Khai mạc cuối tuần trước tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, triển lãm Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ đã mở ra câu chuyện rất đặc biệt về các hội đấu xảo tại Việt Nam thời Pháp thuộc, cũng như những lần chúng ta tham dự các hội đấu xảo quốc tế tại Pháp, Mỹ, Bỉ… vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Cần nhắc lại, từ Hán Việt "đấu xảo" có thể tạm hiểu là "hội thi đấu về sự tinh xảo", gắn với các hoạt động hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm hàng hóa cũng như thúc đẩy thương mại trên thị trường. Và sau khi người Pháp vào Việt Nam, các hội đấu xảo - vốn đang nở trên thế giới sau cuộc cách mạng công nghiệp tại châu Âu - đã lập tức được thúc đẩy.
Cột mốc "Cung Đấu xảo Hà Nội"
Một lượng lớn tư liệu tại triển lãm gắn với nội dung trưng bày Hội đấu xảo Hà Nội, bao gồm các cuộc đấu xảo năm 1865, 1887, 1902 tại Hà Nội và Sài Gòn - những đô thị thường tổ chức các hoạt động này. Theo đó, các châu bản thời Nguyễn cho thấy hội đấu xảo Gia Định tổ chức vào năm Tự Đức 19 (1865) có thể coi là hội đấu xảo lớn đầu tiên diễn ra tại Nam Kỳ kể từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam.
Tại Hà Nội, hội đấu xảo lớn đầu tiên được tổ chức vào tháng 3/1887, dưới thời Tổng trú sứ Paul Bert. Địa điểm được chọn là khu vực Trường Thi (khu Thư viện Quốc gia hiện nay) với diện tích 40.000m2, vốn đã có sẵn các nhà mái ngói, mái lá và cả trụ sở của Nha kinh lược Bắc Kỳ được trưng dụng.
Ở cuộc đấu xảo này, đầu máy xe lửa Décauville, một chiếc cầu Eiffel dài 15 mét của công ty Eiffel nổi tiếng và nhiều sản phẩm công nghiệp của Pháp được trưng bày. Đặc biệt, một công ty cũng mang tới đây phiên bản thu nhỏ theo tỷ lệ 1/16 của bức tượng đồng "Nữ thần Tự do" nổi tiếng. Sau thời gian trưng bày, bức tượng được đặt tại đỉnh Tháp Rùa (Hồ Hoàn Kiếm) và trở thành bức tượng "bà đầm xòe" trong cách gọi của người dân Hà Nội.
15 năm sau, hội đấu xảo Hà Nội vào tháng 11/1902 diễn ra sau khi Cung Đấu xảo Hà Nội được hoàn thành 9 tháng trước đó. Công trình này nằm phía bên trái của đại lộ Gambetta (tại khu vực Cung văn hóa Hữu Nghị trên phố Trần Hưng Đạo hiện nay), có diện tích khoảng 10 hecta, với các kiến trúc Pháp khá tinh xảo.Ở đây, người xem có thể lần lượt khám phá khu vực dành cho nước Pháp và thuộc địa, khu vực dành cho Đông Dương, khu vực dành cho các nước Đông và Bắc Á, rồi Đông Nam Á và Tây Á. Đặc biệt, tòa nhà Trung tâm trưng bày nhiều bộ sưu tập đặc biệt của trường Đại học Đông Dương, của các thành phố tại Đông Dương, các sở địa lý, khí tượng học, quân sự…
Đây là thời điểm người Pháp muốn phô bày những bước phát triển nhảy vọt tại Đông Dương về công nghiệp, thương mại và nhất là sự mở rộng kỳ diệu của một thành phố "Pháp" ở Hà Nội. Đáng nói, sự xuất hiện của Cung đấu xảo Hà Nội cũng khắc họa một cột mốc đặc biệt, gắn với những cuộc đấu xảo định kỳ sau đó - vốn có sự tham gia của các sản phẩm Việt Nam từ các địa phương trong cả nước bên cạnh các các sản phẩm của Pháp và các nước khác trong suốt thời kì Pháp thuộc.
Triển lãm Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ kéo dài từ ngày 26/1 đến ngày 30/6 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ( số 5 phố Vũ Phạm Hàm, Hà Nội).
Những lần "đem chuông đi đánh xứ người"
Đem chuông đi đánh xứ người cũng là nội dung trưng bày thứ 2 tại triển lãm, gắn với những lần các sản vật - và sau đó là thợ thủ công truyền thống - của Việt Nam theo chân người Pháp xuất hiện tại các hội đấu xảo quốc tế.
Khởi đầu cho hành trình này là chuyến "tham quan" và trưng bày một số đồ điêu khắc Chăm của nhà Nguyễn tại hội đấu xảo Paris 1867. Tiếp đó, tại hội đấu xảo Paris 1878, lần đầu tiên, một số sản phẩm của Nam Kỳ tham dự hội đấu và mang về tới 44 chiếc huy chương vàng, bạc, đồng.
Tuy nhiên phải tới hội đấu xảo Paris năm 1889, lần đầu tiên trưng bày của Đông Dương mới được bố trí một vị trí quan trọng tại triển lãm, với các tòa trưng bày riêng cho mỗi xứ Nam Kỳ, Trung - Bắc Kỳ và Cao Miên, kèm theo các sản phẩm từ đất đai hoặc sản phẩm kỹ nghệ.Các tòa trưng bày này đều được thiết kế công phu với phong cách kiến trúc đặc trưng của từng khu vực. Trong đó tòa Nam Kỳ có diện tích 1.300m2, sử dụng nhiều loại gỗ bản xứ như gụ, trắc, mít … còn tòa Trung - Bắc Kỳ rộng gần 600m2.
Đáng nói, ngoài các đồ thờ cúng, đồ chạm khảm (được khách Âu mua khá nhiều), lụa, kén tằm, vải the, mẫu gạo… các nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam cũng được giới thiệu tại đây. Cụ thể, một "ngôi làng An Nam" được dựng lên như phiên bản của khu phố Hà Nội, với thợ thủ công biểu diễn các nghề chạm khảm, kim hoàn, sơn mài. Ngoài ra, khu vực này có cả một nhà hát An Nam với 40 diễn viên.
Sau ấn tượng mạnh từ hội đấu xảo này, các sản phẩm cũng như thợ thủ công người Việt Nam được thế giới đánh giá khá cao và tiếp xuất hiện tại nhiều hội đấu xảo thuộc địa, đấu xảo thế giới hay đấu xảo kĩ nghệ ở các thành phố khác như Marseille, Lyon, Paris (Pháp), San Francisco, New York (Mỹ) hay Bruxelles, Liège (Bỉ)… Về cơ bản, trong những lần tham gia sau này, các yếu tố văn hóa bản địa của người Việt Nam cũng được phía Pháp chú trọng giới thiệu.
Điển hình, tại hội đấu xảo năm 1906 ở Marseille, các công trình của khu vực Đông Dương có tổng cộng tới 21 hạng mục. Tại đây, ngoài trung tâm là Cung Đông Dương, phần còn lại đều mang dáng dấp kiến trúc tiêu biểu của 3 miền. Chẳng hạn, khu vực Nam Kỳ có dãy nhà phố Sài Gòn - Chợ Lớn và một nhà hàng An Nam. Khu vực Trung Kỳ có Cổng An Nam, mang dáng vẻ của Ngọ Môn ở Huế.
Hoặc, tại hội đấu xảo Marseille 1922, tại khu vực Đông Dương, một "Phố An Nam" được dựng lên như một con phố thật sự, với các ngôi nhà thật là nơi sinh sống của thợ thủ công, công nhân, thợ khảm, sơn mài, thợ dệt, thợ thêu… Con phố này có 1 khu chợ, 1 trường học Pháp- Việt, 1 ngôi đình, 1 ngôi chùa, khoảng 30 ngôi nhà Việt có tầng lầu và cửa hiệu, phía cuối phố là chùa Một Cột.
Những "nụ cười buồn bã"
"Triển lãm có giá trị, và đi sâu vào một chuyên đề mà dường như bấy lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Trước đây, chúng ta vẫn nói về những mặt trái của chế độ thuộc địa thời Pháp thuộc. Nhưng theo một nghĩa nào đó, đây cũng là giai đoạn Việt Nam bắt đầu hội nhập với thế giới, tiếp xúc với thị trường quốc tế - mà sự xuất hiện của các hội đấu xảo là ví dụ điển hình" - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét về triển lãm.
Như lời ông Quốc, các sử liệu để lại cho thấy những cuộc đấu xảo này đều thành công theo nghĩa thúc đẩy thương mại, khi các sản phẩm của Việt Nam được thế giới quan tâm và đánh giá cao. Trong đó, có những mặt hàng Việt Nam như các loại đồ gỗ, đồ khảm xà cừ đã có lúc được coi là tinh xảo nhất thế giới, còn các mặt hàng "cơ bản" như mẫu than đá, lúa gạo… cũng được quốc tế biết đến và đặt nền móng phát triển cho việc xuất khẩu than, gạo của Việt Nam đến tận bây giờ.
Ở một góc độ khác, không chỉ phát huy hiệu quả trong những dịp tổ chức sự kiện thường niên, Cung Đấu xảo Hà Nội, theo ông Quốc, cũng dần trở thành một nơi giao lưu dạy nghề để đưa một số nghề thủ công có nguồn gốc phương Tây tiếp cận với một quốc gia có lực lượng lao động nông nhàn rất lớn như Việt Nam. Thực tế, một số nghề như thêu ren, dệt cói làm mũ rộng vành… cũng đều phát triển tại Việt Nam từ cơ duyên này.
Tất nhiên, những cơ hội về phát triển thương mại, hoặc giới thiệu văn hóa Việt Nam tới thế giới, vẫn chỉ là bề nổi của câu chuyện đấu xảo. Như phân tích của nhiều chuyên gia tại triển lãm, kinh phí được người Pháp bỏ ra để quảng bá cho nguồn lực xuất khẩu tại vùng lãnh thổ Đông Dương mà họ sở hữu, cũng như tạo lập một quan hệ có lợi giữa nhà sản xuất Pháp và người tiêu thụ ở Viễn Đông, chủ yếu vẫn lấy từ ngân sách của chính quyền Đông Dương hoặc các "kỳ" - nghĩa là từ việc khai thác tài nguyên và sức lao động của người Việt Nam.
Đơn cử, về chế độ thù lao cho các thợ thủ công và công nhân người Việt Nam tại hội đấu xảo Marseille 1922, tác giả De Senn đã viết trên tờ Tương lai Bắc Kỳ: "Phần thưởng đến, ít ỏi, nhạt nhẽo và không thể thay được những ngày dài gian khổ để tạo tác, những ngày hạnh phúc khi công việc hoàn thiện. Và đó là lý do tại sao, nếu bạn nói chuyện với các nghệ sĩ bản xứ tại các triển lãm, họ lại có một nụ cười nhếch mép buồn bã, một cử chỉ mệt mỏi".
Thậm chí, tại đấu xảo Paris 1931 - nơi mà các sản phẩm trưng bày của Đông Dương rất phong phú, đa dạng với một ngôi đền Angkor Wat được dựng lên - chủ bút Leon Bulm của tờ Le Populaire đã viết trong một bài báo: "Ở đây chúng ta tái tạo lại những bậc thềm tuyệt tác của đền Angkor Wat và chúng ta say mê xem các vũ công thần thánh. Nhưng ở Đông Dương, chúng ta bắn giết, giam cầm và tù đày những con người đó".
"Cách người Pháp "tiếp thị" cho thương mại bằng văn hóa bản địa là một câu chuyện thú vị và nên được chúng ta tham khảo ở bối cảnh hiện tại" - nhà sử học Dương Trung Quốc.
Tags