(Thethaovanhoa.vn) - Tưởng chừng việc thuê trọng tài (TT) ngoại sẽ lái giải đấu về đích an toàn nhưng chỉ đến lượt trận thứ 3 chính thức mời các “vua áo đen” xứ người về V-League làm việc, đã có đội bóng không hài lòng về “vua ngoại”. Đáng lo hơn, đã có một trọng tài ngoại bị bắt vì tiêu cực.
- HLV Quảng Nam chê trọng tài Thái Lan mới bị bắt cầm còi thiếu công tâm
- Trọng tài bằng tuổi Văn Quyết điều khiển trận cầu đinh vòng 26 V-League 2017
- HLV Lê Thụy Hải đề cao bầu Hiển, trọng tài nghi bán độ Thái Lan được khen
Cú đánh vào niềm tin “hàng ngoại”
Lượt trận áp chót V-League 2017, mới chỉ là vòng đấu thứ 3 xuất hiện bóng dáng TT ngoại. BTC rất kỳ vọng “vua ngoại” sẽ đảm bảo sự công bằng tối đa cho các đội bóng đang đua tranh danh hiệu quyết liệt. Thời điểm hiện tại vô cùng nhạy cảm, kết quả các trận đấu sẽ quyết định đến vài chục tỷ đồng bỏ ra của các ông bầu. Không nhiều CLB cam phận trắng tay với núi tiền và công sức của họ ròng rã cả năm trời. Và nhân giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam vừa phát động, nó còn có thể quyết định danh hiệu cá nhân lớn trong sự nghiệp nhiều cầu thủ.
Trình độ TT ngoại được mời sang điều hành V-League phải nói thẳng chưa tạo khác biệt so với TT nội. Điển hình như trong trận FLC Thanh Hóa gặp Sanna Khánh Hòa BVN, HLV Võ Đình Tân chỉ đích danh TT ngoại đã khiến đội bóng của ông mất đi kết quả có lợi, vì quả 11m oan nghiệt. “thuê TT ngoại như ông Suhaizi Bin Shukri chỉ tổ tốn tiền”, ông Tân bức xúc như thế, vì có thể sau thất bại trên xứ Thanh, có thể Sanna Khánh Hòa BVN sẽ không đạt được mục tiêu có huy chương V-League 2017.
Trùng hợp hơn nữa, vài ngày sau phát biểu của HLV họ Võ, TT Pummarin Khamruen của Thái Lan điều hành trận Hà Nội – Quảng Nam đã bị bắt tại Thái Lan. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và tướng Chakthip Chaijinda xác nhận bắt 12 người liên quan đến các hành vi mua bán độ ở giải quốc nội và khẳng định ông Khamruen có chứng cứ phạm tội. V-League lại có dịp lao đao vì TT, nhưng lần này là hàng “ngoại” hẳn hoi. Không biết các “vua áo đen” nội có được an ủi khi nghe tin đồng nghiệp ngoại quốc như thế, nhưng chắc chắn VPF đang rùng mình với những người mình đặt trọn niềm tin. So về mức độ hiệu quả khi chỉ lần thứ 3 được mời, trọng tài ngoại đã có vấn đề, như thế mới có lý do để chia sẻ với TT nội.
Cần mời TT thực sự đẳng cấp
Sự cố liên quan đến TT ngoại, Ban trọng tài và VFF không thể đứng ngoài cuộc. Dù phủ nhận chuyện mời trực tiếp ông Pummarin Khamruen sang điều hành V-League mà lý do được FAT tiến cử, có cảm giác Ban trọng tài vẫn điều hành đội ngũ dưới trướng kiểu phó mặc cho thiên định.
Mùa giải năm nay, Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi rất phấn khởi khi đội ngũ của mình được cựu TT hàng đầu Nhật Bản Okada Mashayoshi từng bắt chính World Cup đến giảng dạy. Những tưởng tình hình sẽ được cải thiện thì đến cuối mùa, thông tin thiếu hụt TT từ năm tới được đăng tải. Lý do V-League đã thanh lọc đi quá nhiều “vua áo đen” không đủ năng lực, còn khâu đào tạo thì không đáp ứng nổi.
Sai sót TT nội lặp đi lặp lại nên thuê TT ngoại là hợp lý. Động thái này như để giải cứu niềm tin khi các CLB không còn muốn hợp tác với nhiều TT nội. Chỉ cần gắn mác “ngoại”, các CLB sẽ yên tâm mà đá hơn thay vì như ông Nguyễn Văn Mùi từng tuyên bố: “các CLB còn không tin họ thì hỏi làm sao mà họ tin TT”. Tuy nhiên, câu chuyện phó mặc nhờ TT nước bạn lại là vấn đề hoàn toàn khác. Thông qua những sự cố vừa nêu, có lý do thắc mắc tại sao VFF không mời những TT đẳng cấp đến từ những nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc mà chỉ đánh tiếng hỏi những quốc gia cùng khu vực. TT Jumpei đã khiến V-League thán phục khi bắt trận FLC Thanh Hóa hòa Hà Nội 3-3, nhưng 2 vòng đấu thuê TT ngoại sau đó, VFF chỉ mời các TT của Malaysia và Thái Lan. Chỉ đề cập sơ qua về đẳng cấp nền bóng đá cũng nói lên chất lượng TT.
Mà, bóng đá Đông Nam Á vốn bị coi là “ổ tiêu cực”. Ban trọng tài cần cẩn trọng, tốt nhất là mời các TT đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có sự trong sạch lẫn trình độ giải chuyên nghiệp được ghi nhận.
Thuê “vua ngoại” không đến nỗi đắt đỏ Khoảng 2.000 USD là số tiền thấp nhất bỏ ra để thuê một trọng tài Nhật Bản về Việt Nam điều hành một trận đấu, đây là chi phí thuộc dạng thấp nhất khi đơn vị mời có quan hệ thân thiết với Hiệp hội bóng đá Nhật Bản – JFA. Số tiền này gấp hơn 4 lần chi phí bỏ ra cho một trọng tài nội bắt chính một trận đấu. Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi từng tiết lộ là không cao. “Cụ thể, một trọng tài ngoại sang điều khiển 1 trận đấu tại V-League, ngoài chi phí ăn ở và đi lại, sẽ được chấm 4 ngày công, một ngày công tương đương 100 USD. Nhìn chung, việc đàm phán mời trọng tài ngoại cũng không phải là khó khăn gì, mà chủ yếu thời gian đó họ có rảnh rỗi hay không”, ông Mùi nói. Nhưng tốn kém nhất với trọng tài ngoại chính là tiền vé máy bay và thỏa thuận bồi dưỡng riêng cho họ. Trong khi đó, chi phí để thuê các trọng tài khu vực rẻ hơn hẳn các trọng tài Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ tính riêng tiền vé máy bay, BTC đã đỡ tốn kém hơn rất nhiều. |
Việt Hà
Tags