Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui

Thứ Tư, 12/06/2024 07:27 GMT+7

Google News

Một triển lãm nghệ thuật đặc biệt với mong muốn nâng cao nhận thức về phổ tự kỷ, mang tên Chèo méo, vừa diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) đã thu hút cả ngàn lượt công chúng tham dự.

Từ buổi khai mạc cho đến khi chương trình khép lại, đã có rất nhiều lời bày tỏ yêu thích lẫn ngạc nhiên về triển lãm này.

Những tác phẩm biết kể chuyện

Với 18 tác phẩm của 18 trẻ tự kỷ từ 12 - 18 tuổi và một trẻ chậm phát triển, triển lãm Chèo méo mang đến 4 phòng trải nghiệm nghệ thuật đa dạng, từ tranh vẽ, chiếu phim, sắp đặt, trải nghiệm, đọc sách…

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 1.

Không gian triển lãm “Chèo méo”

Mỗi không gian có chức năng khác nhau, nhưng có sự kết nối chặt chẽ, mang đến cho công chúng một hành trình trải nghiệm từ nghệ thuật đến thông tin. Từ đó, mỗi người có nhiều hơn cơ hội hiểu về tác giả và đặc biệt là có thêm những hiểu biết cũng như sự đồng cảm về cuộc sống của tác giả ở Chèo méo nói riêng, những nghệ sĩ có hoàn cảnh đặc biệt nói chung.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 2.

Nhật Tiến đang vẽ

Ví như ở phòng đầu tiên, đó là nơi để hiểu về sở thích và cách biểu đạt của những trẻ tự kỷ qua tranh. Đó là "nghệ sĩ nhí" Nhật Tiến đam mê hình ảnh người công an đội mũ, luôn xuất hiện trong tranh.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 3.

Tranh của Nhật Tiến

Đó là Lee Nguyễn SaeHae (bố người Hàn, mẹ người Việt) có đam mê với những đường nét và hình khối có màu sắc đậm, còn Phạm Khôi Nguyên lại thích những màu sắc nhạt tựa như tính cách của chính em.

Trong khi đó Đinh Đăng Long lại bị thu hút bởi những logo trên các kênh truyền hình, nên ngay cả khi vẽ người thân thì những "dấu tích" logo vẫn xuất hiện trong tranh. Còn Đức Việt muốn có sự hoàn hảo, chính xác cao, đến độ cứ thấy sai là em đánh dấu X ngay vào trong tranh. Song, để bức tranh trở nên sinh động, cô giáo hướng dẫn đã gợi ý cho Việt tô vẽ những chữ X thành bông hoa và tác phẩm của em lại là một rừng hoa.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 4.

Lee Nguyễn SaeHae tại lớp học Tòhe Fun

Một câu chuyện thú vị khác từ - một tác phẩm tương tác sắp đặt,với phần tranh vẽ cắt dán, tô màu trên tường với những chiếc gối ôm mềm mại đặt dưới sàn. Được thực hiện trong vòng 2 tuần, sau 2 tháng hình thành ý tưởng, do cô giáo hướng dẫn Mai Chi và trò Nguyễn Khánh Huyền thực hiện.

Mai Chi chia sẻ, lúc đầu, cô có thể chọn những biểu hiện rối loạn giác quan từ một hoặc nhiều bạn để lên ý tưởng, nhưng bản thân lại bị ấn tượng bởi những lần Huyền ngồi vẽ và cả những cái ôm khiến 2 chị em ngã ra sàn. Thế làý tưởng cái ôm dần thành hình.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 5.

Trải nghiệm cái ôm trong tác phẩm “Ná”

"Nhưng thật khó để diễn tả cho Huyền một cái ôm là thế nào, tôi cũng không muốn Huyền vẽ theo hình cái ôm người ta vẽ sẵn. Có những lúc tôi cũng thấy nản, nhưng rồi nhận ra điểm xuất phát khi tôi đến với dự án, là từ quá trình gần gũi với trẻ và mong muốn chân thành. Cuối cùngtôi quyết định chụp hình lại mấy khoảnh khắc 2 chị em ôm nhau, rồi đưa cho Huyền tập ảnh ấy, để bạn tự do quan sát và vẽ lại theo ý của mình" - cô Mai Chi cho biết - "Và tôi mong rằng, tác phẩm của 2 chị em sẽ phần nào giúp người tham quan có thể cảm nhận được thế giới của các em như thế nào. Cảm thụ bản thể cũng là một giác quan mà ít người trong chúng ta để tâm tới, đó là khả năng cảm nhận về vị trí của bản thân trong không gian, cũng như lực từ môi trường xung quanh tác động tới".

Tòhe không tiếp cận các bạn bằng tình thương hại, mà từ suy nghĩ: Mỗi bạn dù ở hoàn cảnh nào, dù là người tự kỷ hoặc không tự kỷ, đều có những giá trị riêng, đều có tiềm năng phát triển và đóng góp cho xã hội, nếu được ở trong môi trường an toàn và phù hợp.

Những kết nối - đồng hành

Diễn ra từ năm 2016, cuộc chơi ở Tòhe quy tụ các bạn từ 6 đến 30 tuổi. Các bạn được phát hiện khả năng nghệ thuật từ những lần Tòhe "đi lớp" - cách gọi của dự án - đến các trung tâm có những hoàn cảnh đặc biệt quanh Hà Nội để tổ chức các sân chơi nghệ thuật.

Chỉ từ những hoạt động vẽ, nặn, kể chuyện, tạo hình bằng lá cây nhưng Tòhe đã không chỉ mang đến niềm vui sướng cho các bạn ở đây, mà còn nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật đối với những bạn mong muốn theo học nghệ thuật sáng tạo.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 7.

"Chúng tôi tin rằng nghệ thuật là phương tiện nhanh nhất dẫn đến niềm vui. Với trẻ em tự kỷ nói riêng và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung, niềm vui chưa phải là điều ưu tiên trong cuộc sống của các em. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng ai cũng có quyền được vui, mà các hoạt động nghệ thuật sáng tạo là con đường dễ nhất dẫn đến niềm vui. Qua các hoạt động mà chúng tôi xây dựng, trẻ vừa được chơi, được cải thiện kỹ năng tương tác, tập trung, vừa có thể cảm thấy vui, tự tin và được tôn trọng" - Ngô Mỹ Ngọc Linh, đại diện BTC triển lãm Chèo méo cho biết.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 8.

Cũng theo chị Linh, khó khăn đầu tiên của trẻ tự kỷ nằm ở giao tiếp và tương tác xã hội. Tuy nhiên, một khi giữ tinh thần tôn trọng sự đa dạng, cởi mở trước những điều khác biệt, không phán xét, đánh giá, không áp đặt, chúng ta sẽ có cơ hội kết nối và nhận thấy sự thú vị trong thế giới riêng của từng bạn.

Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc, không có nghĩa là các bạn không có cảm xúc hoặc không có nhu cầu kết nối. Người tự kỷ cũng có đầy đủ cảm xúc vui buồn, cũng có những nhu cầu cá nhân, cũng có sở thích, đam mê và tài năng như người không tự kỷ.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 9.

Phạm Khôi Nguyên ưa thích sắc màu nhẹ nhàng trong tranh của mình

Vì thế, Tòhe không tiếp cận các bạn bằng tình thương hại, mà từ suy nghĩ: mỗi bạn dù ở hoàn cảnh nào, dù là người tự kỷ hoặc không tự kỷ, đều có những giá trị riêng, đều có tiềm năng phát triển và đóng góp cho xã hội, nếu được ở trong môi trường an toàn và phù hợp.

Còn với những người nghệ sĩ, đồng thời là người hướng dẫn các bạn tự kỷ vẽ tranh, họ có những suy nghĩ và tình cảm dành cho các trò của mình cũng rất đặc biệt. Như Mai Chi - trợ giảng lớp nghệ thuật chuyên sâu của Tòhe - cho biết, cô đặt mình chỉ như một người bên cạnh, một người đồng hành cùng các bạn trong hoàn cảnh này.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 10.

Đức Việt muốn có sự hoàn hảo, chính xác cao, đến độ cứ thấy sai là em đánh dấu X ngay vào trong tranh

Mai Chi chia sẻ: "Tôi ấn tượng với quá trình trở thành những người "quen dần với việc ở cạnh nhau" cùng các bạn thông qua nghệ thuật.

Trẻ cởi mở, thấy an toàn hơn khi ở cạnh mình, còn mình thì cũng dần hiểu được phần nào những tín hiệu trẻ đang cố phát ra. Thỉnh thoảng nghĩ lại, cũng thấy là mấy lúc tưởng đơn giản, thường nhật, song lại khó quên".

Lê Tú Anh, tác giả của 2 tác phẩm Bồng bồngXếp chữ trong triển lãm Chèo méo tiết lộ, thời điểm cô tiếp cận với các bạn thuộc phổ tự kỷ ở Tòhe gần như bằng 0. Nhưng trong quá trình hướng dẫn các bạn thực hành nghệ thuật, Tú Anh nhận thấy khó khăn lại không xuất phát từ học trò, mà ở chính mình. Khi cô phải nghiên cứu làm sao có thể tạo môi trường thoải mái, an toàn và nuôi dưỡng được đặc điểm sáng tạo riêng của từng bạn, không áp đặt những cách làm phổ thông cứng nhắc. Hơn thế, mỗi giáo viên luôn phải có sự kiên nhẫn, từ tốn và chú ý lắng nghe thật nhiều.

Triển lãm nghệ thuật của trẻ tự kỷ: Con đường sáng tạo dẫn đến niềm vui - Ảnh 12.

Các tác phẩm được triển lãm ở dạng phim

Trải nghiệm nghệ thuật của các bạn tự kỷ, chậm phát triển trong triển lãm này sẽ là thiếu sót nếu bỏ quên cuốn sách mà chương trình đã ghi lại những cuộc trò chuyện của Tòhe với gia đình các em. Bởi qua đây, công chúng sẽ hiểu hơn đời sống hàng ngày của những "nghệ sĩ" đặc biệt này. Cũng từ đó, hiểu về những tác phẩm của họ.

Cách nhìn nhận và tiếp cận riêng

"Đi qua từng gia đình, chúng tôi nhận thức được rõ ràng rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, với những khả năng, điểm mạnh, điểm yếu không trùng lặp. Những hoàn cảnh gia đình khác nhau có những cách nhìn nhận, tiếp cận riêng với trường hợp của con cháu mình. Bên cạnh đó, những va đập, tiếp xúc với cộng đồng xung quanh và xã hội đương thời cũng có những tác động cả trực tiếp và gián tiếp lên đời sống của mỗi cá nhân họ. Bức tranh tổng quan về cơ chế hỗ trợ và bảo vệ người thuộc phổ tự kỷ cũng hiện lên từng chút một" - giám tuyển Ngân Hạnh của triển lãm Chèo méo cho biết.

Lam Anh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›