Trong nhiều năm qua, Trung Quốc có thói quen chọn những phim kinh phí lớn do các đạo diễn nổi tiếng của đại lục dự Oscar. Đó là Trương Nghệ Mưu với 7 phim được chọn, Phùng Tiểu Cương và Trần Khải Ca mỗi người 3 phim.
Châm ngòi tranh cãi lớn
Nhưng các phim từ Trung Quốc đại lục chưa bao giờ chiến thắng. Từ năm 1979, năm đầu tiên tham gia hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Trung Quốc đại lục chỉ 2 lần có phim được đưa vào danh sách đề cử cuối cùng, gồm 5 phim.
Trong lịch sử giải Oscar đã từng có một phim tiếng Hoa thắng giải. Nhưng đó là Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An người Đài Loan, không phải của đại lục.
Năm nay, với The Nightingale, Trung Quốc đã có một thay đổi bước ngoặt. Bộ phim của đạo diễn Philippe Muyl nói tiếng Quan thoại, kể về cuộc hành trình khó khăn của một cô bé và người ông của cô đến vùng nông thôn Trung Quốc. Lựa chọn này, được đưa gần sát thời hạn chót 1/10, đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn ở Trung Quốc.
Zou Jianwen, một nhà báo lâu năm về điện ảnh người Trung Quốc, cho rằng lựa chọn này thể hiện một thái độ hiện đại và cởi mở hơn từ nhà quản lý Trung Quốc. Nó cho thấy họ không ngại chọn một sản phẩm hợp tác với nước ngoài để đại diện cho đất nước của mình ở giải thưởng điện ảnh danh giá.
Nhưng có những người nhận định trái ngược. Họ cho rằng nhà quản lý Trung Quốc chọn The Nightingale chỉ vì không muốn đưa đến Oscar các phim do đạo diễn trong nước làm, với cái nhìn u ám về lịch sử và xã hội. Stanley Rosen, một chuyên gia về điện ảnh Trung Quốc, nhận định: “Phim được chọn cần đạt đồng thuận cao, nên các phim nghệ thuật đề cập đến quá nhiều mặt tối sẽ không được chấp thuận”.
Nhưng khi The Nightingale được chọn, người sốc nhất lại là đạo diễn Philippe Muyl. “Thật là một bất ngờ lớn và đẹp đẽ” – ông nói khi đi quảng bá cho bộ phim nhân dịp ra mắt ở đại lục tuần trước. Cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc, đơn vị chọn bộ phim dự Oscar, đã không công bố lý do vì sao họ "chấm" The Nightingale.
Trương Nghệ Mưu cũng "ra rìa"
Tờ Los Angeles Times cho biết để được chọn, The Nightingale đã vượt qua các đối thủ khác như Coming Home của Trương Nghệ Mưu và phim hình sự Black Coal, Thin Ice của Điêu Diệc Nam.
Cũng có thông tin nói rằng La Peikang, chủ tịch hãng China Film Group, người có tác động đáng kể đến việc The Nightingale được lựa chọn, từng sống ở Pháp 9 năm.
“Tôi nghĩ một lý do để phim của chúng tôi được chọn là cốt truyện của nó dễ hiểu đối với khán giả nước ngoài, trong khi nhiều phim Trung Quốc lại khó hiểu. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn muốn cổ vũ cho các bộ phim hợp tác quốc tế” – nhà sản xuất Ning Ning của The Nightingale nói.
2 phim đã bị loại ở trên cũng là những tác phẩm điện ảnh đáng chú ý của Trung Quốc trong năm nay. Coming Home của Trương Nghệ Mưu từng được chiếu nhưng không tranh giải tại LHP Cannes. Black Coal, Thin Ice giành một số giải thưởng tại LHP Berlin, gồm giải Gấu Vàng danh giá. Việc phim này không dự Oscar là điều khá đáng tiếc.
Trước đây, Trung Quốc từng bỏ qua một trường hợp đáng chú ý khác là A Touch Of Sin của đạo diễn Giả Chương Kha. Bộ phim từng bị cấm chiếu ở Trung Quốc hồi năm 2013, nhưng lại được giới phê bình quốc tế đánh giá cao.
Nhà phê bình A.O. Scott của New York Times cho rằng A Touch Of Sin xứng đáng được đề cử Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc, chứ không chỉ là Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Về The Nightingale, phim được đánh giá là “chạm nhẹ vào một vài vấn đề xã hội Trung Quốc đương đại, gồm sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất, khó khăn trong hôn nhân và mâu thuẫn giữa các thế hệ”.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags