Triệu Vân vang danh Tam Quốc khi có thể đơn thương độc mã phá vỡ vòng vây của quân Tào. Trong khi đó, Lã Bố và Triệu Vân lại không thể hóa ra là có nguyên nhân.
Trong những năm cuối thời nhà Đông Hán, thiên hạ đại loạn, anh hùng hào kiệt xuất hiện vô số. Trong số đó, các võ tướng được đánh giá là những nhân vật quan trọng trong các cuộc chiến giữa các chư hầu mạnh nhất lúc bấy giờ.
Những võ tướng mạnh nhất trong thời kỳ này có thể kể đến như Lã Bố, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân...
Xét về võ công, rõ ràng Lã Bố và Quan Vũ được đánh giá cao hơn Triệu Vân. Theo đó, Lã Bố được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất mãnh tướng. Lúc sinh thời, dường như không có một ai có thể đánh bại Lã Bố khi đơn đả độc đấu, bởi võ tướng này không những có võ nghệ cao siêu, tài bắn cung giỏi, vô cùng thiện chiến mà còn sở hữu hai bảo vật hiếm có là ngựa Xích Thố và Phương Thiên Họa Kích.
Trong khi đó, dù Quan Vũ và Triệu Vân chưa từng đơn đấu, nhưng có thể xem xét thực lực của cả hai thông qua đối thủ từng giao chiến. Đó là võ tướng Hà Bắc Văn Xú của Viên Thiệu.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, trong trận Bàn Hà, trong khi Công Tôn Toản ngã ngựa và sắp bị Văn Xú đâm chết thì Triệu Vân chạy tới ngăn lại. Cả hai đã giao chiến hơn 50 hiệp mà vẫn chưa phân thắng bại. Trận đấu này bị gián đoạn khi viện quân của Công Tôn Toản kéo tới.
Ngược lại, trong trận Bạch Mã, Quan Vũ đánh bại Văn Xú chỉ trong 3 hiệp. Từ đây có thể thấy rằng rõ ràng Quan Vũ mạnh hơn Triệu Vân.
Vậy, vì sao Triệu Vân có thể phá vỡ vòng vây của đại quân, lập chiến công vang danh Tam Quốc trong trận Trường Bản, trong khi Lã Bố và Quan Vũ lại không thể?
Trước câu hỏi này, hóa ra có 3 nguyên nhân được chỉ ra.
Vì sao Lã Bố, Quan Vũ không thể phá vỡ vòng vây?
Thứ nhất, mối bận tâm của Triệu Vân tương đối nhỏ.
Trong trận Trường Bản năm 208, một trong những nguyên nhân lớn khiến Triệu Vân có thể bộc phát sức chiến đấu mạnh mẽ đến mức đại quân của Tào Ngụy không thể chống đỡ đó là mối bận tâm của võ tướng này tương đối nhỏ. Lúc bấy giờ, Triệu Vân chỉ có một suy nghĩ trong đầu đó là cứu A Đẩu (con trai Lưu Bị) thoát khỏi vòng vây. Ông vừa buộc chặt đứa bé bên người vừa không màng đến nguy hiểm mà đột kích vòng vây.
Trong khi đó, nếu Lã Bố cũng rơi vào tình huống tương tự, liệu võ tướng này có thể phá được vòng vây và cứu sống được con gái? Lúc sinh thời, Lã Bố muốn gả con gái cho con trai của Viên Thuật vào năm 197. Tuy nhiên, sau đó Lã Bố lại đổi ý mang quân đuổi theo cướp con gái trở về Hạ Bì, tuyên bố hủy hôn ước với phía Viên Thuật.
Lã Bố không rơi vào tình huống phải đơn thương độc mã như Triệu Vân khi đi cướp lại con gái. Nếu buộc phải đơn độc đi cứu con gái, khả năng Lã Bố khó có thể phá vỡ vòng vây của quân địch là rất cao. Bởi lẽ con gái ngồi sau lưng ngựa cũng đã lớn, do đó rất khó để Lã Bố liều lĩnh phá vòng vây mà không làm con gái bị thương.
Trong khi đó, khi ở Thổ Sơn, Tào Tháo sai quân bao vây Quan Vũ và muốn đẩy võ tướng này vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng Tào Tháo khi đó đã đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Quan Vũ. Theo đó, dù Hứa Chử cùng Từ Hoảng liên thủ nhưng cũng không phải là đối thủ của Quan Vũ.
Quan Vũ hoàn toàn có thể một mình thoát khỏi vòng vây ở Thổ Sơn, nhưng lại quyết định chịu tạm đầu hàng. Nguyên nhân là ông còn phải bận tâm tới sự an toàn của gia quyến Lưu Bị. Chính vì vậy, Quan Vũ không dám hành động thiếu suy nghĩ. Sở dĩ một phần nguyên nhân lớn khiến Quan Vũ tạm đầu hàng Tào Tháo chính là để bảo vệ gia quyến của Lưu Bị.
Thứ hai, danh tiếng của Triêu Vân tương đối nhỏ.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, trong thời kỳ đầu, Triệu Vân là nhân vật không mấy tiếng tăm, so với Lã Bố và Quan Vũ thì càng không bằng. Tuy nhiên, đây lại là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Triệu Vân có thể đột phá vòng vây.
Hơn nữa, Lã Bố là một danh tướng lừng lẫy khắp thiên hạ. Trận "Tam anh chiến Lã Bố" đã chứng minh sức mạnh chiến đấu tuyệt vời của Lã Bố. Sau đó, việc 6 võ tướng dũng mãnh của Tào Ngụy đại chiến Lã Bố cũng khiến Tào Tháo nhận ra rằng, danh tướng họ Lã không thể bị đánh bại dễ dàng. Do đó, nếu đối mặt với Lã Bố, chắc chắn Tào Tháo sẽ sử dụng nhiều binh mã, lên kế hoạch một cách toàn diện hơn. Điều này sẽ tạo ra áp lực lớn hơn cho Lã Bố khi tham chiến.
Tương tự, do Quan Vũ quá nổi tiếng, bản thân Tào Tháo cũng biết được thực lực của võ tướng này, nên ông đã dàn trận, bố trí những võ tướng mạnh để giao chiến. Rõ ràng Quan Vũ có thể đánh bại được Hứa Chử và Từ Hoảng, nhưng sức chiến đấu cũng giảm đi rõ rệt. Do đó, khả năng Quan Vũ có thể đột phá được vòng vây của quân Tào là không thể đoán trước.
Hơn nữa, so với Lã Bố và Quan Vũ, Triệu Vân lại chỉ bị bao vây bởi những binh lính của Tào Ngụy, khác với những mãnh tướng hàng đầu của Tào doanh.
Mặt khác, nếu không nhờ Tào Tháo khen ngợi "Thật là một hổ tướng!", và ra lệnh cho binh lính chỉ được phép bắt sống, không được bắn cung làm Triệu Vân bị thương, e rằng võ tướng này khó lòng tạo nên chiến tích ở Trường Bản. Triệu Vân không những thoát khỏi vòng vây mà còn cứu sống được A Đẩu một phần cũng nhờ vào tấm lòng yêu mến nhân tài của Tào Tháo.
Thứ ba, Triệu Vân đối diện với cục diện trận đấu tốt hơn.
Điều mà Quan Vũ và Lã Bố phải đối mặt chính là sự sắp xếp có chủ ý của vị quân chủ giỏi mưu lược như Tào Tháo. Đối mặt với hai danh tướng có khả năng chiến đấu tuyệt vời như Lã bố, Quan Vũ, chắc chắn Tào Tháo không thể xem nhẹ và sẽ triển khai hàng loạt binh hùng, tướng mạnh để chống trả, thậm chí là lập mưu để dồn ép vào thế khó.
Ngược lại, khi Triệu Vân xông vào vòng vây của quân Tào là một tình huống mà Tào Tháo chưa hề dự liệu trước. Trong trận Trường Bản, mục tiêu hàng đầu của Tào Tháo là đánh bại Lưu Bị.
Sau khi Lưu Bị thua chạy tan tác, còn bỏ quên cả vợ con, đại quân Tào Ngụy lúc bấy giờ đều đang trong tâm thế chiến thắng, thu dọn chiến trường. Đúng lúc này Triệu Vân đột nhiên xông tới, lao về phía quân Tào Ngụy. Tình huống bất ngờ, cộng thêm sự trợ giúp từ mệnh lệnh chỉ được phép bắt sống của Tào Tháo, vô tình đã tạo điều kiện giúp Triệu Vân có thể bung hết sức chiến đấu và phá vỡ vòng vây để cứu sống A Đẩu.
Dù biết có nhiều yếu tố thuận lợi so với Lã Bố và Quan Vũ, nhưng có một điều không thể phủ nhận. Đó là khả năng chiến đấu tuyệt vời cùng sự dũng mãnh, chính trực, hết lòng vì Lưu Bị và Thục Hán của Triệu Vân. Người đời sau cũng đánh giá rất cao về tài năng và tấm lòng trung nghĩa của Triệu Vân. Minh chứng là ông và Quan Vũ chính là hai võ tướng duy nhất thời Tam Quốc được thờ tại Lịch đại Đế vương miếu (do nhà Minh, nhà Thanh xây dựng).
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu
Tags