Trong dịp 27/7 này, khá nhiều ca khúc viết về chủ đề tri ân các anh hùng liệt sĩ được các nghệ sĩ phát hành. 2 trong số đó nhận được nhiều sự đón nhận của khán giả cũng như được truyền thông liên tục nhắc tới là MV Thiên hùng ca bất tử của NSND Quốc Hưng và Đưa anh về của Phan Mạnh Quỳnh.
Dẫu cùng một đề tài, dẫu cùng là nguyện vọng muốn tri ân, nhưng mỗi ca khúc lại có cách tiếp cận đề tài khác nhau, có nội dung khác nhau và có cách diễn đạt cũng khác nhau.
Hai tác phẩm ý nghĩa
Đưa anh về là ca khúc mang màu sắc âm nhạc rất riêng so với những gì khán giả đã quen nghe ở những ca khúc cùng chủ đề. Đây là ca khúc nhạc trẻ có chủ đề về hình tượng người chiến sĩ, liệt sĩ qua góc nhìn, cảm nhận của một nhạc sĩ thế hệ 9X.
Người nghe dễ dàng nhận thấy nét đặc trưng của Phan Mạnh Quỳnh, thấy bóng dáng đâu đó những ca khúc khác của chính nam ca - nhạc sĩ này. Ngay cách diễn đạt ca từ cũng thấy rất gần với một số bài tình ca của giới trẻ, chẳng hạn, 8 từ trong một câu hát được nhắc đến nhiều lần trong bài đó là: "Anh ơi hôm nay theo em về nhà". Khi thể hiện, ca sĩ sẽ hát liền mạch 6 từ, sau đó chững lại một chút mới hát tiếp 2 từ cuối: "về nhà".
Một điểm khá thú vị nữa nằm ở ngay câu đầu tiên của Đưa anh về. Sau câu nhạc dạo đầu mang màu sắc tưởng niệm, giai điệu chính vang lên cứ gần gần, xa xa, văng vẳng; trong khi giai điệu rất thiên về hát nói (hơi hơi giống rap, cũng hơi hơi giống kiểu hát nói trong một vở nhạc kịch hiện đại): "Đưa anh về, xe ca đón ánh ban mai ngày đưa anh về. Nghe đôi tiếng sóng êm êm dọc theo xa lộ, thật nhiều năm em mới trọn giấc ngủ...". Những đoạn sau thì giai điệu phát triển lên, trong âm nhạc còn khai thác cả chất rock nhưng không kiểu bùng cháy ra bên ngoài mà vẫn giữ được chất tự sự. Nhìn chung, người viết cho rằng chi tiết mở đầu của ca khúc khá "đắt" vì ca khúc được tác giả xây dựng như kể một câu chuyện mang tính tự sự, nội tâm.
Không phải một ký sự bằng âm nhạc đầy tâm trạng, cũng không phải một bản ballad thiết tha, Thiên hùng ca bất tử của nhạc sĩ Kiên Ninh qua sự thể hiện của NSND Quốc Hưng là một khúc tráng ca mang tầm vóc của một tác phẩm nghệ thuật, thuộc thể loại chính ca.
Thiên hùng ca bất tử được viết ở giọng thứ, có bố cục ở hình thức 2 đoạn đơn phát triển, trong đó đoạn mở đầu là phần trình bày và đoạn thứ 2 chính là phần phát triển hay điệp khúc. Ca khúc dẫn người nghe đến với 2 trạng thái cảm xúc đó là mềm mại, da diết đan xen hào sảng, hào hùng. Kiên Ninh đã gửi gắm ca khúc cho nhạc sĩ Hà Trung hoà âm theo phong cách epic, pop ballad classic.
Phần thể hiện là giọng hát solo qua giọng hát trầm dày, đầy đặn và hào sảng của NSND Quốc Hưng, có đan xen với phần bè, vocal lót phụ hoạ của tốp ca nữ. Trong đó, sự xuất hiện của vocal giọng nữ ở đoạn nhạc dạo giữa là có chủ ý. Nó đã tạo màu sắc hồi tưởng, như âm thanh của các anh hùng liệt sĩ từ không gian linh thiêng vọng về.
MV "Thiên hùng ca bất tử":
Một tấm lòng tri ân
Thực ra cả Thiên hùng ca bất tử và Đưa anh về đều có chung một mục đích sáng tác, một lý do để ra đời đúng thời điểm cả nước đang hướng về ngày thương binh - liệt sĩ, đó chính là tấm lòng tri ân. Dẫu cùng một đề tài, dẫu cùng là nguyện vọng muốn tri ân, nhưng mỗi ca khúc lại có cách tiếp cận đề tài khác nhau, có nội dung khác nhau và có cách diễn đạt cũng khác nhau.
Đưa anh về là hình ảnh người anh hùng liệt sĩ được những người thân của mình sau quá trình dày công sức, thời gian và tìm được mộ, để rồi đưa người chiến sĩ đã trở về với bà con làng xóm, trở về nằm bên mẹ hiền. Trong khi, Thiên hùng ca bất tử ngợi ca hình ảnh cao đẹp về sự hy sinh của bộ đội ta trên dòng sông Thạch Hãn tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị khốc liệt năm xưa. Các anh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, thân thể của các anh hòa cùng dòng sông để chảy mãi khúc ngợi ca về hòa bình cho các thế hệ mai sau.
MV "Đưa anh về":
Phan Mạnh Quỳnh viết ca khúc Đưa anh về dựa vào câu chuyện có thật về một người em gái đi tìm anh trai liệt sĩ. Anh cho biết, năm 2017 tình cờ anh đọc bài báo nói về hành trình tìm kiếm hài cốt anh trai nằm lại chiến trường của người em gái là bà Nguyễn Thị Xuân (70 tuổi) quê Thanh Chương, Nghệ An. Gần 50 năm đi khắp nơi, bà Xuân vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện của người mẹ quá cố. Câu chuyện đã khiến nam nhạc sĩ xúc động và gợi cho anh nguồn cảm hứng viết nên ca khúc.
Còn với Kiên Ninh, cứ văng vẳng trong đầu những câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương mà anh đã tình cờ nghe ở đâu đó: "Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm". Và Kiên Ninh chỉ thoát ra khỏi mấy câu thơ ấy sau khi anh đã hoàn thành ca khúc Thiên hùng ca bất tử mà 4 câu thơ đã hóa vào giai điệu mở đầu đoạn điệp khúc trong tác phẩm.
Trong khi, giọng bass hàng đầu Việt Nam - NSND Quốc Hưng - khi thể hiện Thiên hùng ca bất tử tri ân những liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh ở Quảng Trị cũng thấy một phần gia đình mình ở trong đó.
NSND Quốc Hưng chia sẻ rằng, bố anh đã có hơn chục năm chiến đấu tại mặt trận Khe Sanh nhưng may mắn là ông được trở về với gia đình, dù thân thể không còn lành lặn. Ông qua đời khi Quốc Hưng mới chỉ 13 tuổi.
Đối với những khán giả yêu nhạc Việt, có lẽ mùa tri ân những anh hùng liệt sĩ năm 2024 này thật trọn vẹn. Bởi vì cùng lúc được đón nhận nhiều ca khúc mới, mang nhiều màu sắc, có chất lượng nghệ thuật, hơn nữa, ở đó còn cho thấy sự góp mặt của các nghệ sĩ đang rất sung sức, thuộc các lứa tuổi từ 7x đến 9x. Họ sáng tác, thể hiện và đầu tư để có được những sản phẩm chất lượng cả về âm nhạc cũng như hình ảnh mà chỉ với một mục đích duy nhất, đầy thiêng liêng, cao cả đó là tri ân.
Và điều quan trọng, rõ ràng chúng ta thấy, dường như có một dòng chảy đặc biệt và linh thiêng đang tồn tại trong nhạc Việt, dẫu có lúc thăng trầm nhất định, dẫu có lúc còn có những hoài nghi rằng, phải chăng người trẻ không còn mặn mà với những mảng đề tài lớn, mang tính chính luận nữa? Nhưng thật ra, dòng chảy ấy, mang theo lòng biết ơn và tình yêu lớn lao với Tổ quốc, vẫn luôn luôn nằm trong tiềm thức mỗi nghệ sĩ nói riêng, rộng hơn là trong mỗi người Việt Nam.
"Họ sáng tác, thể hiện và đầu tư để có được những sản phẩm chất lượng cả về âm nhạc cũng như hình ảnh mà chỉ với một mục đích duy nhất, đầy thiêng liêng, cao cả, đó là tri ân" - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.
Không cho điểm
Tags