Mượn một điển tích Phật giáo về sự ra đời của Thiền, cuộc triển lãm với tên gọi độc đáo Niêm Hoa của 8 họa sĩ thuộc nhóm G39 sẽ khai mạc tại Hà Nội vào ngày 8/4 tới. Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương về triển lãm.
1. Niêm hoa vi tiếu, một bông hoa một nụ cười.
Tích này tóm tắt như sau: Chuyện là, duyên đến, một hôm Đức Phật Thích Ca có buổi thuyết giảng đặc biệt, học trò toàn loại xuất sắc. Đức Phật bước lên bục, căn phòng đã hoàn toàn yên tĩnh. Mọi người chờ đợi nhưng mãi mà Thích Ca không nói gì, chỉ rút trong túi ra một bông hoa sen, giơ lên. Cả lớp dõi theo, lặng thinh. Duy chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Cách dạy đó gọi là tâm truyền tâm, bất lập văn tự. Đó là giây phút đầu tiên mà Thiền ra đời. Ca Diếp là tổ thứ nhất, truyền đến Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28…
Nhưng thôi, chuyện bên nhà Phật nghe vậy thì kể vậy. Niêm Hoa là cuộc bầy những bức tranh đều vẽ về hoa dựa trên cảm hứng từ câu chuyện này của nhóm họa sĩ G39: Ngô Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Hồng Phương, Đinh Công Đạt, Chu Hồng Tiến, Phương Bình, Lê Thiết Cương và thêm những bông sen bằng gốm Phù Lãng của điêu khắc gia Vũ Hữu Nhung.
Theo quan niệm của nhà Phật thì ai ai cũng có Phật tính, "ngọn cỏ còn có Phật tính huống chi…". Đi tu là trở về mình, đi tu là đi tìm cái "bản lai diện mục" của chính mình chứ không phải là đi đến tận đâu. Thấy tâm, thấy tính thì thành Phật. Điều này là cốt tử. Làm nghệ thuật cũng y như vậy. Nghệ sỹ là kẻ đi tìm mình, tìm vân tay của mình, tìm ra cách kể, cách hát, cách vẽ riêng của mình. Rốt ráo thì phong cách là niết bàn.
Vẽ cũng là "tu", vẽ cũng là tu tâm tu tính, vẽ cũng là hành thiền. Tác phẩm của những họa sỹ bậc thầy đều là một dạng chứng ngộ.
Một bức tranh đẹp, một mảng màu đẹp, thậm chí một nét đẹp như một niệm khởi cho một duyên sinh với cả người vẽ cũng như người thưởng ngoạn. Đâu cứ phải nhiều lời, thiền vốn vô ngôn.
2. Cả 8 nghệ sỹ, mỗi người một lối "niêm hoa".
Bình Nhi ưa thích hoa sen, những bông sen trắng tĩnh lặng, xòe cánh, tự nhiên, an nhiên, an lành ngay trong thực tại, một mặt hồ, một cái ao rất đời sống, có rong rêu, có bèo, có những con chuồn chuồn nước… "Hiện tại lạc trú" là vậy.
Nguyễn Quốc Thắng tung tẩy với sen trên nền báo cũ hoặc xuyến chỉ, chất liệu chủ đạo của anh. Sen nở, sen tàn, đi về, sinh tử, suy cho cùng cũng là một, là như nhất. Thắng không vẽ sen, tôi nghĩ anh "vẽ" chuyện của mình, vẽ mình.
Nguyễn Hồng Phương rực rỡ, vui sống với hoa, không chỉ một loại hoa mà 4 mùa hoa. Rất "hiện sinh", ở đây và lúc này bằng những nhát bút cộm sơn, nhanh mạnh, căng mọng, tràn trề nhựa sống… "Cảm ơn vì ta mà hoa đã nở" - như Tô Thùy Yên từng ngộ.
Vũ Hữu Nhung đến với Niêm Hoa bằng cụm tác phẩm điêu khắc, gốm, hoa sen. Những bông sen mãn khai, thô mộc, giản dị, bình an. Gốm là đối thoại của lửa, nước, đất, đối thoại của Thiên - Địa - Nhân. Gốm sen là cầu nối của đạo và đời, nhân và duyên.
Đinh Công Đạt đưa lên những bông hoa như nó vốn vậy. Mưa rơi còn không cao thấp nữa là, mai - lan - cúc - trúc hoặc kỳ hoa dị thảo cũng chả quan trọng gì. Lòng mình sao thì vẽ thế.
Chu Hồng Tiến, một ca lạ, kiểu vẽ của anh là vẽ mà không. Có lẽ không phải vẽ? Từ mắt nhìn, trái tim cảm đến bàn tay, cây bút, màu là một, liền mạch. Ánh mắt ấy, chớp mắt ấy là tranh. Nghệ thuật của Chu Hồng Tiến là trực họa, trực giác, không có chỗ cho phân tích, lý tính. Những bông hoa của Tiến và anh là một. Không phải kiểu "tôi tư duy là tôi tồn tại", tôi là Tiến, tôi đang ngắm và vẽ hoa? Không cần. Hội họa của Chu Hồng Tiến chính là đốn ngộ.
Phương Bình góp mặt vớiNiêm Hoa bằng bộ 4 tác phẩm sơn mài, cùng một chủ đề đối thoại. Người và hoa trò chuyện, chính xác là những bông hoa sen cùng những dáng hình khỏa thân, bên nhau, cuốn vào nhau, hóa thân vào nhau, sen người, người sen trong nhau. Thuận theo tự nhiên, cùng nở, cùng khoe sắc. Đẹp là tự nhiên, vẻ đẹp của tự nhiên hội tụ trong vẻ đẹp của thân hình những cô gái, những nụ sen, đài sen.
Bút pháp của Phương Bình phóng khoáng, tự do, bay lượn. Tạo hình chỉ cốt gợi chứ không chạy theo hình. Những son then vàng bạc cũng chỉ là phương tiện chứ Phương Bình không gò ép theo kỹ thuật sơn mài truyền thống kiểu mỹ nghệ. Trò chuyện của người và hoa cũng là giãi bày của Phương Bình với mọi người về hội họa, về cuộc sống, thầm thì thôi, đôi khi là độc thoại. Những câu chuyện muôn đời của "cõi người ta", hội ngộ/chia ly, mất /được, hạnh phúc/ bất hạnh...
Nghệ thuật nâng đỡ, chia sẻ và an ủi cho người ta nhiều lắm. Mượn ý của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong bài Cư trần lạc đạo để trò chuyện với Phương Bình: "Sống giữa đời, tùy duyên mà vui với đạo. Trong nhà có sẵn của báu, có sẵn nghệ thuật rồi, đừng tìm đâu khác nữa".
3. Mona Lisa mỉm cười. Ca Diếp cười mỉm. Mỗi người một ý, chắc chắn không giống nhau. Tuy nhiên nụ cười là dấu hiệu của tư tưởng. "Phải từ nỗi đau để tìm được tiếng cười" - có lần nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói vậy. Chỉ có bông sen đau mới sinh ra được nụ cười. Ăn cơm, uống nước, quét nhà vẫn có thể thiền. Đâu cứ phải diện bích, phải nhắm mắt.
Vẽ, vẽ một bông hoa cũng là thiền.
Trong những con đường đi tìm mình, trở về mình thì nghệ thuật là một con đường đặc biệt, con đường của cái đẹp. Cùng nở một nụ cười, cùng ngắm một bông hoa nở.
Triển lãm Niêm Hoa của 8 nghệ sĩ trưng bày gần 40 tác phẩm trên các chất liệu như: Giấy dó, sơn dầu, acrylic, sơn mài, gốm Phù Lãng… Triển lãm diễn ra từ 8/4 đến 20/4 tại Son Art, 20C Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Tags