- Bị nói 'giàu đến mấy cũng phải ăn mì tôm thôi', Chủ tịch Hoàng Nam Tiến lên tiếng đính chính: Sự thật là gì?
- Chuyên gia: Ăn cà kiểu này chẳng khác gì 'nạp' độc tố vào người
- Bác sĩ trầm cảm nói về những bạn trẻ thấy “cô độc” dù có nhiều người xung quanh: “Cùng một vấn đề, dễ với mình nhưng lại khó với người khác”
Ngã ngửa vì những tiệm bánh ngọt được quảng cáo "không đường", "không tinh bột" với giá bán cao ngất
Mới đây, phóng sự "Ngã ngửa khi biết sự thật về những tiệm bánh "không đường" của VTV24 sau khi được phát sóng đã khiến dư luận xôn xao bàn tán. Theo đó, một tiệm bánh nổi tiếng ở Hà Nội và một loạt các tiệm bánh ngọt bán các loại bánh giảm cân chạy theo xu hướng cực hấp dẫn đã bị vạch trần trục lợi từ nhu cầu ăn kiêng của người tiêu dùng.
Theo phản ánh từ VTV, nhiều đơn vị bán các sản phẩm gắn mác "không đường" nhưng thực chất là "có đường", không chỉ khiến người dùng chẳng giảm được cân, mà còn gây hại cho người bị bệnh tiểu đường, mang thai…
Bằng những lời quảng cáo có cánh: Nào là ăn kiêng Keto, low-carb… rồi tự tung ra hàng loạt các con số chứng minh chỉ tiêu thử nghiệm của các loại bánh thì nhiều người đã tin tưởng ăn bánh mà không thể ngờ rằng mình đã bị lừa.
Cũng theo nguồn thông tin trên, kết quả kiểm nghiệm cùng lúc 2 hộp bánh có hình thức tương tự mua từ 2 điểm bán khác nhau do một khách hàng cung cấp cho thấy tinh bột của 2 hộp bánh này khá giống nhau và không hề giống như... con số tiệm tự công bố là không phát hiện đường. Đáng nói, giá thành của những chiếc bánh ngọt được dán nhãn "không đường" này đắt gấp gần 5 lần so với những chiếc bánh bình thường khác (290 nghìn đồng so với 40 nghìn đồng).
Thông tin một tiệm bánh nổi tiếng ở Hà Nội bán các loại bánh giảm cân chạy theo xu hướng cực hấp dẫn bị vạch trần lừa đảo khiến nhiều người hoang mang.
Cũng từ sau khi phóng sự này được phát sóng thì hàng loạt người tiêu dùng cũng đã lên tiếng vạch trần chiêu trò kinh doanh "tàn ác" coi thường sức khỏe của người tiêu dùng khi quảng cáo "bánh an toàn cho người tiểu đường, thai kỳ" và ngang nhiên bán bánh cho người bị bệnh. Theo đó chị L.B vốn có tiền sử bị tiểu đường và bác sĩ yêu cầu ăn kiêng tuyệt đối. Tuy nhiên sau khi đặt mua bánh từ một tiệm bánh ăn kiêng với giá không hề rẻ, chị L.B ăn thì cảm quan không đúng với bánh ăn kiêng mà chị thường ăn. Sau khi nghi ngờ, chị có đem test qua dung dịch thì sản phẩm của cửa hàng đó không hề đúng như quảng cáo và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chị.
Bánh không đường - một cụm từ thu hút với những người béo phì, tiểu đường, mang thai… nhưng lại đam mê đồ ngọt. Xu hướng lựa chọn thực phẩm không đường ngày càng phổ biến, bởi ngày nay, nhiều người sẵn sàng đầu tư cho sức khỏe. Bởi với họ, đầu tư cho sức khỏe là một sự lựa chọn thông minh, bảo vệ sức khỏe tốt hơn chữa bệnh. Họ sẵn sàng chi tiền gấp 7-8 lần để trả cho những chiếc bánh mà họ cho rằng là "an toàn với sức khỏe của mình". Thế nhưng cuối cùng kết quả lại là tiền mất và sức khỏe lại bị đe dọa nghiêm trọng.
Tin tưởng bánh không đường rồi vô tư ăn, kết quả tiêu thụ quá nhiều đường - nguy hiểm thế nào?
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, đường là một loại carb xuất hiện trong nhiều thực phẩm. Bổ sung quá nhiều đường mỗi ngày có thể kéo theo nhiều hệ luỵ như gây tăng cân, sâu răng, tăng nguy cơ mắc bệnh gan, tiểu đường, tim mạch, luôn thèm ăn ngọt, có thể gây ra căng thẳng, trầm cảm...
Đối với người trưởng thành, không mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá đường hay thừa cân, béo phì... lượng đường đơn chỉ nạp vào cơ thể không quá 5% tổng năng lượng mỗi ngày. Trung bình, một người trưởng thành cần 2000 calo mỗi ngày. Như vậy, lượng đường đơn theo quy định chỉ được chiếm dưới 10%, tương đương 200 calo.
Chuyên gia đưa ví dụ, một lon nước ngọt 300ml chiếm khoảng 150 calo. Nếu chỉ uống 1 lon nước như vậy thì đã gần đủ nhu cầu đường đơn trong ngày. Tuy nhiên, một ngày bạn còn nạp vào cơ thể một lượng lớn đường từ nhiều thực phẩm ăn vào. Nếu bổ sung thêm 1 lon nước ngọt chắc chắn sẽ khiến lượng đường vượt quá ngưỡng cho phép.
Đó là đối với người trưởng thành, khoẻ mạnh bình thường, đường vốn không nên bổ sung tuỳ tiện. Nhiều nhóm người khác có bệnh lý đặc biệt chắc chắn nhu cầu ăn đường còn phải giảm hơn nữa. Nếu bạn không biết những chiếc bánh được quảng cáo láo "không đường" thực chất chứa nhiều đường ra sao mà cứ vô tư ăn vào thì hậu quả thực sự khó lường.
Theo NHS, ăn thực phẩm nhiều đường dẫn đến dư thừa calo, gây tăng cân. Trong khi người thừa cân, béo phì đã có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, một số bệnh ung thư và bệnh tiểu đường type 2. Vô hình chung, ăn bánh ngọt khi đang bị béo phì càng làm gia tăng hơn nữa nguy cơ bệnh tật. Ở những người đã mắc bệnh mãn tính, tình trạng sẽ ngày càng trở nên khó lường hơn.
Phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tiểu đường tiêu thụ đường quá mức cho phép đáng sợ thế nào?
Ăn bánh không đường thực chất là bánh có đường 100% là điều quá đáng sợ với người béo phì, đang mang thai, mắc bệnh tiểu đường... bởi nó khiến cho người ăn không kiểm soát được lượng đường mình tiêu thụ. Từ đó dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.
Theo BS Tạ Việt Cường (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), ăn quá nhiều đồ ngọt trong thời gian mang thai, lượng đường trong máu của chị em sẽ tăng cao. Khi đó, lượng đường trong máu thai nhi cũng tăng lên. Cơ thể con sẽ tự tăng tiết insulin, dễ dẫn đến những biến chứng trong lúc sinh nở. Trẻ đối mặt nguy cơ sinh non. Với riêng mẹ bầu rất dễ bị béo phì, tăng cân và nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Còn với người mắc bệnh tiểu đường, nếu không kiểm soát được lượng đường trong máu sẽ dễ gặp nhiều biến chứng như suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, cắt bỏ bàn chân... ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) nhận định, người mắc bệnh tiểu đường cần kiêng đồ ngọt, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, mứt, nước ngọt, nước có gas...
Ngay cả ăn bánh đúng chuẩn không đường cũng cần lưu ý
Các chuyên gia cho rằng, đúng là các loại bánh không đường có thể coi là phù hợp hơn cho bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ mang thai, người thừa cân, béo phì... miễn là các thành phần được sử dụng thay thế đường tốt cho sức khoẻ. Và tất nhiên, không thêm đường, dù ở dạng nào. Các chất thay thế đường như stevia, xylitol, erythritol và acesulfame-K được coi là an toàn và thường được sử dụng trong các loại bánh không đường.
Tuy nhiên, đừng bao giờ sử dụng với tâm thế ăn vào bao nhiêu cũng được. Theo FDA, chất làm ngọt nhân tạo, chất thay thế đường có thể an toàn với người khoẻ mạnh, phụ nữ mang thai nhưng phải đảm bảo với lượng hạn chế. Đối với người thừa cân béo phì, bệnh nhân tiểu đường muốn dùng phải có khuyến cáo của bác sĩ. Ngoài ra, đối với các nhóm người sau vẫn không nên sử dụng:
- Nếu bạn đang sống chung với bệnh di truyền hiếm gặp như phenylketone niệu.Thực phẩm và đồ uống có aspartame có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Nếu bạn bị bệnh đường ruột. Sử dụng chất thay thế đường có thể làm cho các triệu chứng của bạn bùng phát.
- Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ nói rằng người lớn không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi ăn chất thay thế đường. Nhìn chung, các chuyên gia cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài mà các chất thay thế đường có thể gây ra đối với trẻ em. Hầu hết các nghiên cứu đã xem xét các tác động ở người lớn.
Có lẽ đã đến lúc dừng lại những hiểu lầm không đáng có về bánh không đường. HLV Phạm Hoàng Vũ (làm việc tại Đà Nẵng) cho biết, cách giảm cân lành mạnh, hiệu quả nhất là thay đổi thói quen sống.
Nếu bạn đang ăn vặt kém lành mạnh hãy chuyển sang ăn trái cây tự nhiên. Thay các phương pháp hay chế độ ăn không rõ nguồn gốc trên mạng sang ăn cơm ngày 2-3 bữa với đủ thịt, cá, rau, trứng... Thay vì lướt tiktok, facebook, bạn nên hoạt động thể chất 30 phút mỗi ngày.
"Ngoài ra, bạn cũng nên tránh những loại "thực phẩm chức năng" được quảng cáo như: detox giảm cân, bánh tăng/nhỏ eo, viên đốt mỡ...", HLV Phạm Hoàng Vũ nói. Đừng bao giờ ảo tưởng vào những cụm từ lừa đảo như vậy, tương tự như "bánh không đường" thực chất là bánh có đường được mua với giá cắt cổ ở một tiệm bánh nổi tiếng tại Hà Nội hiện nay.
Tags