Tác giả “Cha giàu cha nghèo” Robert Kiyosaki từng nói: "Vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền”.
Robert Kiyosaki nhấn mạnh rằng dù tiền lương của bạn nhiều đến đâu, nếu không được quản lý đúng cách, số tiền này có thể biến mất trước khi bạn kịp nhận ra. Nói cách khác, tiết kiệm là điều cần thiết nếu bạn muốn xây dựng sự giàu có lâu dài.
Chiến thuật từ những người “siêu tiết kiệm”, dành ra hơn 50% thu nhập sẽ giúp bạn học hỏi được phương pháp quản lý tiền hiệu quả.
1. Cho thuê 1 phần căn nhà
Đây là chiến lược cho thuê một phần hoặc vài phòng căn nhà của bạn và sử dụng số tiền đó để trang trải chính chi phí nhà ở. Cặp đôi Ali và Josh Lupo (Mỹ) đã sử dụng cách này để trả khoản nợ hàng nghìn USD khi mua 1 căn hộ song lập, sống trong 1 nửa căn hộ và cho thuê nửa còn lại. Hiện họ đang sở hữu 2 căn hộ song lập, dùng tiền cho thuê làm sinh hoạt phí và tiết kiệm 100% thu nhập từ công việc chính.
Ali và Josh Lupo. Ảnh: BI
Triệu phú tự thân Told Baldwin cũng sử dụng cách này để xây dựng danh mục đầu tư bất động sản của mình, giúp anh kiếm được 1,5 triệu USD vào năm 2021. Bất động sản đầu tiên anh mua là một ngôi nhà 5 phòng ngủ, 4 phòng tắm ngoại ô Seattle, Washington. Baldwin chỉ sống ở phòng ngủ chính và cho thuê 4 phòng còn lại. Thu nhập cho thuê nhiều hơn số tiền thanh toán thế chấp hàng tháng, nghĩa là chàng trai này không chỉ được sống tự do mà còn thu được lợi nhuận.
Nhà ở là một chi phí lớn, bạn hoàn toàn có thể tìm cách cắt giảm khoản tiền bỏ ra cho nhà ở bằng cách sống chung hoặc chuyển đến một không gian nhỏ hơn để tiết kiệm.
2. Tập trung cắt giảm 2 khoản lớn còn lại là ăn uống và đi lại
Những người siêu tiết kiệm thường tập trung vào việc cắt giảm “3 khoản chi lớn”: nhà ở, thực phẩm và phương tiện đi lại.
Khi bạn đã kiểm soát được chi phí nhà ở của mình, hãy chuyển sang đồ ăn và phương tiện đi lại. Avery Heilbron đã tiết kiệm tới 80% thu nhập của mình và sắp nghỉ hưu sớm, tin rằng cắt giảm những khoản chi phí lớn hiệu quả hơn việc ám ảnh về việc bạn chi bao nhiêu cho những thứ nhỏ nhặt.
Heilbron khuyên bạn có thể chuyển đến căn hộ rẻ hơn, bỏ xe hơi, ngừng ăn uống quá nhiều và học cách nấu ăn. Sự hy sinh không phải vĩnh viễn và sẽ được đền đáp về lâu dài.
(Ảnh minh họa)
Người muốn tiết kiệm chắc chắn nên ăn bên ngoài ít hơn, xóa các ứng dụng giao đồ ăn khỏi điện thoại, sử dụng phương tiện công cộng hoặc đạp xe, đi bộ nếu quãng đường gần. Ít đi xe cá nhân hơn, hoặc tốt hơn nữa là bán đi và hoàn toàn không sử dụng, có thể tiết kiệm được nhiều tiền xăng và tốt cho môi trường.
3. Theo dõi chi phí của bạn để biết tiền của bạn đang đi đâu
Brennan và Erin Schlagbaum ở Cincinnati (Mỹ) đã trả hết khoản thế chấp 234.000 USD trong 5 năm, cộng với 38.000 USD nợ sinh viên và hiện tiết kiệm tới 86% thu nhập của mình. Một trong những bước quan trọng nhất mà họ thực hiện là xem xét chi tiêu của mình để hiểu tiền của họ sẽ đi đâu và họ có thể cắt giảm ở đâu.
Brennan và Erin Schlagbaum. Ảnh: BI
Cặp đôi nhận thấy những chi phí có vẻ nhỏ như vật dụng gia đình, mua sắm siêu thị và ăn uống tăng lên nhanh chóng. Chỉ đơn giản bằng cách xem bảng sao kê thẻ tín dụng, Brennan và Erin Schlagbaum tìm thấy khoảng 1.000 USD chi tiêu linh tinh mà họ hoàn toàn có thể dùng nó để trả nợ.
Ali và Josh Lupo cũng có trải nghiệm tương tự. “Một vài năm trước, chúng tôi nghĩ rằng mình đã biết rõ về những gì mình đang kiếm được và chi tiêu, nhưng khi bắt đầu thực sự theo dõi nó, chúng tôi nhận ra rằng những con số mình biết hoàn toàn sai lệch”, Josh nói.
Một khi hiểu tiền bạn sẽ đi đâu, bạn có thể thay đổi hướng chi tiêu hoặc cắt giảm để tiết kiệm một khoản đáng kể. "Điều thực sự quan trọng là phải hiểu rõ: Tôi kiếm được bao nhiêu mỗi tháng? Tôi đang tiêu bao nhiêu? Tôi có những khoản nợ nào? Tôi đang có tài sản gì?" Ali nói, "Bạn cần một bức tranh về việc tiền của bạn sẽ đi đâu để có thể tối ưu hóa nó”.
4. Đặt mục tiêu kiếm tiền cụ thể
Cặp đôi Schlagbaum đã viết ra mục tiêu rõ ràng về tiền bạc của họ, bao gồm thời điểm họ muốn thanh toán từng khoản nợ. Bằng cách này, họ cảm thấy được nhắc nhở mỗi ngày, có động lực để đi đúng hướng. Kết quả là cặp đôi này tự động tăng tỷ lệ tiết kiệm và trả hết nợ sớm hơn dự tính.
Brennan Schlagbaum thích sử dụng bảng trắng, viết lên đó mục tiêu 1 năm, mục tiêu 10 năm và lịch trình hàng ngày của mình. “Khi tôi viết ra, tôi biết mục tiêu đó chắc chắn sẽ hoàn thành”, chàng trai này cho biết.
5. Tìm cách tăng thu nhập
“Một đội bóng tuyệt vời không chỉ chơi tấn công hoặc chỉ chơi phòng ngự. Họ làm tốt cả 2 và biết khi nào nên ưu tiên cái này hơn cái kia”, cặp đôi Lupo nói.
(Ảnh minh họa)
Ali và Josh Lupo có công việc fulltime, cho thuê bất động sản và kiếm tiền từ thương hiệu tài chính cá nhân của họ. “Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta đang theo đuổi là gia tăng khoảng cách giữa thu nhập và chi phí. Hoàn cảnh mỗi người là khác nhau, nhưng tấn công và phòng thủ đồng thời là cách bạn gia tăng khoảng cách đó”.
6. Đầu tư thêm tiền của bạn
Một cách đơn giản để giữ thêm thu nhập của bạn là ném thêm tiền vào các khoản đầu tư. Bằng cách đó, bạn sẽ không bị cám dỗ chi tiêu nó.
Todd Baldwin tái đầu tư thu nhập vào việc cho thuê và tạo ra nhiều bất động sản hơn. Anh cũng đầu tư vào các quỹ chỉ số. Tính đến tháng 11/2022, Baldwin có 1,26 triệu USD trong quỹ S&P 500 của Vanguard (VOO), theo Business Insider. Gia đình Schlagbaum ném tiền tiết kiệm của họ vào các tài khoản hưu trí khác nhau, đồng thời đầu tư vào các quỹ chỉ số và quỹ ETF.
Hãy nhớ rằng đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, nhưng đầu tư vào quỹ chỉ số có thể là một cách tuyệt vời để tiền của bạn hoạt động mà không gặp quá nhiều rủi ro. Bạn có thể thiết lập tự động hoặc tạo thói quen có tiền là sẽ chuyển thẳng vào tài khoản đầu tư để đảm bảo không tiêu hết tiền tiết kiệm.
7. Tìm niềm vui sống đơn giản
Youtuber 28 tuổi Steve Antonioni đã tiết kiệm phần lớn thu nhập của mình và sau 4 năm, anh chàng tích lũy được khoảng 90.000 USD. Antonioni có thể từ bỏ công việc văn phòng và theo đuổi sự nghiệp sáng tạo nội dung trên Youtube.
Steve Antonioni. Ảnh: BI
Việc ưa chuộng lối sống đơn giản khiến anh tiết kiệm khá dễ dàng. Antonioni chia sẻ mình thích tự làm mọi thứ, như đến cửa hàng tạp hóa mua nguyên liệu nấu ăn hơn là đi ăn nhà hàng. Anh tự làm mọi thứ mình có thể làm, đi xe đạp thay vì những phương tiện khác để tiết kiệm hàng trăm đô mỗi tháng.
"Điều đó đương nhiên giúp bạn tiết kiệm tiền. Nếu bạn đang trả tiền cho người khác để làm điều gì đó cho bạn, bạn sẽ luôn tốn nhiều tiền hơn”, Antonioni nói, "Tôi không cần nhiều thứ để hài lòng”.
9 sự thật đau lòng sau khi tốt nghiệp tôi mới nhận ra, giá như biết trước đã tiết kiệm được 5 năm nỗ lực uổng phíTags