Đã năm thứ 2, V-League sử dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (Video Assistant Referee - VAR). Đấy là bước ngoặt về kỹ thuật song nếu tự thân trọng tài không "nâng cấp" bản thân thì VAR cũng khó phát huy giá trị.
Công tác trọng tài trongnhiều năm qua vẫn là một trong những khâu gây tranh cãi nhất ở V-League. Đội ngũ "cầm cân nảy mực" nhiều lúc không nhận được niềm tin từ phía các đội bóng. Niềm tin không phải về chuyên môn mà là tư tưởng. Chính vì thế, BTC giải đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thuê trọng tài ngoại về điều hành. Đấy là nỗi đau, là điều phi lý, bởi chất lượng trọng tài ngoại được đánh giá không hơn nội. Sự khác biệt là các đội bóng tin trọng tài ngoại hơn theo kiểu "bụt chùa nhà không thiêng".
Trong bối cảnh đó, công nghệ VAR đã được đưa vào áp dụng để các đội bóng và trọng tài có thểbắt nhịp, quen với các quy định trong công tác điều hành của một trận đấu có VAR. Cần nhận thấy rằng, đây là nỗ lực của BTC để nâng cao chất lượng của V-League.
Có VAR, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sai lầm của trọng tài, mang lại công bằng cho các đội bóng và niềm tin của người hâm mộ. Hơn nữa, khi bóng đá Việt Nam đang hướng đến những mục tiêu cao hơn trong quá trình hội nhập quốc tế thì áp dụng VAR là tất yếu.
Dù chưa thật sự trơn tru từ ngày vận hành nhưng không thể phủ nhận VAR đã hạn chế được các tranh cãi và sai sót của trọng tài. Khi có VAR, các tình huống ảnh hưởng đến diễn biến trận đấu đều được can thiệp triệt để, mang lại sự an tâm cho người hâm mộ. Nhưng giả sử, V-League không có VAR, câu chuyện đã khác đi rất nhiều bởi đã có những trận đấu, dù "soi" tình huống rất kỹ qua màn hình, trọng tài vẫn đưa ra những quyết định không chính xác.
Xưa nay, việc các đội luôn có phản ứng thái quá, cố ý đổ lỗi trách nhiệm với đội ngũ trọng tài là thường xuyên xảy ra. Đấy là hành vi thiếu chuyên nghiệp. Dù thế, Ban Trọng tài nhiều lần nương tay với sai sót nghiêm trọng của "quân" mình, bất chấp hậu quả mà các CLB lãnh phải, tạo nên mối quan hệ căng thẳng giữa 2 phía. Nói cách khác, các CLB không tin tưởng sai sót của trọng tài là do kỹ thuật, do thiếu trình độ, mà xuất phát từ tư tưởng thiếu trong sáng. Hiện nay, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có chế tài đủ mạnh đối với vi phạm trong công tác trọng tài; chưa có sự giám sát chặt chẽ quy trình phân công nhiệm vụ cho trọng tài, quy trình mổ băng phân định đúng - sai; chưa có sự công minh ở các mức độ kỷ luật, để giúp họ miễn nhiễm với tiêu cực.
Cũng cần lưu ý, VAR không thể thay thế con người, tức trọng tài. Nếu họ không chuyên nghiệp, "cái đầu" chưa thông thì rất có thể VAR lại phản tác dụng. Có nghĩa, tư tưởng các trọng tài đóng vai trò quyết định. Nếu đội ngũ "cầm cân nảy mực" chưa thực sự công bằng và có trách nhiệm thì VAR cũng không giải quyết được phần gốc. Ai giám sát đội ngũ điều hành công nghệ VAR, giám sát những cái đầu trọng tài, đấy là câu hỏi khó giải mã. Bởi vậy, nên triệt tiêu ngay tư tưởng: Ỷ lại vào VAR và tội vạ đâu đã có VAR chịu!
Vậy nên, thiết nghĩ nếu VFF, VPF không có chế tài đủ mạnh với lực lượng trọng tài, không siết chặt công tác quản lý, buộc họ thượng tôn luật bóng đá, e rằng công nghệ VAR cũng chưa đủ.
Tags