hoàn toàn có thể bỏ đất nước ra đi trong những ngày gian khó. Chẳng hạn đến Hy Lạp, quê của vợ anh, Maria-Elena. Hay đến Argentina, quê cha anh, vì anh có hộ chiếu Argentina. Hoặc sang Hoa Kỳ. Nhưng Ernestico chưa hề nghĩa đến khả năng đó quá một giây. Anh cũng không muốn đến thăm xưởng Harley-Davidson, “chừng nào người Cuba còn bị coi là dân hạng hai ở Mỹ”. Anh không thể hình dung sẽ sống ở nơi nào khác ngoài La Habana.
Ký ức về chuyến đi huyền thoại
Sáng sớm hôm khởi hành từ sân khách sạn Nacional, Maria-Elena phân phát T-shirt cho cả đoàn. Trên ngực áo in hàng chữ “La Poderosa Tours”. Cái tên chuyến đi có lẽ là mối liên quan duy nhất với Che mà con trai ông tự cho phép.
“La Poderosa” - cô gái uy lực, là tên của Che đặt cho cái mô tô nhãn hiệu Norton của mình. Năm 1951, cùng bạn là Alberto Granado, Che cưỡi nó đi xuyên qua Nam Mỹ. Ngày ấy ông còn chưa có nét nào của người chỉ huy du kích vĩ đại sau này, mà chỉ đơn giản là một thanh niên ẻo lả mới lớn bị chứng hen suyễn, được giáo dục trong tinh thần tự do, thích phiêu lưu.
Những tuần đầu, Che còn gửi bưu thiếp về nhà, nhưng thêm mỗi cây số là ông chứng kiến thêm những bất công khủng khiếp trên lục địa Mỹ Latin, khiến ngôn ngữ tạm rơi vào trạng thái bất lực. Nhật ký The Motorcycle Diaries của ông trở thành best-seller quốc tế, bản thân chuyến đi trở nên huyền thoại, biến ông thành một người đấu tranh thay đổi thế giới.
Ít lâu sau bác sĩ Ernesto Guevara gặp Fidel Castro ở Mexico và được đi theo con thuyền Granma về Cuba. Trên triền núi Sierra Maestra, 82 du kích khởi đầu một cuộc cách mạng. Thoạt tiên Che chỉ làm việc ở bệnh xá, dần dần ông được Fidel tín nhiệm và trao sứ mệnh lớn. Sau này Fidel gọi Che là “chiến sĩ du kích vĩ đại nhất mọi thời”.
Có những ngày Ernestico cảm thấy ngột ngạt, anh không muốn bị hỏi, liệu cha anh nghĩ gì khi anh dẫn du khách đi tour. Đó không chỉ là một câu hỏi tò mò. Anh biết nói gì? Anh không hỏi cha được. Anh luôn nhớ cha. Anh tự hào về cha. Trong căn hộ hai phòng của anh có chân dung Che phía trên bàn ăn, thắt khăn ngang trán, gắn sao đỏ, tóc bồng bềnh. Khá giống Jesus tử nạn.
Cha đã đi - và luôn còn đó
Chiếc mô tô “La Poderosa” vẫn đắp bạt trong nhà để xe. Ngày xưa gia đình Che sống trong ngôi nhà gỗ sơn xanh phía đối diện, giờ được dùng làm văn phòng do mẹ Ernestico quản lý và con trai cả trợ giúp. Còn Ernestico đã quyết dành toàn bộ cuộc đời để chăm sóc di sản của cha. Mô tô vẫn luôn là niềm đam mê của anh, và từ ba năm nay anh tổ chức tour theo tuyến cố định với tài trợ từ một nữ triệu phú Argentina.
Khởi hành từ La Habana, qua các làng quê. Điểm đừng đầu tiên luôn là pháo đài ở cảng để mọi người ngắm cảnh, chụp ảnh các khẩu thần công và dĩ nhiên selfie với con trai út của Che. Ernestico mang gien của cha. “Nhóm vệ sĩ của Che dạy tôi bắn súng và cưỡi ngựa. Tôi mới một tuổi rưỡi, khi ông già tôi rời Cuba” - anh kể. Nhiệm vụ bộ trưởng không đủ thách thức với Che. Ông phải đi đến các cuộc cách mạng mới. Cùng vài chục bạn bè tự nguyện, ông định xuất cảng cách mạng lên triền núi Andes, trước tiên là Bolivia.
Ở thời điểm ấy Che là người bị săn lùng gắt gao nhất châu Mỹ. Ông cạo trọc, tỉa bớt râu, mặc bộ đồ thương gia để về nhà chia tay gia đình cùng Ernestico. 15 tháng sau ông bị bắn chết bởi một tên lính Bolivia do CIA giao nhiệm vụ.
Vợ sau của Che, Aleida March, nhận ra gien mô tô của Che trong Ernestico. Khi các học sinh đi lao động nghĩa vụ 45 ngày trong năm, bà xin cho con làm tại một xưởng sửa ô tô. “Sáng sớm 7h, tôi là người đầu tiên ở xưởng, và là người cuối cùng khóa cửa lúc 19h” - Ernestico kể.
Anh muốn thành thợ cơ khí, nhưng rồi vẫn theo gót cha để tham gia nội chiến ở Nicaragua như một dạng thực tập làm du kích, sau đó sang chiến đấu ở mặt trận giải phóng Angola. Đủ 19 tuổi, anh rủ bạn là Camilo Sanchez mua một chiếc Harley Flathead cũ. Camilo cũng chiến đấu ở Angola và cha anh cũng hy sinh ở Bolivia như Che. Bây giờ cả hai lại cùng làm hướng dẫn viên mô tô.
Hôm nay cả đoàn đi qua Vịnh Con lợn, nơi cuộc xâm lăng của dân Cuba lưu vong thất bại thảm hại, tiếp theo là thành phố thuộc địa Trinidad ngày xưa, bãi biển Cayo Santa María. Tắm xong, mọi người đi tiếp đến Santa Clara, nơi Che từng đánh trật bánh một đoàn tàu để lấy súng cho cách mạng.
Có những chuyến đi mà một đời không đủ.
Lê Quang
Tags