Trong gần 20 năm qua, sự kiện Airshow China, đã luôn là sân khấu để Trung Quốc phô ra đủ loại máy bay được sản xuất trong nước.
Đối thủ bí ẩn của máy bay tàng hình Mỹ
Năm nay, nhân vật chính là J-31, chiếc máy bay tàng hình từng được tờ Nhân dân Nhật báo đánh giá sẽ "lấy đi ánh hào quang khỏi những chiếc F-35" của Mỹ. Trong ngày 11/11, Reuters cho biết chiếc máy bay này đã có màn trình diễn trên không trước các khán giả, nhưng không được mang ra trưng bày sau khi kết thúc màn diễn. Khách chỉ có thể ngắm mô hình J-31 và chứng kiến thêm 2 màn trình diễn nữa của chiếc máy bay trong tuần này.
Có thể thấy rằng thông qua việc khoe J-31, Trung Quốc đang sốt ruột muốn cho thế giới thấy ngành công nghiệp vũ khí của họ đã tiến xa tới đâu. Hiện nay mới chỉ có Mỹ là nước duy nhất đưa vào trang bị máy bay chiến đấu với tính năng tàng hình (những chiếc F-22 Raptor). Lockheed Martin của Mỹ cũng là công ty duy nhất xuất khẩu thành công máy bay tàng hình F-35.
Hội chợ Airshow China, vì thế, được đánh giá là "bữa tiệc lớn của J-31". John Stillion, nhà nghiên cứu ở Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách ở Washington nhận xét: "Màn phô diễn (của J-31) càng tham vọng thì người Trung Quốc đã càng ở gần với việc chế tạo thành công". Ông cũng cho rằng phô diễn khả năng của máy bay, khiến nó thực hiện các động tác khó là cách dễ nhất để gây chú ý, làm tăng nhu cầu mua chiếc máy bay đó.
Chưa rõ liệu việc giới thiệu J-31 ở Airshow China có làm tăng thị phần của Trung Quốc trong hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu hay không. Ngoài ra người ta cũng chưa rõ có phải J-31 dành cho xuất khẩu hay không.
Giới chuyên gia thi nhau "soi" nhược điểm
Tuy nhiên sau khi xem xét các bức ảnh và video được báo chí Trung Quốc đăng tải, các chuyên gia nước ngoài nói rằng vẫn còn nhiều dấu hỏi vây quanh sự phát triển của J-31. Đó là còn bao lâu nữa trước khi chiếc máy bay này đi vào phục vụ? Động cơ của máy bay do Trung Quốc sản xuất hay nhập khẩu từ Nga? Liệu khả năng của nó có bằng với những chiếc F-35 của Mỹ không và liệu nó có rẻ hơn không?
Theo Richard A. Bitzinger, một nhà nghiên cứu ở trường S. Rajaratnam tại Singapore, vài nhược điểm đã thể hiện rõ ở vẻ bề ngoài của J-31. Ví dụ J-31 có tới 2 động cơ. "Theo truyền thống, Trung Quốc thích (máy bay) dùng nhiều động vì các động cơ của họ không đủ mạnh. Tuy nhiên đây (việc có nhiều động cơ) là tín hiệu báo động" - ông nói.
Để so sánh, những chiếc máy bay tàng hình F-22 của Lockheed Martin cũng có 2 động cơ, nhưng chúng rất mạnh, tới mức giúp chiếc máy bay có tốc độ hành trình siêu âm mà không cần dùng chế độ đốt hậu gây tốn nhiên liệu.
Robert M. Farley, một nhà nghiên cứu ngoại giao ở Đại học Kentucky nói rằng nhược điểm về động cơ đã hạn chế tham vọng hàng không, không gian của Trung Quốc. Ví dụ như chiếc máy bay vận tải Y-20 được giới thiệu ở Airshow China, dù có tiếng do Trung Quốc chế tạo nhưng vẫn phải dùng động cơ do Nga sản xuất.
“Vấn đề với các động cơ của Trung Quốc là chúng rất không ổn định" - Farley nói - "Các động cơ cần phải có sai số chế tạo rất nhỏ. Ngay cả những lỗi nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới tình trạng cháy động cơ".
Chất lượng chế tạo cũng có thể làm giảm hấp lực lớn nhất của J-31 là tính năng tàng hình. Theo Farley, chất lượng chế tạo kém có thể gây ra tình trạng "một con ốc tuột khỏi vị trí của nó và làm lộ dấu vết của chiếc máy bay tàng hình" trên màn hình rađa đối phương.
"Liệu máy bay của Trung Quốc có tàng hình như một chiếc máy bay phương Tây. Chúng ta không thể biết rõ điều này trong vòng 5 hoặc 10 năm tới" - ông nói.
Sẽ chỉ bán được với giá rẻ
Farley đánh giá rằng nếu J-31 hoạt động đúng như quảng cáo, nó sẽ thu hút được người mua. Tuy nhiên các khách hàng cũng chỉ "xì" tiền ra nếu J-31 được bán dưới giá của những đối thủ như F-35. Mỗi chiếc F-35 hiện có giá từ 150 triệu USD tới hơn 300 triệu USD tùy mẫu.
“Theo tôi, mức giá từ 75 triệu USD hoặc cao lắm là dưới 100 triệu USD, sẽ khiến chiếc máy bay trở nên hấp dẫn” - Farley nói - "Dĩ nhiên Pakistan sẽ mua rất nhiều chiếc máy bay này. Vài nước Mỹ Latin đang thay đổi không quân và họ cũng sẽ cân nhắc. Tại Trung Đông, có nhiều nước thất vọng với Mỹ và vũ khí của Mỹ. Một chiếc máy bay tàng hình giá rẻ hơn của Trung Quốc sẽ bán tốt tại những nơi này”.
Áp lực và lợi ích chính trị cũng ảnh hưởng tới việc ai sẽ mua hàng của Trung Quốc. "Các quốc gia có quan hệ tồi với phương Tây như Iran sẽ buộc phải xem xét J-31 do có ít sự lựa chọn" - Robert C Michelson, nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Georgia nhận xét. Tuy nhiên giống như Farley, ông cho rằng các máy bay của Trung Quốc vẫn sẽ chỉ bán được nếu có giá rẻ.
Michelson cũng nói rằng Trung Quốc sẽ khoe khoang rất mạnh về J-31, do họ tự hào khi phát triển được các vũ khí công nghệ cao như máy bay tàng hình. "Tại Chu Hải, người ta sẽ đưa ra các tuyên bố hoành tráng về khả năng của J-31" - ông nói - "Nhưng cho tới khi được kiểm tra cụ thể, tuyên bố vẫn chỉ là tuyên bố mà thôi".
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri), cho tới năm ngoái Trung Quốc đã vượt qua Pháp để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Nga và Đức. Mặc dù Trung Quốc chuyên bán súng nhỏ và đạn dược, nước này đang dần tìm cách bán các vũ khí công nghệ cao như hệ thống tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng, trực thăng và tàu chiến. Từ năm 2009 tới năm 2013, các khách hàng lớn nhất mua vũ khí Trung Quốc gồm có Pakistan, Bangladesh và Myanmar. |
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags