(Thethaovanhoa.vn) - “Không, hiện giờ chúng tôi không có bất cứ liên hệ hoặc liên kết nào với quân đội CHDCND Triều Tiên”, một quan chức quốc phòng Trung Quốc nêu rõ. Lời khẳng định chắc nịch này đã tạo ra sự quan tâm nhất định về lý do khiến Trung Quốc giảm tối đa quan hệ quân sự với Triều Tiên.
- Triều Tiên: Phá hủy Hàn Quốc ‘dễ như ăn bánh’
- Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế và bình tĩnh
- Sau tất cả, Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản
Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên trang Channel News Asia (Singapore) ngày 9/7, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc- Đại tá Zhou Bo đã thẳng thắn tuyên bố lực lượng vũ trang nước này hiện không có bất cứ liên hệ nào với Triều Tiên.
Ông Zhou Bo đồng thời nhận định: “Trung Quốc đang đoàn kết với cộng đồng quốc tế nghiêm túc tôn trọng nghị quyết của Liên hợp quốc và chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra giải pháp cho những vấn đề này”.
Căng thẳng Trung Quốc - Triều Tiên?
Kênh RT (Nga) dẫn lời ông Alexei Maslov, người đứng đầu Trường nghiên cứu Phương Đông tại Đại học Kinh tế Nga, cho rằng Trung Quốc hiện đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan. Một là lựa chọn giữ liên lạc với quân đội Triều Tiên và do vậy trở thành quốc gia duy nhất có “qua lại” về mặt quân sự với Bình Nhưỡng.
Lựa chọn thứ hai của Trung Quốc là tuân thủ tuyệt đối nghị quyết của Liên hợp quốc, theo đó cắt mọi liên hệ song phương với Triều Tiên và thực hiện theo tất cả yêu cầu của cơ quan này.
Đại tá Zhou Bo nhấn mạnh Trung Quốc liên tục bày tỏ rõ quan điểm của nước này với Triều Tiên nhưng tình hình đã trở nên phức tạp bởi các cuộc thử tên lửa của Bình Nhưỡng và việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Ngoài ra Đại tá Zhou Bo cũng cho biết việc ngưng liên hệ quân sự là biểu hiện cho sự thay đổi trong quan hệ song phương Trung Quốc - Triều Tiên.
Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - ông Georgy Toloraya nhận định với hãng Sputnik (Nga) rằng động thái như vậy bộc lộ mức độ căng thẳng giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Theo ông Toloraya, Bắc Kinh coi chương trình hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc là mối đe dọa.
"Anh em như thể tay chân"
Trung Quốc và Triều Tiên đã duy trì liên lạc quân sự kể từ thời gian diễn ra Chiến tranh Triều Tiên. Năm 1961, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ký một hiệp ước hợp tác hữu nghị. Theo đó Trung Quốc sẽ hỗ trợ hàng xóm Triều Tiên khi xung đột bùng phát.
Ông Toloraya nhận định: “Về mặt lịch sử, quân đội Trung Quốc và Triều Tiên là anh em với nhau. Tất nhiên việc liên lạc là vô cùng quan trọng”.
Nhưng ông Toloraya cho biết ở thời điểm này, nếu xét đến chính sách quân sự độc lập của Triều Tiên thì việc hợp tác với Trung Quốc không đóng góp gì nhiều cho khả năng quốc phòng của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, ông Maslov cho rằng từ đầu thế kỷ 21, Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng cường liên lạc: “Hợp tác quân sự giữa hai quốc gia này đã phát triển từ đầu những năm 2000 và đạt đỉnh điểm vào năm 2011 khi Bắc Kinh và Bình Nhưỡng trao đổi đoàn đại biểu cấp cao quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã gặp mặt”.
Theo ông Maslov, Triều Tiên trước hết rất quan tâm đến kinh nghiệm của Trung Quốc về quản lý lực lượng vũ trang, điển hình là công tác đào tạo. Về phần Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc đã chia sẻ những công nghệ nhất định với Triều Tiên và phát triển liên lạc quân sự song phương như một kênh liên lạc bổ sung. Mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân đổi lại lấy lá chắn hạt nhân, tuy nhiên Bình Nhưỡng đã thẳng thừng từ chối.
Từ đó, ông Maslov phân tích, qua việc cắt liên lạc quân sự, Trung Quốc muốn “bắn tiếng” rằng nước này không muốn trở thành “con tin” của chính sách từ Triều Tiên làm leo thang căng thẳng trong khu vực. “Trong một thời gian dài, Triều Tiên ghi nhận Trung Quốc là đối tác quân sự và sẽ bảo vệ nước này khi xung đột bùng nổ. Đến nay Trung Quốc đã chối bỏ cam kết này”, ông Maslov đánh giá.
Động thái nhượng bộ Mỹ?
Theo ông Toloraya, quyết định cắt liên lạc quân sự với Triều Tiên của Trung Quốc có thể được coi là sự nhượng bộ trước Mỹ. Washington liên tục kêu gọi áp đặt trừng phạt đồng thời kêu gọi Moskva và Bắc Kinh dừng mọi hình thức hợp tác với Bình Nhưỡng.
Đặc biệt sau sự kiện Triều Tiên vào Ngày Độc lập của Mỹ (4/7) vừa qua đã phóng thử một tên lửa mà nước này tuyên bố có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Lầu Năm Góc cùng ngày xác nhận Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tuy nhiên ông Toloraya cho rằng việc Bắc Kinh cắt giảm liên lạc quân sự với "hàng xóm" sẽ không giúp gì nhiều cho việc giải quyết vấn đề Triều Tiên mà thậm chí dẫn đến “mất các kênh liên lạc và gây sức ép với Bình Nhưỡng”.
“Triều Tiên bị dồn vào chân tường. Họ cảm thấy bị cô lập. Đây có thể là điều nguy hiểm”, ông Toloraya đưa ra ý kiến.
Vẫn chưa có chỗ cho đối thoại
Vấn đề Triều Tiên đã được bàn thảo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hamburg (Đức) trong hai ngày 7 - 8/7. Và ngay trong cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cái tên Triều Tiên cũng được nhắc tới. Tuy nhiên chưa có quyết định đột phá nào được tạo ra.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Moskva ngày 4/7 đã nhất trí kêu gọi đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đồng thời đề nghị Mỹ và Hàn Quốc ngừng tiến hành tập trận trong khu vực.
Các chuyên gia cho rằng chiến lược gây áp lực với Triều Tiên của Mỹ đã không có hiệu quả. Việc phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ được cho sẽ chỉ dẫn đến tham vọng quân sự của Triều Tiên.
Ông Maslov nói: “Nga và Mỹ có chiến lược khác biệt để thuyết phục Triều Tiên đối thoại trong khi Moskva và Bắc Kinh lại có thể đảm bảo việc thi hành thỏa thuận”. Tuy nhiên biện pháp này lại cần sự nhượng bộ của Mỹ và Hàn Quốc.
Ông Toloraya khẳng định khủng hoảng hiện nay chỉ có thể giải quyết khi Mỹ thay đổi chính sách với Triều Tiên.
Theo Hà Linh/Báo Tin Tức
Tags