Cuộc khám phá lăng mộ Vua Tut đã diễn ra cách đây cả 1 thế kỷ, nhưng những bí ẩn và tranh cãi xung quanh nó vẫn khơi gợi trí tò mò của những nhà khảo cổ và Ai Cập học tận tâm nhất.
Ngày 4/11/1922, lăng mộ Vua Tut (Pharaoh Tutankhamun) chính thức được khai quật và cho đến nay vẫn là một trong những khám phá khảo cổ có tiếng vang nhất trong lịch sử hiện đại.
Gần đây, Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập đã trả lời phỏng vấn đài NBC và cho biết các nhà khảo cổ mới phát hiện ra nhiều quan tài, tài liệu giấy cói và hiện vật khác tại di chỉ Saqqara ở Giza, gần thủ đô Cairo.
Vua Tutankhamun (còn được gọi thân quen là Vua Tut) là vị Pharaoh của Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại, trị vì từ năm 1332-1323 TCN. Ông lên ngôi khi mới 9 tuổi và trị vì không dài, trước khi qua đời năm 18 tuổi.
Người ta tin rằng vị vua thiếu niên có một cuộc đời khá khổ sở do dị tật hở hàm ếch, vẹo cột sống và hệ miễn dịch yếu. Theo một nghiên cứu, ông qua đời do bệnh sốt rét và một vết gãy ở chân.
Mặc dù có thời gian ở ngôi không quá dài, “cậu bé Pharaoh” - một biệt danh của giới khảo cổ cho Tutankhamun, lăng mộ của ông lại trở thành một cơn địa chấn với các nhà khảo cổ. Cho đến ngày nay, các quan chức và chuyên gia tại Ai Cập luôn tin rằng, chúng ta mới chỉ khám phá được một phần nào đó của lăng mộ, vì còn rất nhiều bí ẩn đằng sau những khối đá hay các tài liệu giấy cói, di vật để lại.
Khám phá nằm ngoài những giấc mơ hoang dại nhất
Một thế kỷ trước, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter và một nhóm khai quật người Ai Cập đã tìm thấy nơi an nghỉ cuối cùng của “cậu bé Pharaoh”. Các học giả đã nghiên cứu về lăng mộ hoàng gia và chủ nhân của nó kể từ đó. Từ khai quật này, những nét khái quát về cuộc đời và thời đại của Vua Tut đã dần hé lộ.
Tuy nhiên, nhiều bí ẩn vẫn còn đó, bao gồm cả việc Pharaoh trẻ có quan hệ như thế nào với Nữ hoàng Nefertiti (bản thân bà cũng là một chủ đề đáng tranh luận), ảnh hưởng của ông với tư cách là một vị vua hay thậm chí cái chết của ông. Giờ đây, những phát hiện mới đang xuất hiện và được hy vọng có thể bổ khuyết vào những điểm nghi vấn.
Nhưng đồng thời, sẽ có thêm càng nhiều tranh cãi và lý giải khác nhau tiếp tục nổ ra.
Chìa khóa cho khám phá của Tut vốn là sự kiên trì đáng nể. Tính đến ngày 4 tháng 11 năm 1922, Carter và nhóm của ông đã dành 5 năm vô ích để tìm kiếm một ngôi mộ hoàng gia chưa được khám phá ở Thung lũng các vị vua ở Ai Cập.
Niềm tin và kinh nghiệm đương thời nói rằng mọi thứ mà thung lũng có thể chứa đã được tìm thấy. Nhưng Carter quyết định dành toàn bộ mùa thực địa cuối cùng đào xới những căn lều từng là nhà của các thợ xây lăng mộ thời cổ.
“Chúng tôi gần như đã quyết định rằng mình bị đánh bại rồi…”, ông và nhà khảo cổ học Arthur Cruttenden Mace đã viết trong cuốn Khám phá về lăng mộ của Tutankhamun, tường thuật của họ về chuyến thám hiểm.
Ông cũng không tưởng tượng được rằng, những nhát cuốc cuối cùng trong nỗ lực tuyệt vọng của ông và các cộng sự lại dẫn đến một khám phá nằm ngoài cả những giấc mơ hoang dại nhất của họ.
Bên dưới những túp lều đó, nhóm khai quật đã phát hiện ra một bậc thang bị khoét vào đá. Trong vòng vài ngày, họ đã đào được một cầu thang dốc và một lối đi dài khoảng 10m dẫn đến một cánh cửa được bịt kín bằng thạch cao và đóng dấu nghĩa trang hoàng gia.
Carter phải chờ đến khi nhà hảo tâm của nhóm, George Edward Stanhope Molyneux Herbert, bá tước thứ 5 của Carnarvon, người tài trợ cho công việc của cả nhóm đặt chân tới thực địa mới mở cửa. Ngày hôm sau, nhóm nghiên cứu đã đào ra một cầu thang dốc và một cánh cửa được niêm phong bằng thạch cao và đóng dấu tử địa hoàng gia.
Vào ngày 24 tháng 11 năm 1922, cánh cửa được khai mở, để lộ ra một hành lang, tiếp tục là lối đi dài hơn 10m đến một lớp cửa nữa.
Cuối cùng, tới hôm 26/11, Carter đã khoét một lỗ nhỏ trên cánh cửa và cắm một ngọn nến xuyên qua, chiếu ánh sáng đầu tiên vào căn phòng trong gần 3.300 năm tuổi im lìm trong bóng tối.
Cảnh tượng khiến ông không nói nên lời khi đôi mắt đã dần quen với bóng tối. “Các chi tiết của căn phòng từ từ hiện ra sau màn sương mù, những con vật kỳ lạ, những bức tượng và vàng - ở khắp mọi nơi là ánh vàng lấp lánh”, Carter viết trong cuốn sách nói trên, nhớ về khoảnh khắc mình đang đối diện tiền sảnh lăng mộ của Tutankhamun.
Những bí ẩn xoay quanh lăng mộ vị vua trẻ
Carter đã tiếp tục thực hiện một nghiên cứu tỉ mỉ kéo dài hàng thập kỷ về 4 mật thất tạo nên lăng mộ và hơn 5.000 hiện vật bên trong chúng. Nhà Ai Cập học Salima Ikram thuộc Đại học Mỹ ở Cairo nói: “Tôi biết ơn vì chính ông ấy đã tìm thấy ngôi mộ đó. Nếu đó là bất kỳ cá nhân nào khác, chúng ta sẽ còn lại ít di vật hơn” (có lẽ để ám chỉ việc một số nhà khảo cổ thời đó sẽ “trưng dụng” các di vật).
Mặc dù chính Carter đã làm di sản của mình bớt trong sáng bằng cách lấy đi các đồ tạo tác từ lăng mộ cho bộ sưu tập cá nhân của mình, nhưng ông vẫn cẩn thận hơn trong việc ghi chép lại tư liệu về lăng mộ so với một số thợ khai quật khác đang làm việc ở Ai Cập vào thời điểm đó.
Carter đã mời nhiếp ảnh gia khảo cổ học Harry Burton, người đang làm việc với một đoàn thám hiểm do Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York tài trợ, tới chụp ảnh quá trình khai quật lăng mộ, ghi lại chi tiết từng căn phòng trước khi bất kỳ đồ vật nào được chuyển đi.
Mỗi hiện vật được đánh số và vẽ trên bản đồ. Ông Zahi Hawass cho biết Carter “được đào tạo bởi nhà khảo cổ học quan trọng nhất thời bấy giờ, Sir Flinders Petrie”. Các phương pháp của Carter vẫn được các nhà Ai Cập học hiện đại sử dụng để ghi lại các ngôi mộ hoặc các căn phòng khác chứa đầy đồ tạo tác, tất nhiên là có các thay đổi dựa vào tiến bộ công nghệ.
Thông qua tác phẩm của Carter và những người kế nhiệm, một chân dung về Vua Tut và gia đình ông bắt đầu gắn kết lại với nhau. Tutankhamun là con trai của Pharaoh Akhenaten, một người đã “cách mạng hóa” việc thờ tự các vị thần và ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội, kinh tế Ai Cập.
Trước khi cha qua đời vào năm 1336 TCN, Tutankhamun được đặt tên là "Tutankhaten", có nghĩa là "hình ảnh sống của Aten" (Aten là vị thần được Akhenaten tôn thờ). Chuyện về Vua Akhenaten và việc thờ tự vị thần, cũng như thành phố mới của ông cũng là một đề tài ly kỳ.
Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là mối liên hệ của Vua Tut với Hoàng hậu Nefertiti, chính thất của Akhenaten, người thường được miêu tả là có quyền lực ngang bằng với chồng mình. Vai trò đồng cai trị Ai Cập của bà đã khiến bà trở thành đối tượng thu hút sự chú ý của các học giả.
Thời gian trị vì của bà kết thúc như thế nào và sự chuyển đổi sang triều đại của Tutankhamun diễn ra ra sao đều nằm trong sự tò mò của các nhà nghiên cứu. Người ta nghi ngờ rằng bà không phải là mẹ của Tutankhamun, trái lại, Kiya - một phi tần của Vua cha, được cho là đã sinh ra ông.
Các tác phẩm nghệ thuật của Amarna mô tả hoàng gia thường cho thấy Nefertiti với các cô con gái nhưng không có con trai.
Sau cái chết của Akhenaten, một Pharaoh bí ẩn tên là Smenkhkara đã lên ngôi. Danh tính của người cai trị này là một vấn đề đang được tranh luận gay gắt. Một số nhà Ai Cập học suy đoán rằng Smenkhkara có thể là Nefertiti bằng cách sử dụng một cái tên khác, điều này khiến bà trở thành một trong số rất ít phụ nữ một mình cai trị Ai Cập. Ikram nói: “Tôi nghĩ rằng có thể Nefertiti đã cai trị với tư cách là một vị vua”.
Một mảnh gốm mang tên Smenkhkara, được nhóm của Hawass tìm thấy tại một thành phố có tên là “Aten rực rỡ” gần Thung lũng Các vị vua, ủng hộ quan điểm này. Hawass nói: “Đây là một khám phá thực sự lớn vì chúng tôi không biết Smenkhkara là ai. Tôi tin rằng bây giờ Smenkhkara có thể chính là Nefertiti”. Một bức tượng nhỏ mang hình tượng nhà cai trị nữ được tìm thấy trong lăng mộ của Tut củng cố niềm tin của Hawass.
Ông nói, không có gì lạ khi một người cai trị thay đổi tên của họ sau một sự thay đổi lớn về chính trị trong thời gian trị vì của mình. Hawass cho biết một Nữ hoàng khác, Hatshepsut, cũng đã đổi tên để khoác lên mình danh tính của một vị vua nam hơn 100 năm trước Nefertiti.
Smenkhkara chỉ cai trị trong khoảng 4 năm. Sau đó, vào năm 1332 TCN, Tutankhamun lên ngôi khi mới 8 hoặc 9 tuổi để điều hành một quốc gia có nhiều biến động.
Các nhà Ai Cập học đã suy đoán rằng ông là một vị vua bù nhìn bị thao túng bởi những người đàn ông lớn tuổi hơn từng là cố vấn của vua cha: Ay, người sẽ trở thành Pharaoh kế vị Tutankhamun, và Horemheb, tướng quân của Ai Cập và người sẽ kế vị Ay vài năm sau đó, bởi lẽ các thay đổi lớn của ông về tôn giáo và dời đô cũng quá khó để là ý tưởng của riêng vị vua trẻ.
Một số khai phá mới về cuộc đời Vua Tut cũng không thể thành hiện thực nếu thiếu công nghệ phân tích DNA. Các nghiên cứu trước đây về DNA cổ đại thu được từ vua Tut và nhiều thành viên hoàng gia khác đã tiết lộ manh mối về thói quen cận huyết trong gia đình này.
Hiện Hawass vẫn đang tích cực nghiên cứu DNA của 2 xác ướp không xác định được tìm thấy tại Thung lũng Các vị vua. Ông tin rằng đó chính là Nefertiti và Hoàng hậu Ankhesenamun, vợ của Tutankhamun. Hawass dự kiến sẽ có kết quả phân tích ADN vào tháng 12. Nếu xác ướp thuộc về các thành viên trong gia đình Tutankhamun, thì công trình có thể giải quyết một số câu hỏi về mối quan hệ của ông với Nefertiti và các thành viên khác trong triều đại.
Tuy nhiên, bằng chứng DNA có thể không giải quyết được vấn đề. Ikram nói rằng các thế hệ giao phối cận huyết xảy ra giữa các hoàng gia Ai Cập hạn chế các kết luận có thể được rút ra từ nghiên cứu di truyền.
Bất chấp 100 năm nghiên cứu và tiến bộ công nghệ, nhiều câu hỏi về Tutankhamun vẫn còn lửng lơ ngay trước mắt các nhà nghiên cứu - bao gồm nguyên nhân cái chết sớm của ông ở độ tuổi từ 17 đến 20. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất tất cả các giả thuyết giàu trí tưởng tượng cho nó, từ ám sát đến một tai nạn xe ngựa cho đến một cuộc tấn công của hà mã.
Theo Ikram, ảnh chụp CT xác ướp của Vua Tut không đưa ra được câu trả lời chắc chắn. Tuy nhiên, ông đã chết trong khi di sản quan trọng nhất với triều đại ngắn ngủi của Tutankhamun có thể không liên quan gì đến tôn giáo Ai Cập cổ.
Điều quan trọng là, Vua Tut đã trở thành một di sản du lịch không thể thay thế đối với đất nước này dù hơn 3.000 năm đã trôi qua. “Tutankhamun, tôi thề với Chúa, chính là Pharaoh Ai Cập tuyệt vời nhất bởi ông là người đã khiến nền kinh tế đất nước bùng nổ kể từ năm 1922, kể tôi xem bất kỳ vị vua nào khác làm được thế đi” - Ikram kết luận.
Tags