Triển lãm về kimono Nhật Bản: Từ trang phục 'bình dân' đến trang phục thời thượng

Thứ Tư, 05/02/2020 15:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từ thế kỷ 17, ở Nhật Bản, kimono trở nên có giá trị hơn nên các bậc cha mẹ truyền lại cho con cái họ như một vật gia truyền. Không những thế, ngày nay nó còn là nguồn cảm hứng cho ngành thiết kế thời trang trên toàn thế giới.

Nghề làm kimono có nguy cơ thất truyền

Nghề làm kimono có nguy cơ thất truyền

Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với một vấn đề mà họ chưa từng nghĩ sẽ lâm phải: chẳng còn người thợ nào đủ kỹ năng để chế tác bộ trang phục kimono đã gắn chặt với văn hóa của đất nước mặt trời mọc.

Tại bảo tàng Victoria và Albert (Anh), một cuộc triển lãm quy mô lớn nhất châu Âu về kimono dự kiến sẽ khai mạc vào 29/2 sắp tới.

Xuất phát từ phong tục...

Ở châu Âu, khái niệm thời trang lần đầu được xuất hiện tại Pháp vào nửa sau thế kỷ 17 bởi vua Louis XIV. Ông trị vì nước Pháp từ năm 1643 đến 1715. “Đức vua mặt trời” và Bộ trưởng tài chính Jean Baptiste Colbert, đã thành lập một ngành công nghiệp thời trang “xa xỉ”, coi nước Pháp như một nhà lãnh đạo đi đầu thế giới về thời trang.

Sự phát triển quan trọng nhất của thời kỳ này là việc lên ngôi của nghề thiết kế thời trang sau khi vua Louis XIV thiết lập hội các nhà may trang phục. Công việc này đã thu hút “cái nhìn” của cả nam lẫn nữ, tầng lớp quý tộc lẫn trung lưu.

Thế nhưng, gần 10.000km từ nước Pháp về hướng Đông trên bản đồ thế giới là Kyoto (Nhật Bản) - quê hương của bộ trang phục kimono, lịch sử về thời trang tại đây khá khác biệt. Vào cuối thế kỷ 17, nhu cầu về hàng dệt may xa xỉ trong tầng lớp thương gia Nhật Bản phát triển một cách chóng mặt. Minh chứng là vào năm 1700, những con đường hẹp của quận Nishijin đã ầm ầm kéo đến khoảng 7.000 khung dệt vải.

Chú thích ảnh
Một bức tranh tại triển lãm “Kimono: Kyoto to Catwalk”. Ảnh: Bảo tàng Victoria & Albert, London

Trụ sở của công ty kinh doanh kimono Yamaguchi Genbei thế hệ thứ 10 cũng là một minh chứng lịch sử mạnh mẽ của ngành may mặc. Với không gian thanh lịch, nhiều mẫu thiết kế của dòng họ Yamaguchi được trưng bày và bộ sưu tập kimono cổ của gia đình ông đã thu hút nhiều du khách tới đây. Trong đó có cả những người thuộc tầng lớp cao nhất của ngành công nghiệp thời trang như nhà thiết kế Giorgio Armani. Hai hãng lớn Chanel và Nike cũng đã cử người tới đây để tỏ sự tôn trọng với di sản thời trang này. Nói cách khác, tại đất nước Nhật Bản, thời trang chưa bao giờ nói về Paris.

Ban đầu, "kimono" là một từ tiếng Nhật có nghĩa là quần áo. Nhưng trong những năm gần đây, từ này được sử dụng để nói đến bộ trang phục truyền thống của đất nước mặt trời mọc. Những bộ kimono mà ta biết đến ngày nay được ra đời vào thời Heian (năm 794 - 1192).

Vào triều đại Heian, một công nghệ làm kimono mới đã được phát triển. Được biết tới như là phương pháp “cắt thẳng”, nó yêu cầu cắt các mảnh vải theo đường thẳng và khâu chúng lại với nhau. Với công nghệ này, những người làm kimono đã không còn phải lo lắng về hình dáng của cơ thể của người mặc.

Chú thích ảnh
Bộ kimono do Alexander McQueen thiết kế trên bìa album của nữ ca sĩ Bjork

Những bộ kimono này đem lại rất nhiều lợi thế. Chúng rất dễ gấp, phù hợp với mọi thời tiết và được mặc ở bên trong để tạo sự ấm áp vào mùa Đông. Kimono làm từ những loại vải mát như lanh rất thích hợp cho mùa Hè. Những lợi thế này giúp cho kimono trở thành một phần trong cuộc sống của những người dân Nhật. Qua thời gian, kimono trở thành thời trang, người Nhật bắt đầu quan tâm đến việc phối hợp nhiều màu sắc. Điển hình, sự kết hợp màu sắc thể hiện màu theo mùa hoặc địa vị chính trị của người mặc.

Và từ đó, đàn ông lẫn phụ nữ đều sử dụng kimono như trang phục hàng ngày. Thế nhưng ngày nay, thường chỉ có phụ nữ Nhật mặc kimono như nghi phục chính thức, còn hình ảnh người đàn ông Nhật mặc kimono thường chỉ thấy trong các đám cưới hoặc các dịp lễ theo kiểu truyền thống khác.

... Đến sàn diễn catwalk

Nói đến kimono, người ta nghĩ ngay đến đất nước mặt trời mọc với hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản xinh đẹp, kiêu sa cùng với những cánh hoa anh đào. Nhưng không giống như thời kỳ trước, trang phục kimono thời nay đa dạng hơn và nhận được sự chú ý từ nhiều nơi trên thế giới. Nó cũng trở thành một phần cho ngành công nghiệp thời trang và trở thành những nguồn cảm hứng, sáng tạo cho các nhà thiết kế.

Chú thích ảnh
Kimono trong bộ sưu tập Xuân - Hè 2007 của hãng Christian Dior

Trên thế giới ngày nay, không khó để thấy được một bộ kimono ngoài Nhật Bản. Thực tế, đã có những nghệ sĩ nổi tiếng như Katy Perry mặc kimono khi cô biểu diễn trên sân khấu lớn tại lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Mỹ (AMA) vào năm 2013. Hay như vào năm 2007, hãng Christian Dior đã gây bất ngờ giới yêu thích thời trang với sự xuất hiện của kimono trong bộ sưu tập Xuân - Hè. Tiêu biểu như sắp tới, một triển lãm mang tên Kimono: Kyoto to Catwalk sẽ được khai mạc vào ngày 29/2 tại bảo tàng Victoria và Albert (London, Anh).

Đây được coi là lần triển lãm lớn nhất từ trước tới nay của châu Âu về trang phục kimono và hứa hẹn sẽ mở ra một cái nhìn còn “thiếu sót” về văn hóa trang phục Nhật Bản tại phương Tây. Triển lãm này bao gồm phần catwalk của hãng Yves Saint Laurent và nhà thiết kế thời trang Rei Kawakubo.

Bên cạnh đó là các trưng bày đặc sắc như: bộ kimono của Obi Wan Kenobi trong phim ăn khách năm 1977 - Star Wars: Episode IV (Chiến tranh giữa các vì sao 4), trang phục kimono được thiết kế bởi Alexander McQueen cho Bjork - nữ ca sĩ người Iceland - mặc trên bìa album Homogenic của cô, các trang phục giành giải Oscar (2006) cho Thiết kế phục trang đẹp nhất (phim Memoirs Of A Geisha), trang phục kimono được thiết kế bởi Jean Paul Gaultier cho danh ca Madonna, cùng với những bộ kimono hiếm có của thế kỷ 17 và 18.

Khi mặc một bộ kimono, “không nhất thiết phải có một thân hình đẹp” - Anna thẳng thắn nói. Điểm tựa của bộ quần áo này được đặt trên vai, không phải vùng thắt lưng. Khái niệm này là một bước tiến trong trang phục nữ, nó đóng một vai trò quan trọng cho việc thay đổi cách phụ nữ ăn mặc trong thế kỷ 20. Cũng như mục đích của triển lãm là mang lại một giá trị tốt đẹp cho kimono đương đại.

Chú thích ảnh
Một số trưng bày nổi bật của triển lãm

Chú thích ảnh

“Toàn bộ điểm nhấn của triển lãm này là về kimono - một thứ gì đó có tính động lực, chứ không phải là một mảng bụi của bảo tàng…” - người phụ trách triển lãm Anna Jackson nói - “Nếu bạn đặt kimono lên bệ mà không tôn vinh nó, bảo trợ nó. Đó là khi bạn coi quần áo như một bộ trang phục trên kệ, không có sự sống và không có tương lai, bạn đang rập khuôn nó”.

Thành Quách

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›