(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp "sóng gió", việc thu phí của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang dần khả quan qua các năm.
- Thứ trưởng Vương Duy Biên ủng hộ công cụ giám sát bản quyền âm nhạc
- Lo lắng về vấn đề bản quyền, nhiều tác giả Việt gác bút?
- Những bất cập trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc
- Bản quyền âm nhạc khi sử dụng ti vi: Luật sư đúng hay VCPMC đúng?
Sáng 26/01, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (viết tắt VCPMC) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017.
Trong năm 2017, VCPMC đã thu được tổng cộng hơn 83 tỷ đồng phí sử dụng tác phẩm âm nhạc trong nhiều lĩnh vực: truyền thông, biểu diễn, file-midi, phát thanh truyền hình, dịch vụ kinh doanh,... Riêng lĩnh vực khách sạn, resort và cao ốc văn phòng mới được Trung tâm đề xuất và gây bão trong năm qua, VCPMC thu được hơn 4 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền Trung tâm tiến hành phân phối, chi trả cho các tác giả trong và ngoài nước là hơn 60 tỷ đồng (sau khi trích hành chính phí) trên tổng số tiền nhập liệu phân phối là hơn 78 tỷ đồng.
Nhìn chung, mặc dù đạt được kết quả khả quan nhưng công tác thực thi quyền tác giả trong năm qua vẫn gặp phải vô vàn khó khăn. Nhiều cá nhân, đơn vị có nhận thức chưa đúng đắn nên không hợp tác hoặc cố tình né tránh.
Phát biểu tại hội nghị, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ví công tác đàm phán thu phí tác quyền trong nhiều lĩnh vực giống như một "cuộc rượt đuổi", "mèo vờn chuột".
Cụ thể, lĩnh vực biểu diễn nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại các đơn vị cố tình giở chiêu trò dể chây ỳ, né tránh.
"Có những bên thành lập công ty, tổ chức show diễn xong thì xóa luôn công ty để lập cái mới. Luật sư của chúng tôi liên hệ thì địa chỉ liên lạc cũng không còn nữa", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.
Cũng theo ông Đinh Trung Cẩn, có hiện tượng một số kênh truyền hình kĩ thuật số, truyền hình cáp thu phí dịch vụ từ người dân cao hơn lấy lý do nộp phí bản quyền, nhưng thực chất là chưa hề nộp.
"Cứ đàm phán thì họ lại nói đổi người, phải đàm phán lại từ đầu. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi, đến lần sau khi gần thành công rồi họ lại đổi người", ông nói.
Riêng về công tác cấp phép, thu tiền tại một số tỉnh bị chậm tiến độ do những phản ứng thiếu tích cực từ các khách sạn tại Đà Nẵng và một số quán cà phê tại Hà Nội trong năm 2017, sang năm tới Trung tâm sẽ tiếp tục kết nối, phối hợp với cơ quan quản lý ở từng địa phương để triển khai tiếp.
Các trường hợp vi phạm trên mạng xã hội cũng được Trung tâm rà soát, kiểm tra và xử lý. VCPMC đang gần đạt được một thỏa thuận với Youtube để phát hiện và xử lý vi phạm trên nền tảng này.
Trong tương lai, VCPMC sẽ tiếp tục giám sát những ứng dụng nghe nhạc trên thiết bị thông minh, yêu cầu các đơn vị trả tiền sử dụng nhạc theo quy định, thậm chí yêu cầu Google, Apple gỡ bỏ nếu không thực hiện hoặc không xác định được chủ sở hữu.
Đông Hà
Tags