(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà khoa học tại tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, vừa phát triển một loại robot mềm, mô phỏng sinh học, nhằm giúp công tác thám hiểm dưới biển sâu dễ dàng và thân thiện hơn với môi trường. Nghiên cứu do Đại học Chiết Giang và Phòng thí nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu Chiết Giang phối hợp tiến hành được công bố trên tạp chí Nature ngày 4/3.
Nhóm nghiên cứu cho biết robot có hình dạng giống loài cá này có thể chịu được áp suất cao khi lặn xuống biển, nhờ cách bố trí các bộ phận điện tử phân tán bên trong cơ thể có dạng gel, một thiết kế được lấy cảm hứng từ loài cá sư tử.
Theo nhóm nghiên cứu, so với các công cụ thám hiểm đại dương truyền thống, thường được trang bị "áo giáp", loại robot mềm này nhẹ và có cấu trúc đơn giản, có thể giảm đáng kể khó khăn và chi phí của quá trình thám hiểm.
Hơn nữa, với động cơ là "bó cơ nhân tạo" thay vì một thiết bị điện hoặc motor, robot không phát ra tiếng ồn và hạn chế thiệt hại gây ra cho các sinh vật biển khi sử dụng các vây để bơi.
- NASA chính thức khởi động sứ mệnh thám hiểm mặt trăng của Sao Mộc
- Mỹ và Trung Quốc hợp tác thám hiểm Mặt Trăng
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thực tế robot tại rãnh Mariana ở độ sâu 10.900m hồi năm 2019. Robot cũng đã hoàn thành hành trình bơi tự do ở độ sâu 3.224 m tại Biển Đông vào năm ngoái.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch ứng dụng các công nghệ chủ chốt của loại robot này để chế tạo tàu lặn, cũng như phát triển các thiết bị thu nhỏ với nhiều tính năng như giao tiếp và tìm kiếm dưới đáy đại dương.
Minh Tuấn - TTXVN
Tags