MSI RTX 4080 SUPRIM X là một trong những phiên bản custom đáng mua của RTX 4080 hiện nay, khi sở hữu thiết kế đẹp, hiệu năng cực tốt, khả năng hoạt động mát mẻ và êm ái, kèm theo cái giá phải trả không hề dễ chịu.
Sau khi phiên bản Founders Edition (bản tham chiếu) của dòng RTX 4080 & 4090 được ra mắt, hàng loạt hãng sản xuất card đồ họa lớn cũng theo chân ra mắt hàng loạt các phiên bản tùy chỉnh, với các sự khác biệt về thiết kế, tản nhiệt cũng như xung nhịp. Trong số này, có thể kể đến các phiên bản được gắn mác SUPRIM X của MSI, vốn được coi là dòng card đồ họa cao cấp nhất, đắt tiền nhất hiện nay của hãng công nghệ có trụ sở ở Đài Loan (Trung Quốc).
Đây có thể coi là lần xuất hiện thứ hai của dòng SUPRIM X, sau khi được trang bị trên dòng RTX 3000 vào năm 2020 để kỉ niệm 20 năm MSI tham gia vào thị trường card đồ họa, thay thế cho dòng Gaming X/Z Trio ở vị trí dòng card đồ họa cao cấp nhất của hãng.
Với giá bán trên thị trường với giá dao động từ 39-41 triệu tùy đại lý/cửa hàng - tức gần ngang giá bán một chiếc xe tay ga, MSI RTX 4080 SUPRIM X liệu có thực sự đáng tiền để người dùng dốc hầu bao?
Ngoại hình đẹp, hoạt động mát mẻ nhưng vừa 'to xác', vừa ngốn điện
MSI RTX 4080 SUPRIM X tiếp tục kế thừa triết lý thiết kế bên ngoài của phiên bản tiền nhiệm. Điều này được thể hiện rõ ở thiết kế 3 quạt tản nhiệt, phần khung kim loại xước được phối màu xám ghi, trong khi các cạnh kim loại ở cạnh quạt tản nhiệt được cắt theo hình bát giác có các cạnh vát 45 độ được đánh bóng. Bên cạnh đó, các chi tiết nhỏ như phần cạnh của cụm tản nhiệt đều được gia công rất kĩ càng. Ở mặt sau của RTX 4080 SUPRIM X, MSI trang bị một tấm backplate màu xám ghi được thiết kế đồng bộ với phần thân vỏ ở mặt trước.
Là một mẫu card đồ họa cao cấp, RTX 4080 SUPRIM X đương nhiên không thể thiếu hệ thống đèn LED RGB, với 3 đèn được gắn ở 3 quạt tản nhiệt phía trước, kèm theo 2 đèn được bố trí ở trên đỉnh và phía backplate làm nổi bật chữ SUPRIM.
Nhìn chung, mặc dù không mang tới sự thay đổi mạnh mẽ về mặt thiết kế, kiểu thiết kế này khiến ngoại hình tổng thể của RTX 4080 SUPRIM X tuy đơn giản, không quá 'màu mè' hay hầm hố nhưng lại cực kỳ bắt mắt và mạnh mẽ, đồng thời vẫn tạo cho người dùng cảm giác, đây là một mẫu card đồ họa cao cấp và đắt tiền.
Là phiên bản đắt tiền hơn dòng Ventus và Gaming X/Z Trio, RTX 4080 SUPRIM X đương nhiên sẽ được MSI trang bị hệ thống tản nhiệt loại tốt nhất có thể. Theo đó, mẫu card đồ họa này sử dụng phiên bản mới nhất của giải pháp tản nhiệt TRI-FROZR 3S. So với phiên bản TRI-FROZR 2S từng được trang bị trên các mẫu Suprim X thuộc dòng RTX 3000, TRI-FROZR 3S mang tới nhiều điểm cải tiến.
Chẳng hạn, hệ thống 3 quạt tản nhiệt Torx 5.0 mới nhất có thiết kế dạng vòng, cho phép luồng khí mát có thể dễ dàng lưu thông trong bộ tản nhiệt chính. Tất cả các quạt đều sử dụng thiết kế ổ bi kép, khá bền bì và hoạt động tương đối êm ái. Mỗi quạt đều có tổng cộng 9 cánh, được đặt nghiêng một góc 22 độ, giúp liên tục duy trì luồng khí áp suất cao kể cả ở tốc độ quay thấp.
Đáng chú ý, phiên bản bộ nhớ VRAM 16GB của RTX 4080 SUPRIM X trang bị riêng giải pháp tản nhiệt Vampor Chamber, hay còn gọi là tản nhiệt buồng hơi. Theo đó, một buồng hơi (chứa đầy chất làm mát – coolant) sẽ hấp thụ nhiệt từ GPU một cách nhanh chóng, sau đó di chuyển nhiệt qua mười ống kim loại dẫn nhiệt đến bộ tản nhiệt.
Tản nhiệt chính cũng cung cấp khả năng làm mát cho VRM và chip bộ nhớ, vốn cũng đã được bao phủ bởi các miếng dán tản nhiệt. Bản thân backplate của card cũng được trang bị các miếng dán tản nhiệt này, nhằm đảm bảo nhiệt độ của tất cả các bộ phận của RTX 4080 SUPRIM X đều ở mức thấp nhất.
Xét về kích thước, RTX 4080 SUPRIM X thực sự là một con 'khủng long' theo đúng nghĩa đen. Với kích cỡ 336 x 142 x 78 mm, đây là một mẫu card 'vừa to vừa dày', chiếm tới tận gần 4 slot trên mainboard.
Chưa kể đến, với trọng lượng 2,3kg, nguy cơ card đồ họa bị xệ hoặc cong vênh là điều hoàn toàn có thể xảy ra, song song với việc khe PCIe có thể bị hỏng hóc. Để tránh điều này, MSI đã trang bị cho RTX 4080 SUPRIM X một khung kim loại để gia cố, bảo vệ bảng mạch, song song với việc tặng sẵn cho người dùng một thanh chống VGA.
Cũng phải nói thêm, việc lắp đặt RTX 4080 SUPRIM X trong các thùng máy kích thước tầm trung (Mid Tower) là không thật sự tối ưu. Nó có thể dẫn tới các vấn đề về nhiệt độ của hệ thống, khi gió mát được hút vào và gió nóng được hút ra bị cản trợ bởi một linh kiện có kích thước lớn. Nói cách khác, RTX 4080 SUPRIM X phù hợp hơn với các thùng máy kích cỡ lớn (Full Tower), vốn vừa dễ lắp đặt, vừa đảm bảo được vấn đề nhiệt độ toàn bộ hệ thống khi chạy.
Tương tự như phiên bản SUPRIM X đầu tiên, một công tắc gạt chuyển chế độ Silent và Gaming cũng đã được MSI tích hợp trên board của card. Điều này giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi sang BIOS khác nhau (với xung nhịp của nhân xử lý đồ họa và xung của VRAM được tùy chỉnh riêng biệt).
MSI cũng trang bị cho RTX 4080 SUPRIM X tổng cộng 4 cổng kết nối - bao gồm 1 cổng HDMI chuẩn 2.1a (hỗ trợ 4K/120 Hz HDR, hoặc 8K/60Hz HDR, cũng như tính năng and Variable Refresh Rate) và 3 cổng DisplayPort x 3 (v1.4a).
Mạnh mẽ, mát mẻ nhưng cần nguồn 'khủng'
So vơi thế hệ RTX 3000, các mẫu card đầu bảng của thế hệ RTX 4000 tuy mạnh hơn, nhưng cũng 'ngốn' điện hơn đáng kể. Mặc dù không yêu cầu nguồn công suất cực lớn như RTX 4090, phiên bản RTX 4080 SUPRIM X cũng có TDP khá cao, lên tới 320W.
Card sử dụng đầu nối ATX 12VHPWR 12+4 chân, vốn có thể cấp lượng điện năng lên tới 600 W. Nhà sản xuất MSI đã khuyến cao người dùng nên trang bị một PSU có công suất 850W, hoặc tối thiểu 750W để hệ thống có thể chạy ổn định, khi mức sử dụng điện năng thực tế của RTX 4080 SUPRIM X có thể lên tới 400W.
Về mặt thông số, RTX 4080 được coi là card đồ họa mạnh thứ nhì thị trường hiện nay (chỉ sau RTX 4090). Mẫu GPU này trang bị 9.728 lõi CUDA trên 76 bộ đa xử lý luồng, 304 lõi Tensor, 76 lõi RT và 112 ROP. So với phiên bản tham chiếu của Nvidia, xung core và xung bộ nhớ của phiên bản SUPRIM X vẫn giữ nguyên (lần lươt đạt 2205 MHz và 1400MHz) nhưng xung boost đã được ép xung sẵn, lên tới 2,625 GHz, so với mức xung boost của phiên bản tham chiếu là 2,50 GHz.
RTX 4080 SUPRIM X trang bị bộ nhớ dung lượng 16GB, chuẩn bộ nhớ GDDR6X với băng thông rộng 256 bit. RTX 4080 SUPRIM X không hỗ trợ chuẩn giao tiếp PCIe 5.0, mà chỉ hỗ trợ chuẩn PCIe 4.0
Các tựa game được thử nghiệm sức mạnh của RTX 4080 trong bài viết này bao gồm Assassin's Creed Valhalla, Atomic Heart, Far Cry 6, Forza Horizon 5, Call of Duty Modern Warfare 2 và Tom Clancy The Division 2. Đây đều là một trong số các tựa game AAA có có đồ họa thuộc dạng 'ngốn' cấu hình, và đều hỗ trợ các hiệu ứng đồ họa Ray Tracing.
Độ phân giải được lựa chọn để thử nghiệm là 1440p, với các thiết lập đều ở mức cao nhất có thể, và chạy bằng công cụ benchmark tích hợp sẵn trong game. Hệ thống được thử nghiệm trang bị CPU Intel Core i9-13900K, mainboard MSI MAG Z790 Tomahawk, RAM G.Skill F4-3600C18 bus 3600MHz dung lượng 16GB (2 thanh), và bộ nguồn Msi MEG Ai1300P công suất 1300W.
Trên thực tế, ngay cả khi đặt ở thiết lập cao nhất có thể (bao gồm các thiết lập Ray Tracing), các tựa game nói trên khó có thể làm khó được RTX 4080 ở độ phẩn giải 1440p (ngay cả khi chưa bật tính năng DLSS), khi RTX 4080 hoàn toàn có thể 'cân' được ở độ phân giải cao hơn là 4K.
Chẳng hạn, với Assassin's Creed Valhalla, FPS trung bình mà card đồ họa này đạt được trong tựa game thế giới mở của Ubisoft là 152 FPS, quá đủ mượt mà để chơi trên các màn hình có tần số làm quét cao.
Tương tự, với Far Cry 6, RTX 4080 có thể đạt FPS trung bình 112 FPS, với FPS tối đa có thể lên tới 165 FPS, và FPS tối thiểu đạt 97 FPS – đều là mức khung hình lý tưởng khi chơi một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất. Đáng chú ý, ngay cả với Atomic Heart – một tựa game FPS với đồ họa cực kỳ đẹp mắt chỉ vừa mới ra mắt hôm 21/2, RTX 4080 tiếp tục 'thị uy' sức mạnh, khi mức FPS người dùng đạt được ở thiết lập Ultra có thể lên tới 300 FPS ở tùy phân cảnh trong game.
Sang đến một game đua xe bom tấn có đồ họa rất đẹp mắt như Forza Horizon 5, khi đặt các thiết lập đồ họa lên mức cao nhất, bao gồm cả Ray Tracing, cũng như bật thêm một tùy chọn rất ngốn cấu hình là khử răng cưa MSAA 2X, RTX 4080 vẫn đạt mức khung hình ở 72 FPS.
Xét về nhiệt độ, kết quả thử nghiệm thực tế cho thấy, ngay cả khi chơi các tựa game nặng, RTX 4080 Suprim X hoạt động khá mát mẻ, chỉ giao động trong khoảng từ 57-60 độ C. Ngay cả khi chạy các công cụ stress test như Furmark hay 3Dmark, nhiệt độ của RTX 4080 Suprim X cũng chỉ đạt ngưỡng tối đa 64 độ C, với tốc độ quạt quay chỉ khoảng 53%. Bản thân hệ thống quạt của RTX 4080 Suprim X cũng hoạt động khá êm ái, tạo ra độ ồn rất thấp ngay cả khi hệ thống chạy full load.
Nhìn chung, RTX 4080 Suprim X sở hữu thiết kế đẹp, hiệu năng cực tốt, khả năng hoạt động mát mẻ và êm ái, nhưng cũng đi kèm với các điểm trừ như kích thước lớn, 'ngốn' điện kèm theo giá bán không hề rẻ. Tất nhiên, nếu bạn là một game thủ muốn xây dựng một bộ PC tốt nhất có thể, RTX 4080 Suprim X hoàn toàn là một lựa chọn tối ưu.