Lần đầu tiên, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục cho một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt, đó là họa sĩ Trung Tadashi, với tác phẩm Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình (NXB Tổng hợp TP.HCM). Sách song ngữ Anh - Việt này viết về nghệ thuật xăm hình, mang đậm bản sắc văn hóa Á Đông, với thông tin lý thú, bổ ích.
Vào lúc 9h00 ngày 12/4, tại Capella Gallery Hall (TP.HCM), sẽ diễn ra lễ trao kỷ lục và ra mắt sách Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình của Trung Tadashi, hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Con đường đến với loại hình xăm nghệ thuật của họa sĩ Trung Tadashi (Trần Nhật Trung) khá đặc biệt. Ngay từ nhỏ, nhờ có má, dì và cậu đều có năng khiếu… thiết kế thời trang, nên từ lớp 1, cậu bé Trung đã tập tành làm theo. Đến năm 2011, khi qua Nhật Bản xuất khẩu lao động, cứ tưởng nghề điện tử gắn chíp sẽ quên mất đi nghề… vẽ. Ai ngờ, trong một lần ngồi xem một bộ phim nước ngoài nói về những người làm hình xăm nghệ thuật, quá khứ cũ bỗng ùa về. Trở lại Việt Nam, anh quyết định mượn tiền gia đình mua máy, mời anh em bạn hữu đến làm người mẫu miễn phí để rèn luyện tay nghề.
Vì có ba mẹ nuôi người Nhật Bản, nên Trần Nhật Trung chọn cho mình nghệ danh là Trung Tadashi. Cũng vì yêu quý đất nước mặt trời mọc, nên các thể loại hình xăm của xứ Phù Tang như samurai, geisha, cá koi, hannya, hoa anh đào, hạc trắng... và những hình tượng trong văn hóa Á đông nói chung được nghệ sĩ Trung Tadashi say sưa khám phá.
Khởi nguồn từ tập tục xưa của người Việt
Theo họa sĩ Trung Tadashi: "Người nghệ sĩ xăm hình và người thợ xăm hình cùng làm một công việc giống nhau, thế nhưng linh hồn của tác phẩm thì luôn khác nhau. Vì thế đừng chỉ nghĩ "trăm hay không bằng tay quen" là đủ. Hãy rèn luyện tâm hồn để trở thành một nghệ sĩ, cái tâm ảnh hưởng đôi mắt, đôi mắt ảnh hưởng đôi tay, đôi tay tạo thành tác phẩm. Tác phẩm đó sẽ mang linh hồn của người sáng tạo, thể hiện phong cách riêng của người nghệ sĩ".
Trung Tadashi nói thêm: "Xăm hình khởi nguồn từ tập tục đánh bắt cá cổ xưa của người Việt. Lúc này nước Việt cổ có tên là Văn Lang".
"Vào thời bấy giờ, người dân đánh bắt cá dưới nước thường bị giao long quấy phá. Vua Hùng lúc ấy nói rằng, nếu chúng ta hóa trang thành rồng dưới nước sẽ khiến chúng ta trông giống như con cháu của Long Vương, khiến giao long không còn gây trở ngại cho chúng ta. Nhà vua ra lệnh cho người dân lấy màu xăm vào người, hóa trang cơ thể giống như loài rồng dưới nước để thuận lợi cho việc đánh cá. Cũng từ đó, người dân khi đánh cá không bị quấy rối nữa".
Trung Tadashi nói tiếp: "Nối tiếp tục lệ của người Việt cổ, tục lệ xăm mình tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào thời Lý - Trần. Đặc biệt vào thời đại nhà Trần, từ vua, quan cho đến thần dân ai cũng thích xăm hình. Những người trong hoàng tộc, người phục vụ cung đình đều phải xăm hình lên cơ thể và đó được xem như là một luật lệ ai cũng phải thi hành. Với các di tích khảo cổ còn sót lại, như các bức tượng người chạm khắc nhiều hoa văn, với hình rồng và chim lạc. Tập tục này đã thể hiện sự yêu thích của người thời đó với nghệ thuật xăm hình, xem đó như là một phần nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt".
Và không chỉ riêng ở nước ta, nhiều chứng tích trên thế giới chứng minh tục lệ xăm mình khởi nguồn từ xa xưa. Tục lệ xăm mình xuất hiện từ thời kỳ đồ đá mới, khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên.
Còn tại Nhật Bản, chiến binh samurai cũng là hình tượng riêng vì văn hóa Nhật Bản đề cao tinh thần bất khuất của các samurai, còn gọi là tinh thần võ sĩ đạo - bushido. Hình tượng samurai cũng tượng trưng cho tinh thần dân tộc, một dân tộc kiên cường trên một đất nước nhỏ bé, nên các hình xăm samurai được các quý ông trên khắp thế giới ưa chuộng, nó thể hiện sự mạnh mẽ của thể chất lẫn trong linh hồn của họ.
Với sự đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ, Trung Tadashi đã tạo ra nhiều tác phẩm rồng với rất nhiều hình thái khác nhau, phù hợp với tính cách của từng chủ nhân. Đặc biệt các tác phẩm này đều thực hiện bằng kỹ thuật freehand - vẽ tay trực tiếp lên da của khách hàng, ôm trọn các khối cơ trên cơ thể để mô tả được ngoại hình sống động của rồng.
Ngoài xăm rồng sở trường và các tác phẩm phong thủy tứ linh mang đậm phong cách Á đông như phượng hoàng, lân, rùa, thì đặc biệt cá chép, cá koi cũng là những hình xăm nghệ thuật mang nhiều dấu ấn cá nhân đặc sắc của Trung Tadashi.
Nghệ sĩ Trung Tadashi tiết lộ: "Cá chép hóa rồng được mô tả trong các tác phẩm nghệ thuật của tôi với hình dáng linh vật đầu rồng, thân cá. Hình xăm cá chép sở dĩ được rất nhiều người yêu thích bởi ý nghĩa phong thủy đặc biệt: tài năng, nỗ lực và thêm một chút may mắn để tạo nên những kỳ tích".
"Chưa kể hình Quan Công cũng được mọi người yêu thích. Ông là hiện thân của một vị dũng tướng can trường, trung thực, trung thành. Để khắc họa được hình ảnh và thần thái của ông, tác phẩm phải thể hiện được sự uy lực dũng mãnh, kiên cường. Hình xăm Tôn Ngộ Không phải thể hiện được sự khỏe mạnh nhanh nhẹn, sự vô tư, và khí phách oai hùng của một chiến binh có bản tính ngang tàng, khôn ngoan và ngay thẳng. Hình xăm Võ Tòng đả hổ nhất định phải thể hiện được rõ khí phách và sức mạnh vô song của vị anh hùng này.
Tự hào đưa nghệ thuật xăm hình ra thế giới
Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2012, Trung Tadashi bắt đầu gặt hái những thành công đầu tiên trong sự nghiệp tại Vietnam Tattoo Convention 2013 với: Giải Nhất giải châu Á hình xăm trắng đen nhỏ; Giải Nhì giải châu Á hình xăm màu lớn; Giải Ba giải châu Á hình xăm trắng đen.
Năm 2014, Trung Tadashi là thành viên Ban giám khảo cuộc thi Vietnam Tattoo Convention 2014. Năm 2015, Trung Tadashi tham gia lễ hội Nordic Ink Festival (Đan Mạch), nhận giải thưởng Bes Tattoo of the day - Sunday 2. Price. Tháng 8/2018, anh đến Đan Mạch và tham dự lễ hội xăm hình Nordic Ink Festival và lại thắng lớn cả 4 giải thưởng.
Năm 2022, Trung Tadashi tiếp tục làm rạng danh người Việt, giành 5 chiến thắng ở lễ hội xăm hình tại Mỹ, với giải thưởng cao nhất là Best in Show, dành cho tác phẩm Trung Tadashi với hình xăm full hai bên ngực về chủ đề châu Á: Rồng - hổ và vị thiền sư.
Cho đến bây giờ Trung Tadashi vẫn không quên được giây phút đăng quang khi đó: "Các bạn quốc tế vỗ tay, đến chúc mừng khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào mình là người Việt Nam. Mình đã mang nghệ thuật truyền thống nước nhà là hình xăm nghệ thuật ấn tượng, đậm bản sắc Á đông ra đấu trường thế giới và cũng là người châu Á duy nhất đoạt giải".
Đọc tác phẩm mới và xem những tác phẩm như "làm xiếc" với xăm hình nghệ thuật của Trung Tadashi, nhà thơ Lê Minh Quốc quá… ngỡ ngàng. Ông nói: "Theo Lĩnh Nam chích quái, ngay từ thời Hùng Vương, người Việt đã có tục xăm mình. Đến đời vua Trần Anh Tông, cụ thể vào tháng 8/1290, tục này mới bãi bỏ, là do bản thân nhà vua không xăm nữa, chi tiết này Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ. Tính từ thời vua Trần Anh Tông đến nay đã hơn 700 năm, nghệ thuật xăm mình của người Việt đã "đứt đoạn", không còn là một dòng chảy xuyên suốt có tính cách bắt buộc, vậy "tay nghề" ắt mai một chăng?".
Nhưng khi đọc sách của Trung Tadashi, Lê Minh Quốc mới giật mình nhận ra không phải thế. Ông chia sẻ: "Ngoài phần khảo luận, dẫn chứng, phân tích công phu qua nhiều tài liệu thuyết phục, thì tác phẩm của anh được giới thiệu trong sách, với tôi là những bức tranh nghệ thuật toàn bích. Từ màu sắc đến đường nét phối hợp hài hòa, hợp lý, đã tạo ra sự mê hoặc rất đỗi lạ lùng và quyến rũ".
Đón nhận bằng xác lập kỷ lục của VietKings, Trung Tadashi xúc động: "Tôi vô cùng hạnh phúc vì những sáng tạo nghệ thuật bằng sự tự học và khổ luyện đã được công nhận và mong sẽ được tạo thêm nhiều điều kiện để bản thân có cơ hội giúp đỡ, đào tạo những tài năng kế cận có cùng niềm đam mê xăm hình nghệ thuật, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy vốn tinh hoa văn hóa truyền thống quá tuyệt và độc đáo của dân tộc mình".
Độc đáo, không rập khuôn
"Trung Tadashi có khả năng sáng tạo nghệ thuật mang phong cách riêng độc đáo, không rập khuôn và thể hiện tính cá nhân trong từng tác phẩm mới. Xem tác phẩm xăm của Trung Tadashi, mọi người dường như bị mê hoặc bởi sự tài hoa trong cách anh tỉ mỉ, tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ, rất khó thực hiện được" - Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) Lê Trần Trường An nhận xét.
Tags