Triều cường dâng cao làm ngập diện rộng tại Bạc Liêu

Thứ Năm, 17/11/2016 11:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp 3 ngày qua, triều cường dâng cao đã làm ngập nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ngập nặng nhất ở những khu vực cửa sông, cửa biển, các tuyến sông lớn, có nơi ngập sâu hơn 50cm, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Theo ghi nhận của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh Bạc Liêu, những ngày qua mực nước biển tại cửa sông dâng cao đạt 2,05m, vượt mức báo động III.

Mực nước này đã làm ngập trên diện rộng tại cửa biển Nhà Mát, Gành Hào, Cái Cùng, thị trấn Hộ Phòng và nhiều tuyến sông ở huyện Hòa Bình, thị xã Giá Rai, huyện Đông Hải…Ngập nặng nhất là khu vực cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, có nơi nước ngập sâu hơn 50cm. Còn tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, hàng loạt tuyến đường, chợ, nhà dân…nước tràn sâu vào trong nhà, chợ, đe dọa hàng hóa, làm xáo trộn cuộc sống dân sinh của người dân.


Triều cường dâng cao, hàng chục ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng vì xâm nhập mặn. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Đợt triều cường này đã lấn sâu vào các tuyến sông nằm cách cửa biển hàng chục km, gây ngập nhiều khu vực nội ô của thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị trấn Hòa Bình…Cụ thể, tại thành phố Bạc Liêu, hàng loạt tuyến đường như Lê Văn Duyệt, Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu…nước ngập sâu từ 20-30cm; cùng với đó, nhiều nhà dân ở dọc theo các tuyến sông bị ngập sâu trong nước.

Hơn nữa, triều cường đã làm tràn bờ bao, ao hồ nuôi trồng thủy sản; xâm nhập mặn diện tích trồng màu, đe dọa đến diện tích sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hóa phía Bắc tỉnh.

Theo dự báo của ngành chức năng, từ nay đến cuối năm và đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu mỗi tháng xuất hiện 2 đợt triều cường dâng cao trên 2 mét, vượt mức báo động III.

Nhằm chủ động phòng chống có hiệu quả, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến triều cường và thông báo kịp thời cho người dân ứng phó. Khuyến cáo người dân tôn tạo nền nhà, gia cố, tu bổ bờ bao, ao hồ nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo các địa phương giám sát toàn bộ hệ thống cống dọc Quốc lộ 1A, hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, chống rò rỉ, xâm nhập mặn, làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Về lâu dài, tỉnh tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi trên địa bàn, giai đoạn 2016-2020 ; tiếp tục hoàn chỉnh Quy hoạch thủy lợi và Quy định về phân cấp quản lý, khai thác vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn; huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình chống biến đổi khí hậu, sạt lở, triều cường dâng...

TTXVN/Huynh Sử

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›