(Thethaovanhoa.vn) - Tôi có quen và thân với nhà giáo, nghệ sĩ guitar Hawaii mang tên Bùi Bạch Liên khi bà tìm đến nghe nhạc và sau đó thường xuyên đến giao lưu trong những đêm nhạc Trịnh tại quán Nghiêm Hoa Trà của tôi ngày cũ.
Một chiều ghé thăm nhà bà trong con hẻm nhỏ ở phố Phan Văn Trường (Cầu Giấy, Hà Nội), tôi cứ ngỡ ngàng, bị hút vào bức tranh sơn mài vẽ Trịnh treo trên tường, lối lên cầu thang đầu tiên.
Hút vào ánh nhìn ấm nóng tình và đời, vào nụ cười lặng lẽ nhưng đầy bao dung của Trịnh. Rất khác, rất riêng, so với cả trăm bức hình ta đã thấy về Trịnh bấy nay.
Ngay bên dưới, ở góc trái bức tranh là mẩu giấy nhỏ hoen ố thời gian cùng đôi lời đề tặng: “Tặng chị Bạch Liên - người học cùng lớp 10B Trưng Vương 1960–1961, một tác phẩm nhỏ do Trần Anh Tú vẽ và làm sơn mài. Bát Tràng, 24/11/2009”.
Bức chân dung trong căn nhà nhỏ
Tôi nghe bà kể người vẽ bức tranh ấy là một kiến trúc sư, sinh viên khóa đầu tiên Trường Đại học Kiến trúc, là học trò của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Rằng mọi bức vẽ của ông đều vẽ ngẫu hứng, từ tình yêu, đam mê, theo góc nhìn riêng của ông. Và ông không mang triển lãm, cũng chẳng bán cho ai. Vẽ cho chính bản thân mình, sau này thì để lại cho con cháu. Quý ai lắm thì ông mới mang tặng và không có bức thứ 2 nào như thế nữa.
Nghe điều đó tôi càng thêm trân trọng. Không phải vì nó là duy nhất, mà có lẽ bởi người vẽ cũng đã trải, đã ngấm rất nhiều tình và đời, ngấm rất nhiều Trịnh vào hồn. Thế nên có bao nhiêu ông dồn cả ra đây, trên đôi bàn tay mình một ngày tháng 11 như thế, để hiện hình một Trịnh rất khác mà tôi đã từng thấy: Những bão tố phong ba đã cuộn lên, hằn sâu và lắng lại sau vầng trán cao mái tóc bồng mây gió. Trong một tích tắc nào đó, nụ cười khẽ nở, như hơi thở nhẹ ai đó lướt qua, nhưng đủ để tan dần những suy tư, mỏi mệt. Và ánh mắt Trịnh mênh mang niềm bao dung với nhân thế, với cay đắng, mất mát trong đời - đúng như những điều Trịnh từng chiêm bái - lòng bao dung và sự tuyệt vọng.
Vậy là, Trịnh sẽ ở lại trong căn nhà nhỏ này, với một tâm thế rất riêng của niềm an lạc sau những bão giông đời người. Mỗi buổi mai, khi những tia nắng lọt qua khe cửa tràn tới, đổ bóng lốm đốm trên chiếc đàn guitar Hawaii đặt ở góc phòng, Trịnh lại thấy bà giáo già (nhìn thấy mặt trời chỉ sau mình chừng dăm bảy năm) chậm rãi lần lần đôi tay trên chiếc đàn cũ bạc của mình. Bà vuốt và thổi nhẹ lớp bụi hờ bám trên mặt đàn, rồi nhẹ nhàng dạo lên đôi khúc chênh chao tuổi đời…
Trịnh hẳn bồi hồi theo xúc cảm ấy, tiếng đàn ấy, bồi hồi với chính những giai điệu gan ruột mà mình đã viết ra… Thấy “loài rong yên ngủ sâu” cựa mình thức giấc theo Dấu chân địa đàng du ca; thấy sỏi đá cồn cào cơn khát có nhau, xô lăn đi tìm một tình yêu theo bước chân của Diễm - tìm hoài, rồi rớt lại “bên đời hiu quạnh” cô đơn, để “biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi” với yêu thương mong những bến bờ…
Gác Trịnh - nơi hẹn hò của những thương yêu
Cuộc sống không sắp đặt mà như sắp đặt, có những cái duyên riêng lạ kỳ, có những đẩy đưa, đồng cảm khó gọi thành tên. Và từ bà Bùi Bạch Liên, tôi lại có duyên ghé thăm một nơi chứa đầy kỷ niệm của Trịnh Công Sơn - trong một lần theo chân bà ghé thăm Gác Trịnh tại TP Huế vào cuối năm 2014.
Gác Trịnh nằm trên tầng 2 của khu tập thể trên phố Nguyễn Trường Tộ, phía bên tay trái là dòng sông nhỏ lững lờ dưới bóng nhà thờ Phủ Cam (nguồn cơn của một khúc Tình xa cô đơn da diết: “Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa”. Theo lời chia sẻ của các bạn đang tiếp quản nơi này, thì đây chính là nơi Trịnh Công Sơn đã sống và sáng tác nhiều ca khúc bất hủ từ những năm đầu 1960 đến cuối những năm 1970.
Tôi đang ở trong không gian yên bình đời Trịnh của những năm tháng nào đó rất xa, bên ô cửa sổ với những thanh chấn song bằng gỗ tròn mộc mạc nhìn ra hàng long não. Tôi để ý nhiều hơn cả là căn phòng nhỏ phía trong cùng, nơi được giới thiệu làm chỗ học bài cho những người em của Trịnh Công Sơn. Phía trên căn phòng ấy được đua thêm thành một gác xép nhỏ. Đó là nơi Trịnh Công Sơn làm việc, giản dị với một chiếc bàn gỗ thấp hình chữ nhật đặt bên dưới khung cửa sổ nhìn ra vòm trời lòa xòa những cành sung cổ thụ.
Từ trong bóng tối loang lổ của không gian chật chội ấy, trái tim Trịnh lên tiếng, tâm hồn kết tơ nhả sợi, thành Diễm xưa, Ở trọ, Hạ trắng… Từ đó cho nhân gian “nương nhờ chút thở than” (Ru đời đi nhé), đi qua tháng ngày “đầy những yêu thương giận hờn”, “nhìn thấy gian manh loài người” (Chỉ có ta trong đời) mà vẫn giữ được lòng bao dung nở hoa từ tuyệt vọng, tự hỏi mình trong đêm: “Tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai mà yêu quá đời này?”(Tôi ơi đừng tuyệt vọng).
Nơi mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mỗi khi trở lại đều thấy “trong mỗi góc đầy bóng tối của căn nhà này, trên chiếc bàn bằng gỗ mộc của Sơn để lại, và trong chiếc ghế làm bằng sợi mây heo to mà Cường thường ngày vẫn ngồi vẽ, đều dậy lên mùi hương lặng lẽ của tuổi trẻ”, trong những bức tranh sơn dầu của Đinh Cường, trong những ca khúc phản chiến của Trịnh, trong văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường - những người bạn “lớn lên bằng tuổi chiến tranh” và “tuổi trẻ bi thảm đang loanh quanh ở thành phố này” (Căn nhà của những gã lang thang- Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Tôi nghỉ lại ở căn phòng nhỏ ở phía trong cùng ấy, ngay dưới không gian làm việc của Trịnh. Đêm thanh tĩnh. Thi thoảng tiếng những trái sung chín rơi lộp bộp trên thảm lá khô, ngỡ bước chân người. Lá và gió ru tình bên ngoài song cửa sổ, ảo mờ dưới trăng vàng chảy tràn. Và bất chợt mơ hồ nghe vẳng đến những giai điệu Trịnh từng ám ảnh tôi rất nhiều năm tháng giữa chốn Hà thành: “Nhiều đêm muốn quay về, ngồi yên dưới mái nhà” (Lời thiên thu gọi).
Những buổi sớm, Huế dường như bình yên hơn mọi thành phố khác. Tôi thích ngồi lại bên khung cửa sổ phòng khách, sát với hành lang dài để cảm nhận bình yên ấy, nhìn xuống con đường dưới hàng long não mà cứ vu vơ kiếm tìm, lòng mong đợi một điều gì đó - như cái cách Trịnh đã từng ngồi chờ bước chân của Diễm mỗi ngày ngang qua, trong lời kể của giáo sư Bửu Ý. Tuổi 30 của tôi đang đằm lại bên khung cửa này mà cất tiếng ru: “Ru em tình như lá, trăm năm vẫn quay về” (Ru tình). Vẫn cứ mãi hoài đợi chờ một yêu thương…
Có mấy bạn trẻ vừa ghé đến. 2 cậu con trai ngồi uống cà phê bên ngoài hành lang, ôm guitar lóng ngóng tập lại bản Tình nhớ và một cô gái trong tà áo dài màu thiên thanh dịu dàng. Tôi để ý nhiều đến người con gái hơn. Tôi bị ấn tượng bởi mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt bầu bầu vẻ phúc hậu, cộng với tà áo dài đằm thắm kia, cho người khác một thiện cảm kỳ lạ. Chỉ nhìn lướt qua thôi là đã thấy được vẻ dịu dàng, đằm thắm của một người con gái Cố đô.
Tôi thấy chị dừng lại rất lâu trước bức tranh vẽ Trịnh khá đặc biệt: Gam màu chính chủ yếu là màu tím nhạt. Trịnh ôm guitar đứng, mái chiếc đầu không như bình thường mà xoay ngược lên trên 180 độ. Phía sau Trịnh là là cầu Trường Tiền đổ bóng xuống dòng Hương lờ lững đôi chiếc thuyền con. Bên dưới bức tranh là dòng chú thích: “Vẽ tại Gác Trịnh, 1/2014”, ký tên Đạt Giang.
Tôi đoán có lẽ chị thích bức hình này, và thực sự thì đây là một bức hình ấn tượng, cũng có một sức hấp dẫn với riêng tôi. Trịnh mang thân phận, sứ mệnh của một người thư ký thời đại. Đôi mắt, đôi tai xoay theo trăm phương nghìn hướng mà vui buồn, thậm chí là tuyệt vọng cùng nhân gian, để bàn tay nở hoa trên những phím đàn, thành những thanh âm thơm đẫm sắc hương từ bông hoa mang tên: Sự tuyệt vọng và lòng bao dung.
Người con gái đã không còn đứng trước bức tranh. Bàn tay chị lướt trên những cuốn sách đặt trên chiếc bàn nhỏ kê ở góc phòng. Chị cầm lên tập Thư tình gửi một người với những dòng chữ viết tay mà Trịnh đã gửi cho một bóng hồng mang tên Dao Ánh, được bà Dao Ánh sao lại, mang gửi tặng cho Gác Trịnh vào tháng 10/2013. Chị lật giở từng trang thư, đôi mắt chăm chú đọc. Lật qua trang thứ nhất, rồi trang thứ 2… Tự dưng tiếng nấc bật ra. Một giọt nước mắt nhỏ xuống, rơi thấm trên trang thư của Trịnh. Chị luống cuống đặt xuống, lôi mẩu giấy mềm trong túi ra, thấm khô dòng lệ ấy, rồi cúi mặt trở ra…
Tôi nhìn theo màu áo xanh của chị khuất dần sau hành lang dài, rồi tiến lại gần tập thư. Giọt nước mắt rơi và nhòe trên một câu hỏi của Trịnh dành cho Dao Ánh: “Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn?”. Một câu hỏi chạm tim, không chỉ với chị, mà với cả tôi, với biết bao người dân Huế và triệu người yêu nhạc Trịnh.
Có lẽ đó là lý do để những người trẻ như chị, như tôi tìm về với Gác Trịnh, muốn một lần chìm trong không gian này, tìm mình dưới mái nhà của Trịnh, soi mình bằng Trịnh vào đời sống huyên náo và có phần bát nháo ngoài kia, nhìn mình bằng những cảm xúc, chiêm nghiệm tự thân. Để biết Huế nhờ có Trịnh mà thêm phần sâu lắng, suy tư. Trịnh trong lòng Huế, tâm hồn ấp ủ, lớn lên từ quê mẹ ngọt tình và bao dung mà dang đôi cánh bay ra với mưa nắng trưởng thành. Để biết đi qua mất mát giữa khổ đau, con người ta cần xích lại gần nhau, nghe tim mình vang vọng một tiếng ru: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng).
- Trịnh Công Sơn trong tôi (Kỳ 1): Trịnh đã giúp tôi 'ngồi yên dưới mái nhà'
- Mưa, nắng, đêm… trong Trịnh Công Sơn
- Một góc 'trẻ con' trong nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tôi chẳng biết đời đã mang bao nhiêu những sắc màu, thân phận, nỗi niềm mình có, để tô lên mái tóc, ánh mắt, nụ cười của người nghệ sĩ họ Trịnh nặng tình với nhân gian ấy. Chỉ biết rằng qua tháng năm, qua mọi phôi pha lấp đầy, biết bao thế hệ người yêu nhạc trữ tình vẫn không thôi mê say khám phá về Trịnh. Họ vẽ bằng góc nhìn được cảm nhận từ âm nhạc mà tạc nên bức chân dung Trịnh nhuốm đầy tình đời. Để nhìn vào đó thấy nhân gian. Nhìn vào đó thấy lẽ sống niềm tin, thấy nụ cười nước mắt.
Con người ta sẽ biết giận biết thương - thương và bao dung sao cho cho trọn hết một kiếp làm người - như Trịnh đã từng trăn trở khôn nguôi:“Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.
Chẳng thế mà có ai đó đã nói với tôi rằng, đến Huế mà chưa một lần ghé thăm Gác Trịnh - ấy là chưa đi đến tận cùng tâm hồn của Huế. Hãy một lần ngồi dưới mái nhà của Trịnh Công Sơn, bạn sẽ hiểu thêm về một cuộc đời như con thuyền nặng trĩu đã chở đầy thân phận và tình yêu, từ dòng Hương lững lờ này mà xuôi ra Bắc, ngược vào Nam, thậm chí vượt ra cả bên ngoài biên giới của quê hương xứ sở.
Lương Đình Khoa
Tags