Trịnh Hữu Ngọc – bình dị mà phi thường

Thứ Tư, 12/07/2023 14:34 GMT+7

Google News

Diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trong tuần qua, tọa đàm giới thiệu ấn phẩm Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương, đã hé mở thêm những chi tiết đáng chú ý về chân dung của một họa sỹ yêu thích những điều bình dị, nhưng lại mang tư duy sáng tạo nghệ thuật phi thường.

5 năm trước, tác phẩm Trịnh Hữu Ngọc: Từ những tác phẩm còn lại được con trai của cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – họa sỹ Trịnh Lữ - giới thiệu đến công chúng. Nhưng có lẽ, đó vẫn là chưa đủ để nói hết về một viên ngọc sáng của nền mỹ thuật Đông Dương. Vì vậy, họa sỹ Trịnh Lữ tiếp tục sưu tầm thêm thông tin và biên soạn ấn phẩm tiếp theo về cha của mình, mang tên Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương (NXB Mỹ thuật và Omega Plus ấn hành).

Đồng hành cùng ông trong ấn phẩm lần này còn có 2 nhà nghiên cứu am hiểu về lịch sử của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cũng như thực tế hội họa và nghệ thuật ứng dụng thời điểm bấy giờ là TS Phạm Long và TS Trần Hậu Yên Thế.

Trịnh Hữu Ngọc – bình dị mà phi thường - Ảnh 1.

Bản thiết kế sản phẩm của thương hiệu MÉMO lừng danh đầu thế kỷ 20

Sự cộng cảm với thiên nhiên

Với tâm niệm "Tranh không cần lạ, mà chỉ cần đẹp", cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc luôn lựa chọn thể hiện những đề tài rất mộc mạc, gần gũi với cuộc sống, như cây cối, hoa cỏ, khung cảnh làng mạc, những con người lao động bình dị. Như TS Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, ông luôn gắn nghệ thuật với cuộc sống thực tế. Mỗi ngày, ông có thể vẽ lặp đi lặp lại những hình ảnh quen thuộc trước mắt bằng một trái tim rung động, mà chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán. Điều đó cho thấy, ông luôn đầy ắp tình yêu với cuộc sống này.

Đặc biệt, trong những thứ mộc mạc ấy, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng dồi dào với Trịnh Hữu Ngọc - từ các bức vẽ cho đến những bản thiết kế nội thất. Theo lý giải của họa sỹ Trịnh Lữ, thiên nhiên trong con mắt của cố họa sĩ là nguồn cội khởi sinh ra mọi vật thể sống trên đời. Không chỉ sinh sôi, thiên nhiên còn có chức năng nuôi dưỡng đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Thêm nữa những gì thiên nhiên đem đến cho con người là như nhau, không có sự phân biệt đối xử giữa người này với người khác. Vì thế mà thiên nhiên được Trịnh Hữu Ngọc tôn vinh như chuẩn mực của mọi thứ đẹp đẽ nhất, hài hòa nhất, bền vững nhất. Trách nhiệm của mỗi người là phải biết ơn, trân trọng những gì được thiên nhiên ban tặng.

Trịnh Hữu Ngọc – bình dị mà phi thường - Ảnh 2.

Bức tranh sơn dầu "Vịnh Hạ Long" sáng tác năm 1953

Còn theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thiên nhiên là nơi chốn mà Trịnh Hữu Ngọc tìm về để rũ bỏ những phiền muộn, ngổn ngang trong cuộc sống. Và ở nơi chốn đó, cố họa sỹ đã tìm thấy sự hòa điệu giữa không gian với tâm hồn.

"Phải chăng, Trịnh Hữu Ngọc đã sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật, hội họa để biểu đạt sự cảm tạ với thiên nhiên - thứ mang lại cho ông nguồn sống, nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận? Đó không phải một hành động biểu thị đầy tính phô trương, chỉ là lời cảm tạ thầm lặng, vậy nhưng thật quyến rũ người xem" - ông Lương Xuân Đoàn bày tỏ.

Bình dị nhưng không bình thường

Con người Trịnh Hữu Ngọc say mê trước những thứ bình dị là vậy, thế nhưng những tác phẩm nghệ thuật, những mẫu thiết kế của ông luôn ẩn chứa sự tinh tế đến lạ kỳ.

Ban đầu, khi học về tranh sơn dầu, cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc đã thể hiện trên tranh của mình những ảnh hưởng sâu sắc của giáo viên người Pháp. Càng về sau, khi đã nắm vững căn bản, ông càng định hình được phong cách riêng biệt của mình. Thay vì dày đặc, cứng cáp như những bức tranh sơn dầu thường thấy của họa sỹ phương Tây, các họa tiết trong tranh của Trịnh Hữu Ngọc có những nét rất thanh mảnh, nhẹ nhàng và phóng khoáng. Để rồi, người xem thấy đâu đó trong tranh ông thấp thoáng dáng dấp của tranh thủy mặc phương Đông.

Trịnh Hữu Ngọc – bình dị mà phi thường - Ảnh 3.

Tranh sơn dầu "Chân dung họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc" vẽ năm 1986. Tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng

Phải làm thế nào để đưa những giá trị thẩm mỹ cổ điển của phương Tây - vốn gần như được thế giới coi là khuôn vàng thước ngọc trong mỹ thuật - lại gần và  truyền đạt cho những người Việt Nam, đồng thời phát triển được một nền mỹ thuật hiện đại của riêng mình? Hành trình trên con đường sáng tác nghệ thuật của Trịnh Hữu Ngọc là hành trình kiếm tìm lời giải đáp cho trăn trở ấy.  

Trước khi thương hiệu MÉMO ra đời năm 1940, đã có nhiều nhà làm đồ gỗ nổi tiếng ở Hà Nội từng đem các tác phẩm của mình tham gia hội chợ đấu xảo ở Hà Nội và cả Pháp. Song, theo TS Phạm Long, chưa có ai xây dựng được thương hiệu như họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc. Ông Ngọc nhận thấy điểm chung ở nhiều sản phẩm nội thất thời điểm bấy giờ sản xuất theo lối "lai căng", chắp vá phong cách phương Tây một chút, rồi lại bắt chước một chút phong cách phương Đông, trông rất phô trương. Từ những kiến thức căn bản được đào tạo tạo tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã khéo léo vận dụng, tích hợp được trong sản phẩm nội thất của mình những đặc điểm hiện đại mà người Âu - Mỹ ưa chuộng, lại đưa được vào những hoa văn đậm nét Việt Nam. Chính vì vậy, khi được công bố ra thị trường, sản phẩm nội thất mang thương hiệu MÉMO ngay lập tức tạo tiếng vang lớn.

Trịnh Hữu Ngọc – bình dị mà phi thường - Ảnh 4.

Tọa đàm giới thiệu ấn phẩm Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Ngay từ rất sớm, ông Trịnh Hữu Ngọc đã hướng đến tiêu chí sản xuất tốn ít công, tiết kiệm nguyên vật liệu, đảm bảo sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ, đẹp, mà vẫn đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng. Cùng với đó, ông còn chú trọng đến tiêu chí bảo vệ môi trường, khi không khuyến khích dùng hàng tấn gỗ làm tủ che bụi cho vài chục cân quần áo, giấy tờ; dùng hàng tấn gỗ làm bàn ăn bàn viết; dùng hàng tấn gỗ làm sập để nằm. Thực tế, thương hiệu MÉMO từng được đánh giá là có tư duy đi trước cả "người khổng lồ" IKEA (một thương hiệu nổi tiếng thế giới của Thụy Điển, thành lập năm 1943).

Theo TS Trần Hậu Yên Thế, văn hóa vật chất của người Việt Nam dưới con mắt của những học giả nước ngoài bị đánh giá là sơ sài, tuềnh toàng và có phần lạc hậu. Rõ ràng, ngoài những đóng góp lớn cho nền nghệ thuật, Trịnh Hữu Ngọc còn góp công lớn trong việc định hình cung cách sống mới cho người Việt Nam.

Trịnh Hữu Ngọc – bình dị mà phi thường - Ảnh 6.

Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương do Công ty Omega Plus Books và NXB Mỹ thuật ấn hành

Trân trọng trước những di sản mà vị cố họa sỹ này đã để lại cho hậu thế, TS Phạm Long nhận xét rằng chúng đã toát lên tư tưởng cốt lõi của mỹ thuật Đông Dương: sự sự kết hợp tinh hoa truyền thống của Á Đông với nét hiện đại du nhập từ phương Tây.

Phúc Nam

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›