(Thethaovanhoa.vn) - Trò chơi truyền hình (game show) cải lương Trăm năm ánh Việt, với tít phụ là Tinh hoa văn hóa Việt do Truyền thông Khang sản xuất vừa kết thúc vòng sơ tuyển. 20 thí sinh hát hay, diễn giỏi đã được chọn vào vòng quay hình để phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long từ tháng 4/2022.
Vậy là, dù cải lương vẫn chìm trong nhiều khó khăn, không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng vẫn còn nhiều tấm lòng muốn tìm cách gìn giữ bộ môn từng một thời vàng son này, dù cách làm có khác nhau.
Để tạo điều kiện cho các thí sinh ở xa và phù hợp với hoàn cảnh dịch Covid-19, chủ đạo của hồ sơ dự thi là một đoạn phim- quay bằng bất cứ phương tiện gì- thể hiện tài năng hát và diễn cải lương. Các yếu tố phụ như chơi nhạc cụ, vũ đạo, hóa trang, trang phục… cũng được xem xét thêm.
Có lỗ vốn vẫn hạnh phúc
NSƯT Vũ Thành Vinh, ông chủ Công ty Truyền thông Khang, được biết đến là một trong những nhà sản xuất trò chơi thuần Việt rất mát tay. Rất nhiều chương trình do anh viết kịch bản và đạo diễn (không mua định dạng từ nước ngoài) thành công vang dội, trong đó có thể liệt kê như Solo cùng bolero, Cười xuyên Việt… Hiện tại, các sản phẩm giải trí khác của anh đang phát sóng trên kênh VTV, HTV, THVL...
Trong năm 2022, anh đánh dấu một bước ngoặt đặc biệt bằng một trò chơi cải lương được đầu tư mới lạ và hoành tráng. Nói là bước ngoặt, bởi vì cải lương là một loại hình cần phải có sự am hiểu bài bản thì người làm chương trình mới có thể tạo nên một sản phẩm hay, hơn nữa, đầu tư cho cải lương khó thu hút tài trợ và quảng cáo, rất cần sự dũng cảm.
Đạo diễn Vũ Thành Vinh chia sẻ: “Nhiều năm qua tôi không thực hiện một chương trình cải lương nào, vì tôi không am hiểu về nó, nhưng nghe và xem thìthấy rõ cải lương quá đẹp và sâu sắc. Tôi rất buồn vì biết rằng chỉ một số ít ngôi sao cải lương thành danh từ các thập niên trước vẫn còn cơ hội hoạt động hiện nay, phần nhiều ít có dịp được hát trọn tuồng trên sân khấu, phải sống bằng các tiết mụcca lẻ trong sinh nhật, đám cưới, cúng đình. Khi tôi ngồi giám khảo cuộc thi Cười xuyên Việt 2021, một thí sinh là hậu duệ đoàn Huỳnh Long mang một trích đoạn cải lương vào cuộc thi. Rõ ràng trích đoạn ấy không tạo được nhiều tiếng cười, nhưng tại sao bạn ấy vẫn muốn mang đến dự thi, nó khiến tôisuy nghĩ và xúc động rất lớn”.
“Tôi nghĩ mình phải làm gì đó cho cải lương. Thế rồi tôi liên lạc với các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm để bàn bạc, nhờ vậy, tôi hình dung được kịch bản chương trình” - anh kể tiếp - “Theo đó, ở các vòng đầu, thí sinh sẽ thể hiện ca và diễn những bài ca lẻ, sẽ hát cả tân nhạc và cổ nhạc. Khi vào vòng trong, thí sinh sẽ hát các trích đoạn, các bài bảntừ các vở tuồng vang bóng một thời”.
Vũ Thành Vinh nói thêm: “Tôi mời NSƯT Hữu Quốc và NSƯT Quế Trân làm giám khảo chính. Họ sẽ có những nhận xét và góp ý về mặt chuyên môn. Bên cạnh đó, mỗi tập sẽ có những giám khảo khách mời như NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long... Chúng tôi vừa mong muốn thổi vào cuộc thi cải lương này một sắc thái trẻ trung để đánh động sự quan tâm của khán giả trẻ, vừa vẫn muốn giữ được hồn cốt vốn cũ để phục vụ cho khán giả đã am hiểu cải lương. Chúng tôi sẽ đầu tư tối đa về cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, phục trang để khán giả nhìn thấy hết vẻ sang trọng của sân khấu. Nói chung, kinh phí cho cuộc thi này cao hơn rất nhiều so với các chương trình khác, mà lại ít có nhà tài trợ, nhưng tôi thấy vui vì mình đang làm điều gì đó có ý nghĩa một chút. Có lỗ vốn vẫn thấy hạnh phúc”.
Tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ
Trước đây, cải lương vẫn có các cuộc thi và các trò chơitrên truyền thanh - truyền hình, với nhiều mức độ, điển hình có Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng. Các cuộc thi này vẫn còn tiếp diễn, vẫn có sức hút và tạo ra các nhân tố mới. Vài năm trước, Công ty Điền Quân sản xuất trò chơi Đường đến danh ca vọng cổ, khá ấn tượng, nhưng nay đã chấm dứt. Các thí sinh đoạt giải ở các cuộc thi kể trên đều có nhiều cơ hội hơn trong việc làm nghề.
Ngôi sao trẻ Võ Minh Lâm là một trong những bằng chứng cho sự thành công của những bạn trẻ tay ngang mê thích cải lương, muốnbước vào con đường ca hát chuyên nghiệp, thông qua các cuộc thi. Bên cạnh đó, còn nhiều cái tên khác. Họ liên tục được mời hát dưới nhiều hình thức khác nhau,vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa được khán giả biết đến.
Trò chơi truyền hình Trăm năm ánh Việt cũng nằm trong tinh thần này. Thứ nhất, nó tạo ra cầu nối giữa thí sinh với các ông bà bầu cải lương và khán giả, để tạo cơ hội cho nghệ sĩ làm nghề. Thứ hai, với sự đầu tư mạnh từ kịch bản, dàn dựng cho đến trang phục, cảnh trí… sẽ góp phần làm cải lương lung linh và hấp dẫn trong mắt công chúng ngày nay. Điều này sẽ có tác động nhất định đến việc duy trì sức sống cho cải lương.
- 'Màu lạ' từ Chuông vàng Vọng cổ 2019
- ‘Chuông vàng vọng cổ 2015’: Dấu ấn huấn luyện viên
- Chung kết 'Chuông vàng Vọng cổ 2014': Kịch tính đến phút cuối
Một điểm sáng của Trăm năm ánh Việt là chú ý đến việc đào tạo trước và sau chương trình, cho những thí sinh có nhu cầu học hỏi. Vũ Thành Vinh nói rằng, đã có kết nối với những nơi giảng dạy, bồi dưỡng cải lương, nhằm phát triển thêm kỹ năng và tài năng.
Anh khẳng định: “Cuộc thi chỉ là một chất xúc tác, muốn thành công nhiều hơn thì phải có rèn luyện và học tập thêm nữa”.
Hiện tại, sau thành công của mùa Tết Nhâm Dần, các đoàn cải lương nhà nước lẫn tư nhân bắt đầu kế hoạch dựng vở mới và các chương trình mới.Trong số đó, sẽ có sự xuất hiện của các thí sinh đã gây ấn tượng ở Chuông vàng vọng cổ và Đường đến danh ca vọng cổ. Ban tổ chức Trăm năm ánh Việt cũng mong muốn cuộc thi này sẽ đưa các thí sinh đến với những cơ hội tương tự như thế.
Nguyễn Huy
Tags