(Thethaovanhoa.vn) - Tôi đã nhiều lần gặp nghệ sĩ Triệu Trung Kiên tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Nhìn dáng điệu có chút bụi bụi của Triệu Trung Kiên khiến ai gặp lần đầu dễ nghĩ anh là đại gia, còn nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật thì lại giống như đạo diễn sân khấu kịch nói, truyền hình. Cho đến khi đến dự cuộc họp báo chuẩn bị vở diễn Chuyện tình Khau Vai (tác giả: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ), tôi mới vỡ lẽ NSND Triệu Trung Kiên (lúc đó là Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, hiện là Giám đốc) - người đạo diễn vở cải lương này. Quả là lúc đầu, tôi có hơi bị “choáng”…
1. Năm 1988, Triệu Trung Kiên vào học lớp Trung cấp diễn viên Cải lương, tốt nghiệp năm 1991, về công tác Nhà hát Cải lương Trung ương. Rồi anh lại tiếp tục đi học.
Tốt nghiệp đạo diễn sân khấu năm 2005, Triệu Trung Kiên đã tham gia viết kịch và dàn dựng thành công nhiều vở diễn sân khấu cho các đoàn nghệ thuật trong cả nước, đặc biệt là sân khấu cải lương khu vực phía Bắc. Thời gian gần đây, Triệu Trung Kiên được tác giả, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ tin cậy “chọn mặt gửi vàng” mời làm đạo diễn các vở cải lương lịch sử mang tính đương đại, như: Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng đông, Thầy Ba Đợi, Huyền thoại gò Rồng ấp và mới đây nhất là Ngàn năm mây trắng - vở kịch hát đầu tiên có sự kết hợp của 4 loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam (cải lương, chèo, xẩm và ca Huế).
Ngoài cải lương vốn có thâm niên chuyên môn, Triệu Trung Kiên thể hiện sự đa tài ở cả lĩnh vực dân ca và bài chòi. Năm 2016, anh dựng vở dân ca Thai Xuyên Trần Quý Cáp cho Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Năm 2018, từ kịch bản Ký ức lửa (tác giả Chu Lai, Nguyễn Sĩ Chức chuyển thể ca kịch bài chòi), Triệu Trung Kiên đã dàn dựng ca bài chòi cho Đoàn Ca kịch Quảng Nam.
2. Ngay từ khi là nghệ sĩ biểu diễn, Trung Kiên đã nhận thấy, phương pháp nghệ thuật sân khấu cải lương còn tồn tại một số vấn đề. Việc chậm cải cách, đổi mới đã làm cải lương mất dần sức sống vốn có của nó. Cũng không loại trừ khả năng nghĩ đến cải lương là nghĩ đến sản phẩm “nội địa”, “Made in Việt Nam 100%” nên việc mở cửa, tiếp nhận giá trị sân khấu thế giới còn khá dè dặt.
Người mang làn gió mới đến Nhà hát, cho nghệ sĩ cuối những năm 90 của thế kỷ trước không ai khác, chính là NSƯT Lê Chức. Sau thời gian tu nghiệp ở Liên Xô (cũ), nghệ sĩ Lê Chức nhận nhiệm vụ tại Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam). Tiếng đàn Bá Nha đã có Chung Tử Kỳ tri âm. Trung Kiên “bắt sóng” được tín hiệu cho bước tìm tòi bấy lâu. Trên cơ sở phân tích nấu nung, cái mới đến, nghệ sĩ trẻ đã hoan hỉ tiếp nhận.
“Em cảm ơn thầy Lê Chức rất nhiều. Thầy đã mang một luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương. Nghệ sĩ chúng em có cơ hội nhìn ra thế giới và cũng có dịp chiêm nghiệm lại” - anh tâm sự.
Năm 1998, vở diễn Cây đàn huyền thoại (kịch bản: PGS Tất Thắng, âm nhạc: Trọng Đài) do NSND Dương Ngọc Đức và NSƯT Lê Chức dàn dựng tham gia biểu diễn chào mừng Liên hoan Sân khấu mùa Thu đã khiến khán giả và đồng nghiệp TP.HCM không khỏi ngỡ ngàng. Việc đổi mới của sân khấu cải lương miền Bắc đã được ghi nhận và điều quan trọng cải lương miền Bắc đã góp phần cho sự phát triển của sân khấu cải lương Việt Nam. Trong vở diễn này, tiếp nhận cái mới, Trung Kiên vào vai ông chủ ấp và đã đem đến những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Là nghệ sĩ dấn thân cho sân khấu cải lương từ năm 1991 đến nay, nhất là bây giờ giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên hiểu và trăn trở hơn ai hết tình trạng cải lương hôm nay. Công chúng thông minh của thời đại 4.0 đang đứng trước nhiều sự lựa chọn loại hình giải trí nghệ thuật, thì kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương) chịu nhiều số phận thua thiệt hơn. Song với bản lĩnh nghề nghiệp, Triệu Kiên tự tin để khẳng định “mỗi loài hoa có sức hút riêng và khán giả cũng cần đổi món. Tôi không dám nói khán giả sẽ nô nức mua vé vào rạp xem cải lương như ngày trước nhưng sẽ không để họ cảm thấy vô ích khi ngồi xem cải lương” (Dẫn theo Hà Lan, Triệu Trung Kiên dựng kiệt tác sân khấu).
Cải lương cùng với tuồng, chèo của kịch hát dân tộc gặp không ít những khó khăn, thách thức về khán giả. Song xem những vở cải lương gần đây do Triệu Trung Kiên dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Việt Nam từ kịch bản văn học của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, như: Chuyện tình Khau Vai, Hừng đông, Mai Hắc Đế, Thầy Ba Đợi… GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam mừng vui trước nhiều tín hiệu lạc quan “Vũ hậu thiên quang” (sau mưa trời lại sáng): Đó là những vở cải lương thử nghiệm hiện đại hóa sân khấu cải lương lớn nhất từ trước tới nay do đạo diễn Triệu Trung Kiên dàn dựng đã tạo nên cơn “địa chấn” trong ngành sân khấu dân tộc Việt Nam, từ việc đầu tư kinh phí nhiều tỷ đồng đến việc huy động diễn viên hàng trăm người và việc xử lý nghệ thuật hiện đại, cả kỹ thuật 3D… Điều này có thể nhận thấy trong 1 thế kỷ, con thuyền cải lương đã biết bao lần vượt qua sóng cả gió to, để đến hôm nay được khẳng định là 1 trong 3 thể loại sân khấu ca kịch truyền thống mạnh nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam” (Hoàng Chương (2018), Nghệ thuật Cải lương là mãi mãi, Tạp chí Văn hiến ngày 16/04/18).
3. Tôi đã đến xem vở cải lương Thầy Ba Đợi tại Nhà hát Lớn cùng khán giả Hà Nội và các đại biểu Quốc hội vào đêm 27/5/2018 nhân sự kiện kỷ niệm “Một thế kỷ hình thành và phát triển của Nghệ thuật Sân khấu Cải lương Việt Nam”. Trước giờ biểu diễn, tôi và nhóm bạn bè cùng có chung nỗi lo trước một vở diễn lớn, hoành tráng, kết nối nghệ sĩ 3 miền miền Bắc - Trung - Nam… Triệu Trung Kiên phối hợp cùng Lê Trung Thảo sẽ dàn dựng thế nào? Liệu có thành công như những vở diễn trước đây?
Nỗi lo ấy đã được hóa giải khi màn cải lương kết thúc. Nghệ sĩ Triệu Trung Kiên đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, tài năng, sáng tạo, làm chủ, xử lý tình huống, tạo nên một phong cách thể hiện mộc mạc, gần gũi, phát huy giá trị di sản văn hóa cả 3miền… Nhân vật thầy Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại) - nhạc sư, nhạc quan triều Nguyễn đã được thể hiện. Thông điệp quan trọng đã được công chúng tiếp nhận bởi những giá trị cao quý của nghệ thuật sân khấu cải lương và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của bộ môn nghệ thuật này trong suốt quá trình hình thành và phát triển trong 1 thế kỷ.
Đặc biệt, vở diễn Thầy Ba Đợi lần đầu tiên nối kết, liên tài những nghệ sĩ dấn thân cho nghệ thuật cải lương đoàn kết một nhà, chung tay bảo tồn, phát huy những giá trị di sản lịch sử, văn hóa tinh hoa của ông cha.
Sau 2 buổi công diễn vở Thầy Ba Đợi ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đọc được những cảm xúc của đạo diễn Triệu Trung Kiên trên Facebook: “Chúng tôi, những nghệ sĩ cải lương 3 miền đã có những thời khắc nghiệm sinh về niềm hạnh phúc và nỗi vui sướng. Sẽ là một kỷ niệm không thể quên. Lúc này, hầu hết những “người Nam” đã trở về nhà, để lại trong những “kẻ Bắc” chúng tôi những khoảng trống to, nhỏ tùy người - nơi chất chứa nỗi nhớ. Yêu mến từng người một trong đoàn chiến binh Thầy Ba Đợi vô cùng. Sức mạnh của rừng cây chụm lại làm chúng tôi thấy mình mạnh mẽ và vững tin”.
Nỗ lực làm mới, ngoài đề tài lịch sử, Triệu Trung Kiên còn dàn dựng vở diễn kết hợp giả tưởng với hư cấu lịch sử. Vở cải lương Ngạ quỷ (tác giả: Đại đức Thích Nguyên Thanh; chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, âm nhạc: NSND Hoàng Anh Tú, thiết kế mỹ thuật: NSƯT Doãn Bằng) do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện thuộc thể loại giả tưởng kết hợp hư cấu lịch sử. Đạo diễn đã khéo léo lồng các sự kiện: Sự kiện thứ nhất là chuyện về vụ án tru di tam tộc nhà họ Triệu vào thời Xuân Thu - Trung Quốc; sự kiện thứ hai là câu chuyện hôn quân Nhật Lễ thời nhà Trần, vào nửa cuối thế kỷ 14. Sợi dây liên kết 2 khối sự kiện trên là linh hồn quỷ dữ nhập vào các con rối. Vở diễn giải thích về bản chất của cái ác.
4. Tôi ấn tượng, tâm đắc với tâm huyết của NSND Triệu Trung Kiên là cần có một cuộc cách mạng, đổi mới nghệ thuật cải lương cùng những thử nghiệm táo bạo, mạnh dạn để tìm hướng đi mới:
“Tôi không hứa trước điều gì nhưng chắc chắn không để khán giả thông thái của tôi cảm thấy vô ích khi xem cải lương. Cần tiếp tục tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới để đổi mới và làm giàu cho sân khấu cải lương Việt Nam. Ngoài đào tạo nghệ sĩ cải lương cũng cần có cung cấp niềm đam mê nghệ thuật cải lương cho khán giả. Đưa cải lương đến gần hơn với công chúng bằng chính nỗ lực đổi mới. Và nếu không đổi mới, sân khấu cải lương có tuổi đời cả 1 thế kỷ có thể sẽ vĩnh viễn mất đi trong tâm thức của dân tộc”.
Anh cho biết thêm: Sau cuộc kết nối nghệ sĩ Bắc - Nam thành công qua vở cải lương Thầy Ba Đợi, chúng tôi sẽ có đà, vững tin hơn để tiếp tục triển khai những ý tưởng, thể nghiệm trong miền Nam với các thành phần sáng tạo của cả 2 miền. Sắp tới, tôi sẽ cùng phối hợp dàn dựng những vở diễn mang tính đổi mới cho cải lương. Sau cải lương gắn với rock, rap có thể cải lương sẽ kết hợp với graffiti, cải lương thực ảnh... Nếu không đổi mới, sân khấu cải lương có thể sẽ mất đi vĩnh viễn…”.
Và NSND Triệu Trung Kiên đã hiện thực hóa khát vọng sáng tạo trong vở diễn cộng hưởng: Cải lương và xiếc trong vở Cây gậy thần (đồng đạo diễn với NSND Tống Toàn Thắng). Bao trăn trở, bao ngã rẽ thách thức người nghệ sĩ khi chọn nhạc theo phong cách jazz cho vở diễn này: “Với cách hòa âm, phối khí như thế này, bài Lý con sáo cũng như hầu hết bài ca của cải lương theo phong cách jazz trong vở Cây gậy thần, gia đình tôi đã chia thành nhiều phe: Cực lực phản đối (mẹ); Phản đối, chỉ nên thử nghiệm một phần (vợ); Hay, nhưng cô chú ca chưa hay, sẽ đi xem lại (con trai cả 23 tuổi) và con thích, được (con trai thứ 15 tuổi)... tôi biết rẽ ngả nào đây?”.
Hỏi thế, nhưng NSND Triệu Trung Kiên đã quyết định là “rẽ ngả của tôi. Để phân khúc khán giả, bắc cầu đến với các thế hệ tương lai không đứt gãy quan hệ sân khấu - khán giả sau này đôi khi cần một cuộc lột xác đau đớn…”.
Và tôi tin, chờ mong những tâm huyết của nghệ sĩ tài năng sẽ là sự thật và luôn là sự thật. Công chúng của sân khấu cải lương hôm nay cũng tin như thế.
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags