(Thethaovanhoa.vn) - Trên những ngả đường đời là tên cuốn hồi ký vừa ra mắt của một sỹ quan Cảnh sát Giao thông từng có 40 năm trong nghề. "Tôi không muốn tuyên truyền hay tạo ảo tưởng, mà đơn giản chỉ để chia sẻ những gì đã trải qua" – anh nói.
Tác giả ấy là Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, nguyên phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội.
Chuyện phía sau bộ đồng phục màu vàng
Trên những ngả đường đời là tập hợp 26 câu chuyện nằm rải rác trong gần 40 năm kể từ khi bắt đầu bước chân vào ngành cảnh sát giao thông của tác giả. Trịnh Văn Sỹ nói, ông muốn mở ra cho người đọc những góc cạnh ít biết phía sau công việc của những người mặc bộ đồng phục màu vàng, cũng như sự nhân ái tử tế mà họ luôn tâm niệm.
Bởi thế, cuốn sách không đi sâu vào phân tích công việc chuyên môn của lực lượng cảnh sát giao thông, mà chỉ đưa ra vừa đủ những điều cơ bản nhất, thông qua những mẩu chuyện gắn với bối cảnh nhiệm vụ. Đó là hành trình dẫn đoàn, là những lần truy quét tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông...
Ở đó, người đọc còn được đến với những năm tháng đượcbồi đắp lòng yêu nghề của anh qua từng lời răn của thầy giáo tại Học viện Công an, về những gian khó, cạm bẫy, hiểm nguy và trăn trở mà ôngcùng đồng đội phải trải qua. Và đặc biệt, có cả câu chuyện về những con người hi sinh thầm lặng vì lòng nhân ái mà ông từng ngẫu nhiên gặp, như một chị bán sắn ở chợ, hay một gia đình người Mông ở Sơn La...
Cuốn sách được tác giả chắp bút từ 2 tháng trước khi nghỉ hưu vào tháng 7 vừa qua. “Tôi vốn là cảnh sát, chứ không phải nhà văn. Trước đây tôi vốn chỉ quen viết báo cáo, kế hoạch. Do đó nếu còn đâu đó vụng về thì mong được độc giả chia sẻ, và đón nhận cuốn sách dưới góc độ nhìn nhận những việc làm, con người tử tế” - tác giả Trịnh Văn Sỹ bộc bạch.
“Đất nước phát triển, kéo theo giao thông phát triển và lực lượng cảnh sát giao thông cũng phải phát triển. Hiện nay đang có nhiều cái nhìn chưa đúng về cảnh sát giao thông. Cuốn sách này sẽ lí giải cho những người ngoài cuộc phầnphía sau của công việc đó" – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn – nhận xét.
Hãy hiểu về chúng tôi
Nói về nghề công an giao thông, thượng tá Trịnh Văn Sỹ gói gọn trong 2 chữ: dâng hiến và phục vụ.
“Người cảnh sát giao thông nói riêng và công an nói chung nhiều khi phải chấp nhận quên đi những nhu cầu bình thường, chấp nhận nguy hiểm, vất vả hay áp lực từ công việc, môi trường, thời tiết" - ông nói - “Khi có nhiệm vụ thì chuyện đi sớm về muộn là bình thường. Thậm chí ngày nghỉ cũng phải ra khỏi nhà nếu có yêu cầu công việc. Những dịp lễ Tết, nhà nhà được nghỉ thì người công an phải làm việc vất vả hơn ngày thường”.
Như lời Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, điều ông tự hào về công việc của mình nhất chính là việc đem lại sự bình yên cho xã hội. Tuy nhiên cũng như bao nghề khác, theo lời ông, ngành cảnh sát giao thông cũng không tránh khỏi những người chưa thực sự tạo được cho mình lòng yêu nghề và ý thức trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến bộ mặt chung của ngành.
Theo cách nhìn của tác giả, sự tiêu cực vẫn hay được đem ra bàn tán về đội ngũ cảnh sát giao thôngchính là ở yếu tố con người. Chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh” ấy đi ngược với tinh thần và nhiệm vụ cao cả của người chiến sĩ cảnh sát.
Thượng tá Trịnh Văn Sỹ cũng bày tỏ những mong mỏi của mình sau gần 40 năm gắn bó với nghề: “Ngày trước, khi ra nước ngoài, tôi đã quan sát và ước muốn. Đầu tiên, tôi mong rằng người dân Việt Nam cũng tự giác chấp hành luật giao thông như vậy. Thứ 2, tôi hy vọng lực lượng cảnh sát giao thông trong tương lai sẽ được trang bị phương tiện hiện đại, để hạn chế tối đa việc phải sử dụng sức người, hao hụt về con người".
“Cuối cùng, hy vọng người dân sẽ thêm hiểu và chia sẻ với công việc của cảnh sát giao thông chúng tôi” – ông nói.
Buổi ra mắt Hồi ký "Trên những ngả đường đời"( NXB Hội nhà văn phát hành) và giao lưu với tác giả sẽ diễn ra vào sáng 29/12 tại Nhà khách Trung ương số 8 Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội. |
Hà My
Tags