Trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh: ‘Có bác Bá Thanh thứ hai, bóng đá Đà Nẵng mới trở lại hoàng kim’

Chủ nhật, 23/10/2016 05:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 20 năm thi đấu cho bóng đá Đà Nẵng từ các tuyến trẻ lên đội 1, ngày chia tay với đội bóng quê hương là cả những nỗi niềm với trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh.

Với anh, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh như “tượng đài sống” và khi chứng kiến bóng đá quê nhà mất dần tính địa phương, nỗi nhớ bác Thanh lại dâng trào ở trung vệ này.

“Có bác Thanh, bóng đá Đà Nẵng sẽ không mất đi tính địa phương”

Cảm giác của anh như thế nào khi chia tay SHB Đà Nẵng sau hơn 20 năm gắn bó?

- Hơn 20 năm là quãng thời gian dài, gần nửa đời người rồi. Thật buồn và tiếc khi không được giải nghệ ở Đà Nẵng, làm lại những gì và cống hiến trọn đời cho bóng đá Đà Nẵng. Tuy nhiên, cuộc hội ngộ nào cũng phải có buổi chia ly và dù muốn hay không thì tôi cũng phải chấp nhận thực tế đó.

Trong hơn 20 năm chơi bóng cho Đà Nẵng, kỷ niệm nào với anh đáng nhớ nhất?

- Đó là chức vô địch V-League 2009. Thời điểm mà người dân Đà Nẵng rất cuồng nhiệt với bóng đá. Họ ủng hộ hết mình và luôn đồng hành với đội bóng. Đó cũng là chức vô địch V-League đầu tiên của bóng đá Đà Nẵng.


Phước Vĩnh (6) không thể kết thúc sự nghiệp ở Đà Nẵng - Ảnh: VSI

Sau chừng đó thời gian thi đấu cho SHB Đà Nẵng, điều gì khiến anh hài lòng và điều gì khiến anh tiếc nuối nhất?

- Tôi đã đóng góp cho bóng đá Đà Nẵng những thành tích, cố gắng làm hết sức mình để cống hiến cho bóng đá thành phố. Tôi xin cảm ơn lãnh đạo, đội bóng cùng toàn thể người hâm mộ, đặc biệt tôi muốn gửi lời cảm ơn đến bác Nguyễn Bá Thanh đã tạo điều kiện cho tôi rất nhiều để có được ngày hôm nay.

Điều tiếc nuối nhất là tôi không thể cống hiến trọn đời cho Đà Nẵng bởi lẽ tôi vẫn còn sức để chơi thêm 1, 2 năm nữa. Tính tới thời điểm hiện tại, tôi cũng đã có 13 năm chơi bóng ở V-League và nếu treo giày ở nơi mình gắn bó gần như suốt sự nghiệp cầu thủ thì sẽ mỹ mãn hơn.

Anh vừa nói về ông Nguyễn Bá Thanh với một vai trò đặc biệt?

- Để nói về bác Thanh thì nói cả mấy ngày cũng không hết. Đó là một vị lãnh đạo tuyệt vời, chưa có ai làm được như bác ấy. Bác ấy luôn chăm lo chu đáo cho đội bóng, từ các lứa trẻ cho đến đội 1 mặc dù chú ấy bận trăm công nghìn việc, đã định hướng và xây dựng bóng đá Đà Nẵng thành một đội bóng mạnh không chỉ ở đội 1 mà còn cả hệ thống đào tạo trẻ.

Riêng bản thân tôi, những thời điểm khó khăn nhất, bác đã cưu mang, tâm sự, trò chuyện, kể cả gặp riêng để giúp tôi vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất. Rất tiếc khi bác ra đi quá sớm. Chỉ mong có một ai đó học hỏi như chú Bá Thanh để vực lại đội bóng

Nếu bóng đá Đà Nẵng còn ông Nguyễn Bá Thanh thì anh nghĩ như thế nào?

- Nếu bác Bá Thanh vẫn còn sống thì chắc chắn chú sẽ tìm mọi cách để chú trọng đào tạo bóng đá trẻ nhằm kế thừa, tiếp bước các thế hệ trước đây mà không phải đi mua các cầu thủ từ địa phương khác để đánh mất đi bản sắc địa phương.  

Anh có nghĩ bóng đá Đà Nẵng sẽ có một vị lãnh đạo như ông Nguyễn Bá Thanh?

- Điều này rất khó. Sau khi bác Thanh ra đi, việc có một người kế thừa bác là rất quan trọng. Tuy nhiên vẫn chưa có ai thật sự có thể tiếp bước bác ấy. Tìm một người như bác Bá Thanh rất khó, đòi hỏi phải yêu bóng đá thật sự, phải đam mê mới làm được điều này. Để theo dõi từng bước nhỏ như thế thì rất hiếm một lãnh đạo nào có thể làm được.

“Mong khán giả vẫn sát cánh cùng SHB Đà Nẵng”

Rất nhiều cầu thủ gốc Đà Nẵng không tiếp tục gắn bó với đội bóng ở mùa giải sắp tới. Phải chăng SHB Đà Nẵng đang mất đi bản sắc địa phương?

- Với những gì xảy ra hiện tại, tôi nghĩ bóng đá Đà Nẵng sẽ mất hơn nữa tính bản sắc địa phương vì tuyến trẻ đang mới khôi phục và mất một thời gian nữa mới cung cấp cho đội 1. Khoảng 2, 3 năm gần đây, bóng đá trẻ Đà Nẵng có sự đi xuống nhất định.

Trong khi cũng khoảng thời gian trên, tính địa phương ở Đà Nẵng sẽ mất dần khi nhiều cầu thủ gốc ở đây sẽ hết hợp đồng và câu chuyện gắn bó với đội bóng quê hương cũng là bài toán khó.

Với một đội bóng mang nặng tính địa phương như SHB Đà Nẵng thì đó là nỗi buồn và thất bại?

- Có một sự thật phải nhìn nhận là bóng đá Đà Nẵng đã hết người kế thừa bóng đá trẻ. Đó là một nỗi buồn nhưng phải chấp nhận. Điều cần thiết bây giờ là phải làm lại từ đầu, chấp nhận mất một vài năm để khôi phục lại. Nếu cứ tiếp diễn như thế này thì rất khó để chiếm lòng tin nơi người hâm mộ khi tính địa phương không còn nữa.

Bên cạnh sự chia tay của một số cầu thủ như anh, Quốc Anh, Nguyên Sa,… những người mang tính biểu tượng của đội bóng. Một biểu tượng khác cũng rất có thể chia tay với SHB Đà Nẵng là SVĐ Chi Lăng. Để khán giả đón nhận khi SHB Đà Nẵng thi đấu ở sân Hòa Xuân thì cần phải làm gì?

Trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh: 'Bố Hải là người đáng quý trọng'

Trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh: 'Bố Hải là người đáng quý trọng'

Từng là học trò cưng của HLV Lê Thụy Hải, trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh được ông Hải “lơ” chỉ dạy nhiều điều. Trước cuộc tái ngộ với người thầy cũ trên sân Chi Lăng, đội trưởng SHB. Đà Nẵng đã có những trải lòng khá thú vị về ông Hải.

- Cho dù bóng đá Đà Nẵng đang gặp những khó khăn thì khán giả cũng đừng hoang mang vì điều đó. Tôi mong khán giả vẫn tới sân để cổ vũ. Thời buổi bóng đá chuyên nghiệp thì chuyện đó cũng khó tránh khỏi. Miễn sao người địa phương khác đến nhưng họ vẫn làm tốt, cống hiến cho bóng đá Đà Nẵng thì cần trân trọng và ủng hộ. Những lúc khó khăn thì sự ủng hộ của khán giả sẽ là liều thuốc tinh thần vô giá để đội bóng vực dậy và trở lại thời kỳ hoàng kim.

Chia tay bóng đá Đà Nẵng, anh muốn nhắn gửi gì đến người hâm mộ cũng như đội bóng quê hương?

- Cho dù đội bóng không còn nhiều tính địa phương thì tôi mong muốn khán giả luôn đồng hành cùng đội. Tôi cũng mong muốn SHB Đà Nẵng đào tạo ra thật nhiều tài năng để người hâm mộ cảm thấy tự hào, tin tưởng khi gửi gắm tình yêu cho đội bóng.

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

Châu Lê Phước Vĩnh là cầu thủ hiếm hoi ở V-League có quãng thời gian hơn 20 năm cống hiến cho một đội bóng. Trong suốt thời gian đó, anh đã cùng bóng đá Đà Nẵng giành hầu hết các danh hiệu lớn nhỏ từ cấp độ đội trẻ đến đội 1. Trong đó, đáng kể nhất là hai chức vô địch V-League vào các năm 2009 và 2012.


Trần Khánh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›