- Nhân viên SpaceX: Những ngày không có Elon Musk thật thoải mái, hy vọng ông sẽ tiếp tục tập trung vào Twitter
- Elon Musk sắp hầu tòa, Apple thừa nhận lỗi iPhone 14 Pro và nỗi kinh hoàng của ChatGPT trong trường học
- Xe điện Xiaomi bước vào giai đoạn thử nghiệm độ bền, đích thân CEO Lôi Quân tham gia đoàn xe lái lên vùng cực lạnh
Từ trước tới nay, các yếu tố gồm máy bộ, nhỏ gọn, cấu hình mạnh và khả năng tùy biến cấu hình là những đặc tính ít khi có thể song hành với nhau trên một chiếc máy tính cá nhân để bàn. Không những thế, với mỗi đặc tính trên đều đi kèm những hạn chế nhất định. Điều này đã hoàn toàn thay đổi với Intel NUC 13 Extreme Raptor Canyon.
Mở hộp Intel NUC 13 Extreme Raptor Canyon. Ảnh Tuấn Lê
Là phiên bản reviewer’s kit (bộ sản phẩm cho giới truyền thông đánh giá sản phẩm), Intel NUC 13 Extreme Raptor Canyon được đặt trong một chiếc vali hầm hố cỡ lớn với lót mút xốp dày chuyên được dùng để vận chuyển các thiết bị điện tử đắt tiền. Ngay khi mở hộp, chúng ta có thể thấy dòng chữ Prey on the competition – "Săn mồi trên cuộc cạnh tranh" tương ứng với cái tên Extreme Raptor Canyon cũng như dòng chữ kỉ niệm 10 năm dòng sản phẩm NUC của Intel.
Phụ kiện đi kèm bao gồm sách hướng dẫn, cáp SATA, antenna Wi-fi, cáp nguồn, USB cài đặt Windows kèm bản quyền, cáp MOLEX và một số bộ ốc phụ kiện.
Hình dáng tổng thể bên ngoài của Intel NUC. Ảnh Tuấn Lê
Intel NUC 13 được thiết kế theo hình khối vuông và hạn chế các cạnh gồ ghề. Trong khi đó, hai cạnh bên và mặt trên được thiết kế theo dạng lưới để tăng cường luồng khí lưu thông và tối ưu khả năng tản nhiệt. Họa tiết chính của Intel NUC 13 chủ yếu là các hình quả trám. Các cổng kết nối phía trước bao gồm nút nguồn, 2 cổng USB-A 3.0, 1 cổng Type-C và jack 3.5mm combo tai nghe/mic.
Là máy bộ đồng thời là xu hướng thiết kế case trong những năm gần đây, phần lớn ốc bên ngoài của Extreme Raptor Canyon là dạng thumbscrew để người dùng có thể dễ dàng tháo lắp mà không cần có bộ công cụ.
Mặt sau của Intel NUC 13 là các cổng kết nối với 6 cổng USB-A 3.0 và 2 cổng Type-C, đi kèm với tận 2 cổng Ethernet, jack cắm antenna Wifi và cổng HDMI cũng như jack cắm 3.5mm.
Intel NUC 13 được xây dựng hướng tới kích cỡ case nhỏ - small form factor SFF cùng thiết kế nội thất kiểu "console": Main, nguồn ở phía trên và card đồ họa ở phía dưới để tiết kiệm thể tích chiều ngang. Có thể thấy, bên trong của Intel NUC 13 được thiết kế với hầu hết các linh kiện đã được gắn sẵn, có RAM, NVMe SSD và card đồ họa là có thể dễ dàng thay thế. Mainboard của Intel NUC 13 cũng được Intel đặt hàng ASUS thiết kế riêng.
Tuy nhiên, RAM là loại SODIMM thường được sử dụng trên laptop thay vì DIMM thông dụng. Còn lại các chuẩn kết nối khác đều là tiêu chuẩn bởi CPU và chipset đều là bản đầy đủ của Raptor Lake. Cũng bởi vậy mà Intel NUC 13 được trang bị chuẩn PCIe 5.0, sẵn sàng cho các thế hệ GPU sau này. Tản nhiệt cho CPU cũng được thiết kế đặc biệt của Intel để cân bằng giữa kích thước và hiệu năng cũng như nhiệt độ.
Như đã nói ở trên, để tăng sự dễ dàng trong việc tùy biến cấu hình, Intel thậm chí còn thiết kế riêng một mạch mở rộng để người dùng cắm thêm thiết bị mà không cần phải bóc tách hết các linh kiện gắn sẵn khác.
Cấu hình thử nghiệm:
Trong quá trình thử nghiệm, một điểm dễ thấy nhất là việc tuy cùng sử dụng CPU là i9-13900K, điểm số ghi nhận được trên Intel NUC 13 có phần thua kém đôi chút, nhất là trong các bài thử đa nhiệm khi so với test bench khác sử dụng i9-13900K của chúng tôi.
Do kích thước tản nhiệt nhỏ hơn khá nhiều so với các tản nhiệt cỡ lớn như AIO 360mm hay các loại tản khí dạng tháp, nhiệt độ CPU khi thử nghiệm nhanh chóng đạt mức 100 độ C dẫn đến hiện tượng throttle giảm xung nhịp, ảnh hưởng đến hiệu năng của CPU.
Đơn cử như với bài thử CPU-Z, tuy điểm đơn luồng single thread là tương đương, điểm số đa luồng Multi Thread của i9-13900K trên Intel NUC 13 thua kém khoảng 1000 điểm so với bản trên test bench.
Trong khi đó, với Cinebench R23, tình hình cũng tương tự khi điểm Single Core là tương đương nhưng điểm Multi Core chênh tới gần 8000 điểm, tương đương với khoảng 25% hiệu năng.
Quá trình thử nghiệm game cũng cho thấy điểm yếu chí mạng của Intel NUC 13 khi cố gắng tích hợp CPU đầu bảng của Intel là nhiệt độ, gây ảnh hưởng đến hiệu năng chung của cấu hình. Trong khi đó, GPU vẫn hoạt động ở mức nhiệt độ lý tưởng ở mức khoảng 70-80 độ C khi chạy hết hiệu suất.
Kết quả khi chạy thử trên Settings cao nhất với các game The Division 2 và Dirt5.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của người viết, thực tế Intel đã thử nghiệm và cân đối hiệu năng của i9-13900K để đảm bảo không ảnh hưởng đến mức FPS khi chơi game, đảm bảo được mức tối thiểu 60 FPS ở bất cứ thiết lập nào.
Nhìn chung, Intel NUC 13 Extreme Raptor Canyon vẫn là một lựa chọn giúp người dùng có thể cân đối giữa nhiều yếu tố để có một cấu hình ưng ý cho người dùng không có quá nhiều kinh nghiệm về việc tự xây dựng cấu hình máy tính. Dẫu còn những hạn chế về việc chưa tận dụng được hiệu năng tối đa của CPU hay giá thành còn ở mức tương đối cao, đây vẫn là một lựa chọn thú vị cho người dùng với nhu cầu chính là chỉ chơi game.