Năm 1953, nghệ sĩ người Pháp Francoise Gilot đã từ bỏ Pablo Picasso, người đồng hành trong 10 năm của bà, cha của 2 con bà và là gã khổng lồ của thế giới nghệ thuật châu Âu. Để làm vậy, đòi hỏi phải rất can đảm.
Theo lời kể của Gilot, Picasso là người đàn ông thất thường đã kết hôn 2 lần và có một chuỗi các mối quan hệ rắc rối trong chuyện tình cảm, thậm chí không ngại ngoại tình. Ông đã cố gắng phá hoại sự nghiệp nghệ thuật của bà và nói với bà rằng: "Không ai dám bỏ một người đàn ông như tôi".
Như một nghệ sĩ
Nhưng dù thế nào thì Francoise Gilot cũng đã làm điều đó: Bà được cho là người duy nhất trong số những người đàn bà của Picasso dám rời bỏ ông. Sau này bà đã viết một cuốn sách về cuộc sống chung giữa họ - điều mà Picasso đã nhiều lần cố gắng gạt bỏ.
Joanne Snrech, người phụ trách tranh tại Bảo tàng Picasso ở Paris, cho biết: Bởi sự tức giận của Picasso đối với bà và vì sau đó bà chuyển đến Mỹ, những tác phẩm của Gilot "có sự hiện diện rất hạn chế trong các bộ sưu tập công cộng của Pháp".
Giờ đây, Bảo tàng Picasso đang hướng tới mục tiêu thay đổi điều đó. Tổ chức này vừa công bố bộ sưu tập mới vào thứ Ba vừa qua, trong đó, có một căn phòng dành riêng cho tác phẩm của Gilot. Đây là bộ sưu tập đầu tiên của bà ở Pháp.
Chuyên gia Snrech cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần qua rằng mục tiêu của bộ sưu tập là giới thiệu Gilot như một nghệ sĩ đúng nghĩa, chứ không chỉ với tư cách là người đồng hành với Picasso.
"Thật hết sức điên rồ khi bà chỉ được biết đến là người đồng hành của Picasso và là mẹ của các con mình, mặc dù bà đã có sự nghiệp nghệ thuật kéo dài nhiều năm" - Snrech nói.
Căn phòng (dù không được bố trí cố định trong bảo tàng nhưng dự kiến sẽ kéo dài cuộc trưng bày ít nhất cho đến cuối năm nay) sẽ treo 10 bức tranh của Gilot. Hai bức nữa được trưng bày trong một căn phòng khác gắn với thời Picasso ở Vallauris - miền nam nước Pháp, nơi ông và Gilot sống. Các tác phẩm sẽ cung cấp cái nhìn về sự nghiệp nghệ thuật của Gilot trong nhiều thập kỷ, bao gồm cả mối liên hệ chặt chẽ của bà với nhóm nghệ thuật trừu tượng đương đại Pháp Réalités Nouvelles.
Tọa lạc tại phòng 17, trên tầng ba của bảo tàng, căn phòng cũng sẽ bao gồm phần giới thiệu về cuốn hồi ký bán rất chạy năm 1964 của Gilot, trong đó tiết lộ cái nhìn không hề hoa mỹ về mối quan hệ của bà với Picasso. Và rất đáng chú ý, căn phòng sẽ không trưng bày những bức tranh hoặc ảnh Picasso vẽ và chụp bà trong tư cách một "nàng thơ" của mình. Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Picasso nhìn nhận Gilot theo cách bình đẳng như vậy.
Theo Snrech, cuộc triển lãm mới này được tổ chức khi sự quan tâm về Gilot của khán giả đang đang dâng cao. Bà vừa qua đời ở New York vào năm ngoái, hưởng thọ tuổi 101. Bên cạnh đó, các bảo tàng trên khắp thế giới cũng đang từng bước xem xét lại những tác phẩm thường bị đánh giá thấp của nhiều nữ nghệ sĩ.
"Sư tử ghép đôi với sư tử"
Sau Picasso, Gilot kết hôn với Jonas Salk - nhà nghiên cứu người Mỹ đầu tiên phát triển vắc xin bại liệt một cách an toàn. Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi làm thế nào bà lại tới được với 2 người đàn ông vĩ đại bậc nhất thế giới, Gilot đáp: "Sư tử ghép đôi với sư tử".
Mối quan hệ với Picasso
Francoise Gilot gặp Picasso tại một quán rượu ở Paris vào năm 1943. Ông hơn bà 40 tuổi và khi đó đã có danh tiếng lừng lẫy trong giới nghệ thuật. Còn bà chỉ là là một họa sĩ 21 tuổi vừa chân ướt chân ráo rời khỏi nhà của bố mẹ. Không ngạc nhiên khi bà bị ông "mê hoặc", như sau này bà nói với tạp chí Paris Match.
Lúc đầu, bà giữ khoảng cách với Picasso. Ông "xâm chiếm và thống trị" còn bà lại coi trọng "sự tự do" của mình. Nhưng cuối cùng, cặp đôi đã hình thành một mối quan hệ kéo dài khoảng một thập kỷ. Họ có hai người con là Claude (qua đời năm ngoái) và Paloma.
Nhưng mối quan hệ của Gilot và Picasso đầy hỗn loạn. Gilot từng miêu tả rằng bà đã phải vật lộn như thế nào để đưa họa sĩ ra khỏi giường vào buổi sáng, khi ông đang có tâm trạng u sầu. "Tôi chỉ hạnh phúc với ông ấy trong 3 năm đầu tiên, khi chúng tôi không sống cùng nhau" - bà tiết lộ.
Năm 1953, Gilot rời bỏ Picasso và chuyển đến Paris, rồi sau đó là Mỹ. "Câu chuyện không thể cứu vãn được nữa, đối với các con tôi và cả với tôi" - bà nói - "Sau khi Picasso bước sang tuổi 70, ông ấy luôn hung hăng và khó chịu. Còn tôi cũng đã thay đổi và không còn là người luôn biết hòa giải như trước".
Gilot cho biết, Picasso đã tìm cách trả thù bằng cách phá hoại sự nghiệp nghệ thuật bà, thuyết phục một số phòng trưng bày không triển lãm hoặc bán tranh của bà. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2012, Gilot cho biết ở Picasso "có những khía cạnh rất tàn bạo, dù ông ấy cũng không cố gắng tiêu diệt tôi".
Nhưng cuối cùng, Gilot vẫn "trở lại với hội họa một cách rụt rè, chọn phong cách tối giản trái ngược với phong cách của ông ấy". Bà sau đó có sự nghiệp mỹ thuật nổi bật ở Mỹ, với tác phẩm được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại.
Tác phẩm của Gilot gắn với định dạng và nguyên tắc nghệ thuật khác nhau. Mặc dù đã nhiều lần thay đổi phong cách, bà luôn phát triển tình yêu với màu sắc và sử dụng màu sắc một cách thoải mái trong tác phẩm của mình. Bà quan tâm đến thần thoại Hy Lạp và có những suy nghĩ khá sâu sắc. "Bà ấy là một trí thức thực sự" - theo Snrech.
Năm 1964, Gilot xuất bản Life With Picasso (Cuộc sống với Picasso), một cuốn hồi ký được viết cùng nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ Carlton Lake. Picasso đã 3 lần khởi kiện để ngăn chặn việc phát hành nó. Dù vậy, mọi nỗ lực của ông đã thất bại và cuốn sách rất thành công về mặt thương mại. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là Gilot "bị gạt bỏ và bị cấm tham gia vào môi trường văn hóa, nghệ thuật của Pháp".
"Ông ấy đã phá hủy tất cả những cây cầu kết nối tôi với quá khứ mà tôi từng chia sẻ với ông ấy. Nhưng khi làm như vậy, ông ấy buộc tôi phải khám phá bản thân và học cách tự sống sót. Tôi sẽ không bao giờ ngừng biết ơn ông ấy vì điều đó" - Gilot viết trong cuốn hồi ký.
Snrech hy vọng, sau 60 năm, việc khai trương căn phòng dành riêng cho họa sĩ Gilot, ngay bên trong Bảo tàng Picasso, sẽ giúp thay đổi nhiều cái nhìn về quá khứ. Mặc dù việc lên kế hoạch cho căn phòng đã bắt đầu từ trước khi Gilot qua đời nhưng nữ nghệ sĩ không tham gia vì tuổi già sức yếu. Snrech cho biết Bảo tàng Picasso đã làm việc với 2 con của Gilot để biến kế hoạch thành hiện thực.
Tuy nhiên, những bức tranh được các nhà sưu tập tư nhân mượn cuối cùng sẽ phải được trả lại. Thực tế, bảo tàng không sở hữu bất kỳ tác phẩm nào của Gilot.
Đôi nét về Francoise Gilot
Francoise Gaime Gilot (1921 - 2023) sinh ra tại Neuilly-sur-Seine, Pháp. Bố bà là doanh nhân, còn mẹ là nghệ sĩ màu nước. Bà có nguyện vọng trở thành họa sĩ từ năm 5 tuổi. Muốn con được giáo dục tốt như mình, bố Gilot đã rèn giũa, cho bà học ở những trường tốt nhất. Dù đã có bằng cử nhân triết và tiếng Anh, nhưng khi đang theo học luật, Gilot cuối cùng quyết tâm từ bỏ tất cả để cống hiến cho nghệ thuật. Bà có triển lãm đầu tiên ở Pháp vào năm 1943.
Sau khi xuất bản cuốn hồi ký của mình và gây ra sự náo động ở Pháp, Gilot về cơ bản buộc phải rời khỏi đất nước, định cư ở Mỹ vào năm 1970. Trong khoảng thời gian này, bà gặp nhà khoa học người Mỹ Jonas Salk. Họ kết hôn từ năm 1970 cho đến khi ông qua đời vào năm 1995.
Gilot có sự nghiệp thành đạt, đặc biệt về màu nước và gốm sứ. Đi sâu vào lĩnh vực thần thoại, biểu tượng và sức mạnh của ký ức, tác phẩm của Gilot khám phá những ý tưởng triết học phức tạp một cách tự nhiên và tự do. Tranh của bà được trưng bày ở hơn chục bảo tàng hàng đầu thế giới.
Không lâu trước khi bà qua đời vào tháng 6 năm ngoái, một bức tranh của Gilot - người vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật cho đến những tháng cuối đời - đã được bán với giá 1,3 triệu USD tại Sotheby's vào năm 2021.
Tags