Quãng đường di chuyển thử nghiệm và thực tế có khác biệt ngày càng tăng như doanh số xe điện.
"GIẤC MỘNG" VỠ TAN
Anh Bryan Nakagawa ở Mỹ đã mua một chiếc xe điện Audi e-tron hồi năm 2018. Chiếc xe để lại cho anh rất nhiều ấn tượng, nào là thiết kế nội thất, trải nghiệm lái, không gian rộng rãi và tính bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những ấn tượng tốt này tan ngay vào mây khói khi anh di chuyển khoảng 110km/h.
Nói về trải nghiệm khi đi trên cao tốc, anh cho biết: "Tôi thậm chí còn chưa đi được một dặm [1 dặm bằng khoảng 1,6km] mà quãng đường di chuyển dự kiến đã tụt mất 3. [Lái xe điện] lúc nào cũng khiến tôi lo lắng".
Tháng 1 vừa rồi, anh đã bán chiếc xe thuần điện của Đức này, mua một chiếc Jeep Grand Cherokee 4xe - một chiếc xe lai điện. Với chiếc Jeep này, anh có khoảng 40km di chuyển thuần điện, đủ để chạy loanh quanh trong phố, và có cả động cơ xăng để dùng trong những chuyến đi xa, tốc độ cao.
Jeep Grand Cherokee 4xe có thể đi được 644km với pin và bình xăng đầy.
Trên toàn cầu, cơn sốt xe điện vẫn chưa giảm nhiệt, nhưng xe điện thì đang kém hơn nhiều so với kỳ vọng ở một phần rất quan trọng: Di chuyển trên cao tốc - điều gây lo ngại nhất khi sử dụng xe điện, và cũng là rào cản cao nhất để trở nên phù hợp với đại chúng.
Những người như anh Bryan Nagakawa đã nhận thấy một điểm yếu khó chấp nhận của xe điện: Tốc độ cao là khắc tinh của cự ly di chuyển. Nhưng biết trách ai bây giờ? Trách định luật vật lý, trách cơ quan kiểm định, hay trách cả hai?
Khi mua xe điện, khách hàng nào cũng rất quan tâm đến quãng đường có thể di chuyển được mỗi lần sạc, có khi quan tâm nhiều hơn cả mức tiêu hao nhiên liệu trên những xe sử dụng động cơ đốt trong.
Bên trong phòng thử nghiệm xe của EPA. Ảnh: Jacob Hamilton / MLive.com
Tại Mỹ, người dùng đánh giá cao con số do Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA (Environmental Protection Agency) công bố. Con số của cơ quan này dựa trên 2 bài kiểm tra: (1) Giả lập chạy cao tốc và (2) giả lập chạy trong đô thị. Trong các phần giả lập chạy trong đô thị, cơ quan này tăng thêm khoảng 55% khối lượng cho chiếc xe.
Tuy nhiên, không bài thử nào của EPA cho chiếc xe vượt 60 dặm một giờ (tương đương khoảng 96km/h) - con số không phù hợp với hầu hết cao tốc liên bang tại Mỹ; có khoảng 20 bang giới hạn tốc độ trên cao tốc là 120km/h. Do đó, kết quả của EPA cũng không phản ánh chính xác tình huống sử dụng thực tế.
Một chuyên gia tại đơn vị chuyên nghiên cứu người tiêu dùng Consumer Reports, ông Jake Fisher, cho biết: "Kết quả của EPA tương đối chính xác nếu bạn duy trì vận tốc khoảng 100km/h. Nhưng không phải ai cũng đi như vậy".
XE ĐIỆN LÀ ĐỂ ĐI PHỐ
Kết quả thử nghiệm và thực tế có sai lệch lớn là bởi xe điện hiệu quả hơn khi đi trong thành phố. Nhờ có phanh tái sinh sạc pin khi xe giảm tốc hoặc phanh, xe điện thường thể hiện tốt hơn khi di chuyển trong phố. Nếu đặt trong một tình huống đi phố thích hợp, xe điện đôi khi còn đạt kết quả tốt hơn cả con số EPA đưa ra.
Nhưng khi di chuyển trên đường trường, kỹ sư thiết kế xe điện không làm được gì nhiều để vượt qua trở ngại vật lý - cản gió. Càng đi nhanh, sức cản gió càng lớn, tức là xe điện sẽ cần sử dụng nhiều điện hơn. So với việc di chuyển ở vận tốc 55 dặm mỗi giờ (khoảng 88km/h), di chuyển ở vận tốc 65 dặm một giờ (khoảng 100km/h) tốn điện hơn 28%; vọt lên 75 dặm mỗi giờ (khoảng 120km/h) thì chênh lệch lên đến 38%. Chưa hết, xe càng to, chênh lệch này càng lớn.
Porsche Taycan thể hiện tốt hơn so với thử nghiệm.
Với xe điện, ta chỉ có thể chọn hoặc đi nhanh, hoặc đi xa, không thể chọn cả hai. Anh Tom Moloughney, người dẫn chương trình trên kênh Youtube State Of Charge, đã thử nghiệm chạy xe điện ở vận tốc 70 dặm một giờ (khoảng 113km/h) cho đến khi hết điện. Kết quả cho thấy quãng đường di chuyển được thường kém xa so với con số do EPA công bố.
Trong số những chiếc xe mà anh Tom Moloughney thực hiện, Porsche Taycan là một trường hợp ngoại lệ khi liên tục đạt kết quả vượt EPA, có thể do chiếc xe có tính khí động học tốt; nhưng Tesla thì không như vậy, thường kém hơn con số ước tính từ 10% đến 12%.
ĐỪNG QUÁ TIN KẾT QUẢ
Chính EPA cũng thừa nhận rằng kết quả họ đo được có nhiều vấn đề. Một đại diện của EPA cho biết rằng các con số do EPA công bố là "một công cụ hữu ích để so sánh mức độ tiêu hao năng lượng giữa các xe, nhưng sẽ không phải là thông số chính xác".
Trên thực tế, bài thử của EPA cũng không phản ánh hết các tình huống tiêu tốn nhiều điện trong thực tế, như thay đổi tốc độ đột ngột, dùng lốp địa hình, di chuyển trong trời lạnh có sử dụng sưởi/điều hòa... Cách bù trừ của EPA cho những thiếu sót này cũng chưa hợp lý, khi trừ đi 30% từ kết quả ước tính.
Kết quả do EPA công bố chưa phản ánh hết tình huống thực tế.
Phanh tái sinh cũng là một biến số. Nếu một chiếc xe được cài đặt để phanh tái sinh kích hoạt thì EPA sẽ thử nghiệm kèm phanh tái sinh; nhưng nếu tài xế lại tắt phanh tái sinh thì kết quả thực tế sẽ sai khác rất nhiều.
Nhà nghiên cứu Rodgers tại Đại học Wisconsin, Mỹ đã nghiên cứu về cự ly di chuyển của xe điện suốt hơn 10 năm, đưa ra lời khuyên rằng: Hãy tin chiếc xe. Quãng đường di chuyển ước tính mà chiếc xe tính toán có vẻ chính xác hơn con số của EPA, và tính toán của chiếc xe cũng sẽ sát thực tế hơn theo thời gian, khi chiếc xe đã thu thập đủ dữ liệu về cách sử dụng của người dùng. Nhà nghiên cứu nêu quan điểm: "Rồi cuối cùng, ai cũng sẽ... tự tính toán mà thôi".
Tags