Diễn ra sáng 3/7, tại Đà Nẵng, hội thảo "Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam" đã nhắc tới "mối duyên nợ" của hai nền điện ảnh Pháp - Việt Nam, cũng như triển vọng hợp tác trong tương lai.
Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 (DANAFF II), do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Hội thảo gồm 2 phiên: "Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam" và "Giao lưu, hợp tác điện ảnh Pháp - Việt: Những vấn đề liên ngành và liên văn hóa", với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Pháp, Hàn Quốc cũng như nhiều chuyên gia, nhà hoạt động điện ảnh, nghệ sĩ trong nước.
"Mối duyên nợ" thú vị
Phát biểu tại hội thảo, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, đồng Trưởng BTC, Giám đốc DANAFF II - chia sẻ: Trên thực tế, Việt Nam và Pháp vốn có "mối duyên nợ" hàng thế kỷ. Và hai nền điện ảnh Việt Nam cũng vậy, với mối duyên nợ đầu những năm 1990. Thời điểm đó, có 3 phim Pháp cùng quay ở Việt Nam gồm: Đông Dương, Điện Biên Phủ và Người tình. Sau này, phim của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng cũng được nhiều người biết đến. Chủ đề về Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn thông qua điện ảnh Pháp.
"Có thể nói, điện ảnh Pháp mang lại ít nhiều sự nổi tiếng qua những bộ phim Pháp về Việt Nam. Nhưng đáng buồn, khoảng từ đầu những năm 2000 đến nay là gần 1/4 thế kỷ, chưa có bộ phim Pháp quan trọng nào quay ở Việt Nam" - bà Lan nói - "Chính vì thế, cần cuộc hội thảo của những chuyên gia điện ảnh hàng đầu để chia sẻ những cơ hội hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và Pháp".
Đồng quan điểm, ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, cũng nhắc tới "mối lương duyên" giữa hai nền điện ảnh Việt - Pháp: "Thực tế, người Pháp có niềm đam mê không chỉ với điện ảnh Pháp mà với nhiều nước trên thế giới. Mối lương duyên Việt - Pháp, như TS Lan nhắc tới, đã trải qua nhiều thăng trầm, đến nay mối quan hệ này đã phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho điện ảnh".
"Tôi muốn chia sẻ về việc người Pháp nhìn về châu Á và Việt Nam như thế nào, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các bên. Từ nhiều năm nay, Pháp luôn đấu tranh cho đa dạng văn hoá, muốn tất cả các quốc gia trên thế giới thể hiện bản sắc, thể hiện tiếng nói của mình. Để đạt mục đích đó, cần có cơ chế pháp lý và Pháp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đó với Việt Nam" - Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh.
Tương tự, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, người vừa nhận giải Thành tựu điện ảnh đầu tiên của BTC DANAFF, cũng bày tỏ quan điểm của ông về sự ảnh hưởng của điện ảnh Pháp với Việt Nam.
"Bản thân tôi rất mừng vì khi xu thế thương mại lấn át thì Pháp vẫn giữ vững lập trường coi điện ảnh là nghệ thuật. Mối quan hệ của tôi với điện ảnh Pháp khá sâu sắc, từ khi tôi làm bộ phim đầu tiên Bao giờ cho tới tháng 10. Có một câu chuyện vui: Khi Bộ Văn hoá và Bộ Ngoại giao Pháp chiếu bộ phim này tại Paris và có gửi thư mời Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp thì mọi người rất ngạc nhiên về một bộ phim được Pháp tài trợ lúc bấy giờ. Sau này, tôi được nhận học bổng qua Pháp học".
"Sự ảnh hưởng của điện ảnh Pháp tới điện ảnh Việt Nam có thể nói là rất lớn. "Làn sóng mới" của điện ảnh Pháp những năm 1960 -1970 đã ảnh hưởng nhiều tới phong cách phim của tôi. Có thể kể tới Mùa ổi năm 1996, đây tiếp tục là bộ phim nhận tài trợ từ Bộ Văn hoá Pháp" - đạo diễn cho biết thêm.
Những cơ hội cho tương lai
Trong cuộc hội thảo, Đại sứ Olivier Brochet đánh giá cao việc các tác phẩm điện ảnh châu Á, trong đó có phim Việt Nam, được giới thiệu ở LHP Cannes. Ông cũng khẳng định sự ủng hộ của điện ảnh Pháp dành cho các đạo diễn, nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam.
"Chúng tôi cũng sẵn sàng đồng hành các nhà làm phim trẻ Việt Nam thông qua chương trình ở Liên hoan phim Cannes và mong muốn nhà chuyên môn điện ảnh của Việt Nam tham gia vào chương trình này. Hơn nữa, điện ảnh là sự đối thoại, giao lưu văn hoá, vì vậy tôi mong muốn các tác phẩm điện ảnh Pháp được công chúng Việt Nam biết đến nhiều hơn nữa nhiều hơn ở rạp chiếu" - Đại sứ Olivier Brochet nói.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cũng khẳng định: Hợp tác Việt - Pháp trong điện ảnh có nhân duyên và có tương lai. "Với thế hệ chúng tôi, trong những năm 1980 có nhiều phim Pháp được trình chiếu và lấy được cảm tình với khán giả Việt. Sau đó, sự tiếp xúc điện ảnh giữa hai nước giảm sút do nhiều nguyên nhân khác nhau" - ông nói - "Việc TS Ngô Phương Lan tổ chức hội thảo này cùng với bàn tròn "Chia sẻ kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển" là những trọng tâm mà điện ảnh rất cần".
Trả lời câu hỏi về triển vọng hợp tác điện ảnh Pháp - Việt Nam cũng như cơ hội nhận tài trợ của Pháp, ông Jérémy Segay (đại diện Viện Pháp tại Việt Nam) cho biết, cơ quan chức năng Pháp luôn ủng hộ điện ảnh Việt Nam. Điều quan trọng là tính pháp lý, và chúng ta phải có văn bản ký kết hợp tác giữa hai nước.
"Điện ảnh là sự đối thoại, giao lưu văn hoá, vì vậy tôi mong muốn các tác phẩm điện ảnh Pháp được công chúng Việt Nam biết đến nhiều hơn nữa ở rạp chiếu" - ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Tags