(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Qi Baishi: China' s Modern Master (Tề Bạch Thạch: Bậc thầy hiện đại của Trung Quốc), vừa được khai mạc ở Bảo tàng Bowers trong ngày (17/4). Như vậy, đây là lần đầu tiên tranh của Tề Bạch Thạch đến với công chúng Mỹ.
Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm nghệ thuật của Tề Bạch Thạch, gồm 47 bức tranh và tác phẩm thư họa, 2 dấu ấn bằng đá và một tác phẩm nghệ thuật khắc gỗ. Các tác phẩm này khắc họa chặng đường sự nghiệp của Tề Bạch Thạch, từ năm 37 tuổi đến 92 tuổi.
Bậc thầy hội họa hiện đại Trung Quốc Tề Bạch Thạch
Tề Bạch Thạch sinh ra ở Hồ Nam. Ông sống ở đây cho đến khi ngoài 60 tuổi mới chuyển tới Bắc Kinh. Tề Bạch Thạch không chỉ là một bậc thầy hội họa hiện đại ở Trung Quốc mà từ những năm 1920, các tác phẩm của ông đã rất nổi tiếng ở Nhật Bản, Đức, Mỹ và nhiều nước khác.
“Đây là lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh Hồ Nam cho mượn sưu tập nghệ thuật của Tề Bạch Thạch để trưng bày ở Mỹ. Chúng ta luôn thấy tranh của ông tại các cuộc đấu giá quốc tế, song tác phẩm khắc gỗ thì chưa từng được mang ra bán. Vì vậy, đây cũng là lần đầu tiên công chúng Mỹ được chiêm ngưỡng các tác phẩm khắc gỗ của ông” - Anne Shih, phụ trách Bảo tàng Bowers, nói.
Sinh năm 1864 trong một gia đình nghèo ở Hồ Nam, Tề Bạch Thạch làm nghề mộc từ năm 14 tuổi để kiếm sống. Ông có nhiều bức tranh chạm khắc gỗ rất tinh tế và sáng tạo nên chẳng mấy chốc danh tiếng ông đã nổi khắp vùng. Năm 27 tuổi, ông đã trở thành nhân vật có tiếng tăm trong giới nghệ thuật và được suy tôn là bậc thầy về hội họa. Ông thường vẽ về những con người và phong cảnh mà mình thấy trong các chuyến chu du khắp Trung Quốc.
Một bức tranh vẽ ngựa của Tề Bạch Thạch
Năm 1955, Hội đồng hòa bình thế giới đã trao giải thưởng và công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Tề Bạch Thạch qua đời hồi năm 1957, ở tuổi 93. Ông đã được Bộ Văn hóa Trung Quốc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và từng dảm nhiệm vai trì Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Trung Quốc.
Tuấn Vĩ
Theo China.org
Tags