Phút 89 trận Bồ Đào Nha thắng Uruguay, Bruno Fernandes xỏ háng Jose Gimenez khi hậu vệ này nhoài người tranh chấp. Bóng đập vào cánh tay Gimenez đang ở phía sau và hướng xuống đất để chống đỡ cơ thể. Trọng tài Faghani ban đầu không coi đây là quả pen, thậm chí ông còn phạt thẻ Ruben Dias vì lỗi tranh cãi. Nhưng sau khi xem lại video, trọng tài cho Bồ Đào Nha được đá 11 mét.
Đây là một tình huống bị đánh giá quá khắt khe. Hiện tại, FIFA đã loại bỏ tình tiết “Cánh tay chạm bóng để chống đỡ cơ thể khi ngã xuống sẽ không bị coi là lỗi”. Thay vào đó, họ chỉ xét 2 yếu tố: một là cố tình chơi bóng, hai là cánh tay làm cơ thể phình to bất thường, cánh tay không phải hệ quả chuyển động tự nhiên. Áp dụng vào trường hợp Jose Gimenez, trung vệ này đưa tay ra phía sau để chống đỡ cơ thể khi ngã xuống, không nên bị coi là không phải hệ quả chuyển động tự nhiên.
Các chuyên gia phát biểu về tình huống thổi pen cho Bồ Đào Nha
Cựu trọng tài Peter Walton, hiện làm nhà phân tích trọng tài cho chương trình World Cup của kênh ITV ở Anh, cho rằng trọng tài quá khắt khe: “Gimenez không may mắn ở đó khi quả bóng về phía sau của anh ấy.
“Trọng tài ở đó, theo quan điểm chủ quan, nhận định pha bóng đập vào tay là hành vi cố ý. Theo ý kiến của tôi, điều đó quá khắc nghiệt. Luật từng quy định rằng nếu bạn đang dùng cánh tay của mình để ngăn bản thân khỏi bị ngã, thì đó không thể là một hành động cố ý.
“Nhưng điều đó đã bị loại bỏ khỏi luật cách đây một năm hoặc lâu hơn, vì vậy thực sự đây chỉ là quyết định chủ quan của trọng tài. Rõ ràng là nó đã đập vào cánh tay của Gimenez, nó đã ngăn cản chuyển động của bóng và đó là điều mà VAR đã khuyên trọng tài.”
Danh thủ Gary Lineker, vua phá lưới World Cup 1986 chỉ trích gay gắt. “Luật bóng chạm tay hiện nay thật vô lý. Bóng đá đang trải qua một giai đoạn hoàn toàn ngớ ngẩn, say khướt mà chúng ta chỉ có thể hy vọng một ngày nào đó nó sẽ tỉnh lại. Điều này chẳng có ý nghĩa gì ngoại trừ một nhóm những kẻ vô liêm sỉ, quan liêu và tự cao”.
Tags