(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/4 tại Trường ĐHMT Việt Nam diễn ra buổi Triển lãm mỹ thuật "New Days".
Tại đây trưng bày trên 30 tác phẩm hội họa và điêu khắc chọn lọc của 8 trong số hơn 1000 nghệ sĩ Việt Nam đã thu hút đông đảo giới mộ yêu tranh đến thưởng thức.
Các họa sĩ tham dự bao gồm Lý Trực Sơn (1949), Trịnh Tuân (1961), Trần Lê Nam (1962), Đặng Tiến (1963), Trịnh Quốc Chiến (1966). Các nhà điêu khắc Đào Châu Hải (1955), Bùi Hải Sơn (1957) và Khổng Đỗ Tuyền (1974).
Triển lãm New Days ngoài thời gian trưng bày trực tiếp tại Không gian Art Space - Trường ĐHMT Việt Nam, sẽ tiếp tục trưng bày kéo dài 3 tháng dưới hình thức triển lãm online - mô hình triển lãm hiện đại dựa vào nền tảng công nghệ. Triển lãm New Days trực tuyến sẽ tạo cơ hội thưởng thức sống động và trải nghiệm gần với thực tế nhất nhờ những công nghệ hiện đại được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu.
8 nghệ sĩ nêu trên là những người có quá trình sáng tạo nghệ thuật lâu dài, được ghi nhận qua nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, tác phẩm được sưu tập rộng rãi bởi các bảo tàng và sưu tập tư nhân. Nghệ thuật của họ có phong cách cá nhân rõ rệt, kỹ thuật tạo hình gây được ảnh hưởng đối với không ít nghệ sĩ trẻ.
- Vẻ đẹp người phụ nữ trong triển lãm 'The Nude 1' của 10 họa sĩ ở Hà Nội
- Xem Triển lãm Điêu khắc 2022: Những tác phẩm 'đối ứng' với tự nhiên
Triển lãm New Days phong phú trong chất liệu nghệ thuật, từ sơn mài, sơn dầu, tổng hợp, tới đá, sắt, inox, đồng, mica; trên 30 tác phẩm là những lựa chọn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật mà 8 nghệ sĩ đã theo đuổi và tạo dựng tên tuổi trong vài thập kỷ.
Họa sĩ Lý Trực Sơn
Được biết đến với vai trò là một họa sĩ sơn mài đầy kinh nghiệm tại Việt Nam, Lý Trực Sơn từng giảng dạy nghệ thuật sơn mài tại Trường ĐHMT Việt Nam, từng có nhiều năm sáng tác nghệ thuật tại châu Âu. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu và đều ghi được dấu ấn riêng biệt.
Tranh sơn mài của ông lấy đề tài và phong cách tạo hình mang đậm âm hưởng của nghệ thuật dân gian Việt Nam, bao trùm bởi một thứ hoài niệm vừa gần gũi vừa xa vợi, tạo cho người xem một cảm giác văn hóa lịch sử rõ rệt như ở thi ca và văn học.
Mảng tranh trừu tượng trên chất liệu sơn mài và giấy Dó của Lý Trực Sơn là sự kết hợp tuyệt vời giữa chất liệu, kỹ thuật truyền thống và sự chiêm nghiệm, tư duy siêu hình của một nghệ sĩ từng trải về cuộc sống, văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo phương Đông và phương Tây.
Họa sĩ Đào Châu Hải
Đào Châu Hải là một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới. Tốt nghiệp Học viện Hàn lâm Mỹ thuật Quốc gia Moskva mang tên V.I. Surikov danh tiếng, từng trải qua các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật, hoạt động điêu khắc của Đào Châu Hải đã đạt được những thành tựu nhất định ở nhiều chất liệu khác nhau và cũng trải qua nhiều khuynh hướng, từ Hiện thực và Biểu hiện thời kỳ đầu – chịu ảnh hưởng của điêu khắc Xô viết và Chủ nghĩa kiến tạo Nga - cho tới xu hướng trừu tượng hình học rồi nghệ thuật Ý niệm ở những sáng tác giai đoạn gần đây.
Trong bối cảnh nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam, ông là người tiên phong và có nhiều cách tân trong điêu khắc kim loại, truyền nhiều cảm hứng cho cả một thế hệ nghệ sỹ trẻ.
Họa sĩ Trịnh Quốc Chiến
Trịnh Quốc Chiến là họa sĩ sơn mài từng tham dự nhiều triển lãm quan trọng tại San Francisco, New York, Miami (Mỹ), Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, và nhiều nơi tại Việt Nam.
Ông được trao giải thưởng Nghệ thuật Asian năm 1996 bởi tập đoàn Philip Morris, giải thưởng Freeman dành cho nghệ sỹ châu Á xuất sắc 1998-1999 tại Trại sáng tác Vermon (Mỹ).
Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bảo tàng, bộ sưu tập tại Nhật Bản, Canada, Australia và Mỹ. Nghệ thuật sơn mài của Trịnh Quốc Chiến nổi bật với khả năng phối hợp không giới hạn các kỹ thuật: giữa sơn mài truyền thống hội họa nhẵn, phẳng, sâu và những cách tân bằng kỹ thuật đắp nổi, khắc vạch của đồ họa, điêu khắc... Chủ đề trong tranh ông phổ biến với tinh thần Phật giáo và văn hóa cổ Đông phương.
Họa sĩ Bùi Hải Sơn
Bùi Hải Sơn thuộc thế hệ nhà điêu khắc nổi bật của Tp HCM sau thời kỳ Đổi Mới. Ông từng giảng dạy nhiều năm tại Đại học Kiến trúc Tp HCM, từng tham gia với tư cách nghệ sĩ, nhà tổ chức và giám khảo nhiều triển lãm mỹ thuật, workshop điêu khắc trong nước và quốc tế. Nghệ thuật điêu khắc của Bùi Hải Sơn mang tính biểu tượng về sự sống, triết lý sáng thế, ngôn ngữ điêu khắc cô đọng hiện đại.
Ông thường xuyên sử dụng các chất liệu đá, kim loại, kính, mica và là một trong số những nghệ sĩ tiên phong tại Việt Nam sử dụng các chất liệu hiện đại đó. Tác phẩm của Bùi Hải Sơn được sưu tập tại một số bảo tàng mỹ thuật danh tiếng tại Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Họa sĩ Trịnh Tuân
Trịnh Tuân là nghệ sĩ được biết đến với nhiều vai trò nổi bật trong hoạt động nghệ thuật, ông giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp, là nhà tổ chức, giám tuyển một số triển lãm mỹ thuật quốc tế tên tuổi, người đồng sáng lập Asia Art Link (AAL - một tổ chức nghề nghiệp liên kết các nghệ sĩ quốc tế và khu vực).
Trên hết, Trịnh Tuân là một họa sĩ sơn mài được biết đến rộng rãi trong nước và khu vực qua rất nhiều triển lãm. Nghệ thuật sơn mài của Trịnh Tuân nổi bật ở khả năng sử lý kỹ thuật tinh tế, biến ảo, hiệu quả trang trí và tạo hình mang phong cách cá nhân rõ nét, tạo ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều họa sĩ sơn mài trẻ tuổi.
Họa sĩ Trần Lê Nam
Trần Lê Nam theo đuổi sáng tạo hội họa trừu tượng bằng các đối cực bút pháp trên hai thập kỷ: ở giai đoạn đầu là kỹ thuật sơn dầu chồng lớp màu nguyên sắc dày dặn như đắp nổi trên mặt vải, giai đoạn hiện tại là sự tinh giản về lượng, chú trọng quá trình gạt bỏ các lớp màu đã vẽ nhằm tạo hình và biểu đạt cảm xúc, chung quy các tìm tòi sáng tạo của ông đều hướng đến mục đích tạo hình thể tinh giản độc đáo và biểu cảm trực tiếp. Nghệ sĩ quan niệm sáng tạo là xoá bỏ hình thể bên ngoài, tìm hiểu và sắp xếp cấu trúc bên trong sự vật theo cảm nhận chủ quan.
Họa sĩ Đặng Tiến
Đặng Tiến hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Ngoài hoạt động sáng tác chuyên nghiệp, Đặng Tiến từng có nhiều năm làm việc với vai trò hoạ sỹ minh hoạ, thư ký toà soạn Báo Hải Phòng. Nghệ thuật hội hoạ của Đặng Tiến nổi bật với thể loại tranh phong cảnh chất liệu sơn dầu.
Dù phần lớn tranh Đặng Tiến có bút pháp giản lược khỏe khoắn, hòa sắc tươi nhưng ẩn trong đó vẫn man mác u hoài, day dứt mơ hồ đặc trưng của một tâm hồn mẫn cảm nhân ái. Nghệ thuật của ông được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng mỹ thuật trong nước cũng như một số lượng lớn tác phẩm đã được sưu tập rộng rãi.
Họa sĩ Khổng Đỗ Tuyền
Khổng Đỗ Tuyền là điêu khắc gia nổi bật hiện nay, ông giảng dạy điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tham gia liên tục các triển lãm chuyên đề điêu khắc, đồng tổ chức và giám tuyển một số triển lãm mỹ thuật trẻ. Thành tựu nghệ thuật của Khổng Đỗ Tuyền được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng hàng đầu của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Nói về nghệ thuật của Khổng Đỗ Tuyền, họa sĩ Lý Trực Sơn nhận xét khái quát “Khổng Đỗ Tuyền chọn hình thức điêu khắc khắc khổ, loại bỏ hết sự rườm rà hoa mỹ. Hầu hết tác phẩm được thực hiện theo lối nén khối, gây cảm giác vật chất bị dồn chặt tới mức muốn phá ra và thoát khỏi hình dạng của mình. Khối điêu khắc vì vậy chứa được một năng lượng bên trong, sự tĩnh tại chứa khả năng bùng nổ.”
Diệp Hà
Tags