Triển lãm của nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh: Thách thức kinh nghiệm tri giác về vật chất!

Thứ Năm, 11/05/2023 18:00 GMT+7

Google News

Hoàng Tường Minh (sinh 1962, Tuyên Quang) là điêu khắc gia chuyên nghiệp, cá tính của TP.HCM, với nhiều dấu ấn sáng tạo trong suốt 30 năm qua. Thế nhưng đến nay anh mới dám vượt qua áp lực nghề nghiệp để làm triển lãm cá nhân đầu tiên, lấy tên "Áp lực ngược", khai mạc lúc 18h ngày 12/5 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Theo dõi hành trình sáng tạo của Hoàng Tường Minh suốt nhiều năm qua, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Ngọc Thuyên có bài viết về triển lãm. Tựa đề và phân đoạn do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đặt.

Hành trình nghệ thuật trên 30 năm

Thuộc thế hệ điêu khắc gia hoạt động nghề nghiệp tích cực từ sau giai đoạn mỹ thuật Đổi mới tại TP.HCM đến nay, Hoàng Tường Minh đã bước vào lứa tuổi 60, chín về nghề và đủ thời gian cân nhắc cho ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên như một giới thiệu ngắn gọn về hành trình nghệ thuật trên 30 năm.

Triển lãm của nhà điêu khắc ở tuổi Hoàng Tường Minh: Thách thức kinh nghiệm tri giác về vật chất! - Ảnh 1.

Điêu khắc gia Hoàng Tường Minh. Ảnh: Văn Bảy

Thực tế hoạt động điêu khắc tại Việt Nam có nhiều lý do cho thấy rất ít điêu khắc gia có thể làm được triển lãm cá nhân tới 4 - 5 lần, dù họ sáng tác và làm việc tích cực cả đời. Có điều đáng nói, hoạt động nghề nghiệp của họ ít khi chỉ thu hẹp trong các sáng tác "salon", hoặc nói cách khác, sáng tác nghệ thuật thuần tuý phi công năng. Nhiều điêu khắc gia đã thực hiện nhiều công trình điêu khắc ứng dụng bằng tay nghề chuyên nghiệp cao và văn hóa thẩm mỹ tốt, nhưng thật lạ, họ ít chú trọng giới thiệu, trưng bày những thành quả nghệ thuật ứng dụng của mình. Có lẽ, họ coi công việc đó không phải/không thể là tiếng nói nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân trọn vẹn.

Nên, sẽ thiếu sót nếu bỏ qua những công trình thực sự giàu giá trị thẩm mỹ và đóng góp chung cho đời sống Việt đương đại của Hoàng Tường Minh cùng các đồng nghiệp ở nhiều cơ sở văn hóa, tôn giáo (tiêu biểu như phần điêu khắc mới ở thánh địa La Vang, tỉnh Quảng Trị).

Triển lãm của nhà điêu khắc ở tuổi Hoàng Tường Minh: Thách thức kinh nghiệm tri giác về vật chất! - Ảnh 2.

Tác phẩm “Áp lực 5” của Hoàng Tường Minh

Như đã nói, Tường Minh thành công trên phương diện điêu khắc ứng dụng, hoạt động chuyên môn đều đặn từ đầu năm 1990 (ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM) như tham gia các triển lãm nhóm, triển lãm điêu khắc toàn quốc (10 năm/lần), triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tham dự các trại sáng tác điêu khắc trong nước và khu vực. Ông cũng là một trong các nghệ sĩ nòng cốt của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội, nhóm những gương mặt nổi bật nhất hiện nay.

Thế nhưng, mục tiêu của Tường Minh vẫn là một triển lãm cá nhân, nhằm chia sẻ những sáng tạo với cộng đồng nghệ thuật và công chúng.

Triển lãm của nhà điêu khắc ở tuổi Hoàng Tường Minh: Thách thức kinh nghiệm tri giác về vật chất! - Ảnh 3.

Tác phẩm “Áp lực 11”

Phù hợp cho mọi không gian xã hội

Triển lãm cá nhân lần đầu của Hoàng Tường Minh trưng bày trên 20 tác phẩm điêu khắc chất liệu đá và kim loại, cùng khoảng trên 10 phác thảo được ông thực hiện từ nhiều năm. Một câu chuyện nghệ thuật có chủ đề chính là lực/áp lực, mà một một phần lý do (xuất phát từ yếu tố tâm lý) đã được diễn giải ở trên.

Ông khái quát thành 2 loạt tác phẩm - 2 mạch ngôn ngữ nghệ thuật và tư duy tạo hình khác nhau, được đánh số và đặt tên gợi mở, với nội dung là NguồnÁp lực.

Triển lãm của nhà điêu khắc ở tuổi Hoàng Tường Minh: Thách thức kinh nghiệm tri giác về vật chất! - Ảnh 4.

Tác phẩm “Nguồn 1” của Hoàng Tường Minh

Loạt tác phẩm Nguồn có ngôn ngữ hình khối phần nào tương tự các tác phẩm điêu khắc đá Hoàng Tường Minh từng thực hiện trưng bày ngoài trời tại một số tỉnh thành, nội dung của chúng xoay quanh chủ đề lớn về tính nữ, tính phồn thực, gợi ý về các đại tự sự truyền thuyết nguồn gốc dân tộc và tôn giáo.

Về ngôn ngữ nghệ thuật, Nguồn đáng chú ý ở các biến thể cơ quan sinh nở theo dạng khối kim loại từ đặc đến rỗng, cường điệu, khái quát và biểu tượng hóa, hướng tới hình thái tôn vinh như các dạng đền đài thu nhỏ. Chúng tỏ ra phù hợp với tâm lý sáng tạo dựa trên bản sắc truyền thống, cũng như sự yêu thích của Hoàng Tường Minh với lịch sử, nhất là cổ sử Việt.

Triển lãm của nhà điêu khắc ở tuổi Hoàng Tường Minh: Thách thức kinh nghiệm tri giác về vật chất! - Ảnh 5.

Tác phẩm “Nguồn 4”

Loạt tác phẩm Áp lực không tìm kiếm các dạng thức biểu hiện của khối tích trong không gian theo cách thức chủ đạo của điêu khắc truyền thống. Chúng pha trộn ngôn ngữ tối giản và nhấn mạnh tâm lý thị giác theo cách thách thức kinh nghiệm tri giác để từ đó gợi ra những câu hỏi về các cặp đối lập như cứng/mềm, nặng /nhẹ và hướng suy tưởng hoài nghi cố hữu về cái không thể/có thể.

Thách thức kinh nghiệm tri giác về vật chất là thao tác tạo hình của Hoàng Tường Minh. Ông "uốn vặn" những lát đá phiến, những viên gạch kim loại lớn, biến chúng từ vật chất cứng rắn - từ biểu tượng nền móng vững chắc thành vật chất "có vẻ dễ thao túng". Ông can thiệp, tạo ra các điểm mở vô hình ở các biểu tượng bạo lực như dây thép gai, xích sắt, ống thép ở mức độ vừa đủ tạo ra tâm lý thắc mắc, đẩy "áp lực" kiến giải theo chiều ngược lại - chiều hướng về người xem.

Sáng tác theo hướng chú trọng ý tưởng, Áp lực tiếp cận các vấn đề xã hội và ngôn ngữ nghệ thuật đương đại phổ quát. Dấu ấn cá nhân nghệ sĩ - hiểu theo quan niệm về phong cách tạo hình riêng - được đưa xuống hàng thứ yếu, do đó tác phẩm có thể phù hợp cho mọi không gian xã hội, không bắt buộc phải gắn với những ngữ cảnh cụ thể của quốc gia, vùng miền.

Loạt tác phẩm Áp lực của Hoàng Tường Minh thuộc giai đoạn sáng tạo gần đây nhất, nó là một hướng mở và dự báo sẽ tiếp tục được ông khai thác. Ngoài ra, xét trong bối cảnh hiện tại, đây cũng sẽ là hướng tiếp cận của nhiều nghệ sĩ trẻ, những người sẽ cùng Hoàng Tường Minh tạo ra các sắc thái đa dạng cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

Triển lãm Áp lực ngược sẽ tạo ra một không gian vừa thưởng thức nghệ thuật thị giác, vừa gợi mở khả năng tương tác tư duy, "áp lực" sẽ là lực đẩy hai chiều giữa người sáng tạo và công chúng.

Áp lực của sáng tạo


Với hầu hết người sáng tác, việc tổ chức triển lãm cá nhân là một phần quan trọng của tính chuyên nghiệp và ít nhiều cũng là áp lực tâm lý - một áp lực tích cực và cần thiết cho mỗi chặng đường nghệ thuật. Danh họa Mark Rothko từng nói: "Giới thiệu tác phẩm ra thế giới là hành động táo bạo, liều lĩnh bất chấp", một câu nói hàm chứa áp lực tạo ra từ cả hai phía: nghệ sĩ - người sáng tạo và công chúng - người đối diện với sáng tạo đó.

Vũ Ngọc Thuyên

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›