Một bên nặng về cấu trúc và khắc khổ, bên kia lại gợi cảm và vui tươi. Paul Cezanne và Auguste Renoir là 2 cha đẻ của trường phái Ấn tượng, nhưng cuộc triển lãm vừa khai mạc ngày 19/3 tại bảo tàng Palazzo Reale (Milan, Italy) đã khám phá những phong cách khác biệt rõ rệt của họ.
Đánh dấu 150 năm kể từ ngày ra đời phong trào nghệ thuật Ấn tượng, 52 kiệt tác của 2 danh họa người Pháp vừa được Paris cho mượn để lần đầu được trưng bày tại Palazzo Reale. Cùng với đó là 2 tác phẩm của Picasso, người mà họ đã truyền cảm hứng.
Hai phong cách…
Những bức tranh được vẽ rải rác từ những năm 1870 đến đầu thế kỷ 20. Và Renoir và Cezanne "đều là một phần của cuộc phiêu lưu trong nghệ thuật Ấn tượng, trước khi rời xa nó. Cezanne hướng tới những cấu trúc hình học cực kỳ mạnh mẽ, trong khi Renoir vẫn giữ nét sống động và nhạy cảm của mình", giám tuyển triển lãm Cecile Girardeau nói.
Trong quá khứ, một Cezanne đơn độc, khá u ám đã kết bạn với một Renoir vui tính vào những năm 1860. Nhiều năm trôi qua, cặp đôi vẫn là bạn bè dù tính cách và phong cách hội họa khác hẳn nhau. Renoir đã đến thăm nhà Cezanne ở miền Nam nước Pháp nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 1880 đến 1890.
Chủ nghĩa Ấn tượng ra đời vào tháng 4/1874 khi một nhóm họa sĩ - bao gồm Cezanne, Renoir và những người khác như Claude Monet - tách mình khỏi những phòng tranh Paris do chính phủ hậu thuẫn để tổ chức buổi triển lãm độc lập của riêng họ. Các tác phẩm của họ được đặc trưng bởi những nét cọ nhanh, nhỏ và mảnh nhằm khám phá tác động của ánh sáng và màu sắc.
Nhiều bức tranh ở Milan - được mượn từ bảo tàng Orangerie và Orsay ở Paris - mang những chủ đề tương tự, từ phong cảnh đến tranh khỏa thân hay tĩnh vật. Nhưng cách tiếp cận của các nghệ sĩ rất đa dạng, từ những nét vẽ táo bạo của Cezanne - vốn tập trung vào hình dạng - cho đến nét vẽ gợi cảm hơn của Renoir khi ông thường tìm cách ghi lại những ánh sáng lốm đốm.
Cecile Girardeau, người phụ trách tại Bảo tàng Orangerie, đã lưu ý sự khác biệt giữa hai bức tranh tĩnh vật - Bình rơm, bát đường và những quả táo của Cezanne (1890-1894) và Những quả đào của Renoir (1881).
"Cezanne đã nỗ lực mang tới cho chúng ta cấu trúc cơ bản của các vật thể. Chính nhờ điều này mà ông khiến chúng ta hiểu được quan điểm của mình về thế giới" - cô nói - "Ngược lại, Renoir ghi lại khoảnh khắc tức thì, cho chúng ta cảm giác về một chiếc khăn trải bàn với những nếp gấp của nó, sự mềm mại của trái cây và sự phản chiếu của ánh sáng trên đồ sành".
Xưởng vẽ của các nghệ sĩ đã được tái tạo cho triển lãm lần này. Chúng là xưởng vẽ của Renoir ở Cagnes sur Mer và nhà của gia đình Cezanne ở Bastide du Jas de Bouffan, cả hai đều thuộc nước Pháp. Thời gian dường như dừng lại khi ánh sáng chiếu xuống xưởng vẽ, những chiếc bút vẽ, những ống sơn khô và những khung gỗ - tất cả như những nhân chứng cho tác phẩm của các bậc thầy.
"Từng được hỏi tại sao vẫn tiếp tục vẽ tranh khi bị căn bệnh thấp khớp hành hạ tới mức không thể tự cầm bút vẽ, Renoir đáp: Nỗi đau qua đi, nhưng cái đẹp còn mãi".
… Và hai cuộc đời
Khá thú vị, tính cách của những người họa sĩ cũng hiện rõ trong tranh của họ. Cezanne đầy tỉnh táo, muốn khắc họa thiên nhiên "theo hình trụ, hình cầu, hình nón". Còn Renoir hồ hởi tạo nên bức tranh như một "thứ vui vẻ, đẹp đẽ".
Hoặc, những bức chân dung của Cezanne rất khắc khổ với các đối tượng nhìn chằm chằm vào không gian mà không hề có một nụ cười. Trong khi đó, những bức chân dung của Renoir toát lên vẻ thanh thản nhẹ nhàng - hoặc sự gợi cảm, như trong trường hợp những bức tranh khỏa thân vẽ phụ nữ đầy khêu gợi của ông. Sự khác biệt của họ được cho là phần nào phản ánh nền tảng xuất phát khác nhau.
Paul Cezanne (1839 - 1906) là con trai Louis Auguste Cezanne - đồng sáng lập một ngân hàng phát triển thịnh vượng trong suốt cuộc đời họa sĩ. Điều này mang tới cho Cezanne sự đảm bảo tài chính mà hầu hết những người cùng thời của ông không có được và một khoản thừa kế rất lớn về sau.
Mẹ của ông, Anne Elisabeth Honorine Aubert là người rất hoạt bát và lãng mạn, nhưng dễ tổn thương. Chính bà đã hình thành nên quan niệm và góc nhìn cuộc sống của con trai. Ngày nhỏ, Cezanne thường viết thơ, nhưng khi được khuyến khích theo đuổi văn chương, ông nói đây chỉ là thứ tiêu khiển.
Theo yêu cầu của bố, Cezanne đăng ký học luật để thừa kế ngân hàng. Tuy nhiên, ông ngày một bỏ bê học hành và thích cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật. Từ năm 1859, ông tham gia các khóa học buổi tối của họa sĩ hàn lâm Joseph Gibert và giành giải nhì trong một khóa nghiên cứu về hình ảnh.
Khi bố ông mua dinh thự Jas de Bouffan, Cezanne được phép vẽ tường cho dinh thự, nhưng những tác phẩm này không được ông đánh giá cao. Cuối cùng, bố ông đã xuống nước, ủng hộ lựa chọn nghề nghiệp của con trai với điều kiện Cezanne phải đi học một khóa chính quy.
Thế nhưng, Cezanne nhiều lần bị trường nghệ thuật danh tiếng Ecole des Beaux-Arts ở Paris từ chối. Có thời gian ngắn, vì chán nản, ông trở về nhà làm việc cho ngân hàng của bố. Nhưng sau đó, ông lại theo học miễn phí ở trường nghệ thuật Academie Suisse. Đây là nơi ông gặp nhiều họa sĩ trẻ như Camille Pissarro, Claude Monet, Alfred Sisley và Renoir.
Có thể nói, vì giàu có, Cezanne không bị áp lực tài chính và càng không có nhu cầu bán các tác phẩm nghệ thuật của mình. "Cezanne chắc chắn không có năng khiếu bẩm sinh và phải học tập chăm chỉ về hội họa", Stefano Zuffi, nhà sử học nghệ thuật và đồng giám tuyển triển lãm, cho biết. "Tuy nhiên, ông ấy đã đạt được sự tổng hợp phi thường giữa bố cục rất chặt chẽ, rất hình học với tính ngẫu hứng, sự tươi mới, màu sắc của ánh sáng tự nhiên".
Trong khi đó, Pierre-Auguste Renoir (1841 - 1919) xuất thân từ một gia đình nghệ nhân nghèo, có bố là thợ may. Mặc dù Renoir có năng khiếu vẽ bẩm sinh, tài năng ca hát của ông lại được bộc lộ hơn. Ông được khuyến khích đi theo con đường âm nhạc. Nhưng ở tuổi 13, do hoàn cảnh gia đình, Renoir đã phải nghỉ học để đi học nghề ở một nhà máy làm gốm sứ.
Dù thể hiện rõ tài năng trong công việc của mình, Renoir thường xuyên cảm thấy mệt mỏi với những chủ đề sáo mòn và tìm nơi ẩn náu trong các phòng trưng bày ở Louvre. Người chủ nhà máy đã nhận ra tài năng của cậu học việc và nói lại với gia đình Renoir. Sau đó, Renoir bắt đầu được học bài bản hơn về hội họa.
Khi nhà máy gốm sứ áp dụng quy trình sản xuất bằng máy vào năm 1858, Renoir buộc phải nghỉ việc và tìm những cách khác để hỗ trợ việc học của mình. Trước khi đăng ký vào trường nghệ thuật, ông cũng vẽ tranh cho các nhà truyền giáo hải ngoại và trang trí trên quạt. Đôi khi, trong những năm 1860, ông không có tiền để mua sơn vẽ.
Dù có tranh được triển lãm tại Paris Salon từ năm 1864, sự công nhận dành cho Renoir đến rất chậm, một phần do sự hỗn loạn của chiến tranh Pháp - Phổ. "Mặc dù cả cuộc đời gặp nhiều khó khăn về tài chính và bị bệnh tật giày vò, nhưng sự vĩ đại của Renoir cho thấy niềm vui sống vô tận của ông" - Zuffi nhận định - "Đối với ông ấy, cuộc sống thật đẹp và hội họa là cách khiến nó trở nên đẹp hơn nữa".
Sự ra đời của trường phái Ấn tượng
Dù có xuất thân, tính cách và lối vẽ khác nhau, Cezanne và Renoir đã xây dựng tình bạn bền vững trong nhiều thập kỷ. Họ thường vẽ tranh cùng nhau và cùng nằm trong số khoảng 30 thành viên của Hiệp hội họa sĩ, điêu khắc và nhà in ấn khi đó. Cùng nhau, ngày 15/4/1874 tại Paris, hiệp hội này đã mở triển lãm độc lập gồm các tác phẩm từng bị giám khảo của triển lãm Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp từ chối đưa vào triển lãm thường niên tại bảo tàng Louvre.
Cuộc triển lãm không thành công về mặt phê bình hay thương mại và không được tổ chức nữa (hiệp hội đã giải thể ngay năm sau). Nhưng sau đó, nó sẽ được ghi nhận là thời điểm mà trường phái Ấn tượng ra đời và được cả thế giới kỉ niệm vào năm 2024 này - 150 năm sau sự kiện.
Trường phái Ấn tượng đặc trưng bởi những nét cọ nhỏ, mảnh nhưng vẫn có thể nhìn thấy, bố cục mở, nhấn mạnh vào việc miêu tả chính xác ánh sáng với những đặc tính thay đổi của nó (thường nhấn mạnh tác động khi thời gian trôi đi). Nó gắn với các chủ đề thông thường nhưng có góc nhìn khác thường, và đưa chuyển động vào như một yếu tố quan trọng trong nhận thức, trải nghiệm của con người.
Sự phát triển của trường phái Ấn tượng trong nghệ thuật thị giác sau đó cũng nhanh chóng lan ra các lĩnh vực nghệ thuật khác, tạo ra các hình thức biểu đạt mới như âm nhạc Ấn tượng và văn học Ấn tượng.
Tags