Trước lo ngại từ ChatGPT, nhiều nước xem xét các biện pháp quản lý AI

Thứ Năm, 11/05/2023 12:00 GMT+7

Google News

Trí tuệ nhân tạo (AI) mà điển hình là sự nổi lên gần đây của ChatGPT đang trở thành "cơn sốt" trong giới công nghệ khi chứng tỏ tiềm năng có thể trợ giúp con người và được dự báo sẽ dẫn dầu xu thế công nghệ trong năm 2023. Mặc dù vậy, lo ngại về các rủi ro do AI tạo ra, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các giải pháp quản lý công nghệ này.

ChatGPT với "cơn sốt" AI trong giới công nghệ

AI là các hệ thống dựa trên máy móc, căn cứ vào các mục đích do con người xác định, có thể đưa ra những dự đoán, khuyến nghị hoặc quyết định có thể ảnh hưởng đến môi trường ảo hoặc thực tế. Nói cách khác, con người tạo ra AI để "giúp việc" cho mình.

Việc ứng dụng ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ) được sở hữu bởi Microsoft Corp, xuất hiện vào thời điểm cuối năm 2022, nhanh chóng lập kỷ lục phát triển nhanh nhất lịch sử, đạt 100 triệu người dùng chỉ trong 2 tháng và phát triển rầm rộ thời gian gần đây, thậm chí tạo "cơn sốt" trên khắp toàn cầu khi nhiều tập đoàn công nghệ đang dồn lực đầu tư cho lĩnh vực AI, là một minh chứng cho thấy con người được hỗ trợ ra sao từ AI.

Trước lo ngại từ ChatGPT, nhiều nước xem xét các biện pháp quản lý AI - Ảnh 1.

Ứng dụng ChatGPT. Ảnh: Getty Images

ChatGPT không chỉ là một "bộ bách khoa toàn thư" hỏi đáp mà còn là ứng dụng có thể đối đáp trôi chảy với con người, giúp tiết kiệm thời gian và công sức đăng nhập vào website để tìm kiếm thông tin cần thiết. Hơn thế, ChatGPT có năng lực biên soạn các chương trình máy tính và sáng tác, viết luận văn, thậm chí làm thơ hay viết thư tình.

ChatGPT dự báo sẽ mở ra những cơ hội hoàn toàn mới cho chủ doanh nghiệp và người lao động, giúp tăng hiệu quả về chi phí khi hỗ trợ con người thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, cải thiện độ chính xác khi nhập dữ liệu, phân tích dữ liệu giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt và tăng trải nghiệm của khách hàng bằng cách cung cấp hỗ trợ 24/7; giảm thời gian chờ phản hồi và tăng cải thiện trải nghiệm tổng thể của khách hàng.

Ở cấp độ doanh nghiệp, sự ra đời của ChatGPT cũng đồng thời khởi xướng một cuộc chạy đua chatbox giữa các công ty công nghệ. Google đã thông báo ra mắt công cụ trò chuyện Bard có trang bị AI cạnh tranh với ChatGPT. Microsoft Corp, cho biết đã lên kế hoạch kết hợp ChatGPT với công cụ tìm kiếm Bing. Tại Trung Quốc, công cụ tìm kiếm khổng lồ Baidu cho biết sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án "Ernie Bot" với khả năng tương tự ChatGPT trong tháng 3.

Về lao động, ChatGPT đóng vai trò như một "trợ lý kỹ thuật số" để nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, ChatGPT tạo ra các "trợ lý riêng" được trang bị kiến thức và dữ liệu sâu rộng về công ty và chuyên môn, có thể tương tác để hỗ trợ người lao động. Trong giáo dục, ChatGPT hỗ trợ học tập và giảng dạy, nâng cao khả năng tìm kiếm và nghiên cứu, tăng cường tính tương tác và trải nghiệm học tập, cải thiện khả năng đánh giá và phân tích. Trong lĩnh vực y tế, công nghệ này có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh hơn khi giúp nhóm các dữ liệu với nhau để phân tích triệu chứng của bệnh nhân.

Trước lo ngại từ ChatGPT, nhiều nước xem xét các biện pháp quản lý AI - Ảnh 2.

Trong nông nghiệp, ChatGPT có thể hỗ trợ nông dân trong công tác nghiên cứu cũng như viết nội dung quảng bá sản phẩm. Trong lĩnh vực ngân hàng, ChatGPT giúp cải thiện hiệu suất và việc cung cấp các khoản vay. ChatGPT cũng được chào đón như một công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong việc mô hình hóa khí hậu hay truyền thông về khí hậu và được dự báo đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì công nghệ này có thể giúp các công ty đưa ra quyết định về tính bền vững và cắt giảm lượng khí thải carbon dễ dàng hơn.

Làn sóng về AI đặc biệt sau khi xuất hiện ChatGPT khiến trí tuệ nhân tạo này được dự báo sẽ dẫn dầu xu thế công nghệ trong năm 2023.

Tiềm ẩn rủi ro

Ứng dụng ChatGPT hay AI nói chung đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới bởi nõ góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Tuy nhiên, việc thiếu các quy tắc liên quan đến AI đã cho phép các công ty công nghệ Mỹ tự do đưa ra các sản phẩm mới, làm dấy lên lo ngại về các rủi ro do công nghệ này gây ra.

AI được ví như "con dao hai lưỡi" khi đứng trước nguy cơ được sử dụng để tạo ra các nội dung nguy hiểm, thao túng dư luận, lan truyền thông tin sai lệch ở mức độ chưa từng có, tiến hành giám sát hàng loạt và nhiều mối nguy tiềm ẩn khác. Các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ lo ngại rằng nếu phát triển một cách không kiểm soát, hoặc được lập trình với mục đích không đúng đắn, AI có nguy cơ làm tăng dần những mối đe dọa đối với an ninh và an toàn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người và xã hội.

Trước lo ngại từ ChatGPT, nhiều nước xem xét các biện pháp quản lý AI - Ảnh 3.

ChatGPT cũng vậy. Ứng dụng AI này được dự báo sẽ thay đổi diện mạo thị trường lao động trong nhiều năm tới. Giới chuyên gia cảnh báo có tới 300 triệu việc làm có thể mất đi bởi các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Đáng lo ngại hơn, ChatGPT đặt ra nhiều vấn đề như nguy cơ gian lận về học vấn, rò rỉ dữ liệu xuyên biên giới, cũng như vi phạm quyền riêng tư. OpenAI đã cung cấp cho ChatGPT dữ liệu khổng lồ lên đến 570 GB và hơn 300 tỷ từ vựng được thu thập một cách có hệ thống từ Internet, bao gồm cả thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý của người dùng. Đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư, đặc biệt khi những dữ liệu nhạy cảm có thể được sử dụng để nhận dạng người dùng, thành viên gia đình hoặc vị trí của họ. Đó là chưa kể đến những dữ liệu thuộc loại tài sản độc quyền hoặc có bản quyền như tiểu thuyết, kịch bản phim, thơ văn, tài liệu nghiên cứu... Một nghiên cứu được công ty phần mềm và an ninh mạng BlackBerry (có trụ sở tại Canada) công bố đầu năm nay cho thấy 51% trong số 1.500 chuyên gia IT ở nhiều nước dự báo ChatGPT có thể gây ra một vụ tấn công mạng trong vòng 1 năm tới.

Một điểm đáng lưu ý nữa là tính chính xác của thông tin do ChatGPT cung cấp. Do kết quả trả lời phụ thuộc vào nguồn thông tin có sẵn trong hệ thống, độ chính xác thông tin trả lời của ChatGPT hoàn toàn phụ thuộc vào những gì ứng dụng này học được trong quá trình tương tác. Ngay cả Sam Altman - nhà sáng lập ChatGPT cũng khuyên người dùng nên cẩn trọng. Ông cho biết AI có thể tự học nên nếu ChatGPT được nạp dữ liệu đầu vào không đúng, thì kết quả sẽ đưa ra sai. Về điểm này, các chuyên gia cảnh báo ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Kẻ xấu có thể lợi dụng công cụ này cho nhiều âm mưu phi pháp khác nhau, như lừa đảo trực tuyến hoặc viết phần mềm độc hại.

Ngày 3/5, Meta, công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook, cảnh báo các tin tặc lợi dụng "cơn sốt" ứng dụng AI như ChatGPT để lừa người dùng tải về mã độc, cho phép tin tặc tiến hành các vụ tấn công nhắm mục tiêu với xác suất thành công lớn hơn. Còn trong cuộc phỏng vấn với Reuters (Anh) ngày 5/5, nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về AI, Geoffrey Hinton nhận định mối đe dọa từ AI có thể còn khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu.

Trước lo ngại từ ChatGPT, nhiều nước xem xét các biện pháp quản lý AI - Ảnh 4.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Nhiều nước xem xét các biện pháp quản lý AI

Trước nguy cơ tiềm ẩn từ AI, các lãnh đạo công ty công nghệ như ông chủ Twitter, Elon Musk, đã phải kêu gọi tạm ngừng phát triển AI. Công ty OpenAI cũng cho rằng cần có những quy định toàn diện về lĩnh vực này. Chính phủ một số nước cũng khẩn trương xem xét các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến công nghệ mới nổi này.

Nước Mỹ, "cái nôi" của các nhà đổi mới công nghệ và phát triển AI, trong đó có công ty OpenAI tạo ra ChatGPT, đã tăng cường quản lý các công cụ AI. Ngày 3/5, người đứng đầu Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) cho biết cơ quan này cam kết sẽ sử dụng các luật hiện hành để hạn chế những mối nguy hiểm từ AI, chẳng hạn như việc mở rộng ảnh hưởng của các công ty lớn và hành vi gian lận.

Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu đi tiên phong toàn cầu trong việc tạo ra một khung pháp lý toàn diện, có thể ngăn chặn các nguy cơ trên mạng trong khi vẫn bảo vệ sự đổi mới trong lĩnh vực AI. Dự kiến vào ngày 11/5 tới, các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu (EP) sẽ nêu quan điểm trong cuộc bỏ phiếu ở cấp ủy ban, sau đó EP và các nước thành viên EU sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm đạt thỏa thuận về dự luật quản lý AI sửa đổi. Cách đây 2 năm, EU đã đề xuất dự thảo quản lý AI đầu tiên để giải quyết vấn đề này. Mãi đến cuối năm 2022 - thời điểm ChatGPT xuất hiện, các nước thành viên mới đưa ra quan điểm trong quá trình thảo luận văn bản pháp lý này.

Tháng 4/2023, các bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số từ Nhóm G7 cũng nhất trí áp dụng cơ chế quản lý công nghệ AI dựa trên đánh giá rủi ro song song với việc đảm bảo môi trường thuận lợi cho việc phát triển những công nghệ này.

Tại Anh, ngoài công bố Sách trắng bao gồm hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các quy định liên quan đến AI, chính phủ Vương quốc Anh ngày 9/5, thông báo sẽ bắt đầu đánh giá tác động của AI với người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế, cũng như xem xét khả năng áp dụng các biện pháp mới nhằm kiểm soát các công nghệ như ChatGPT của công ty OpenAI.

Trung Quốc cũng công bố dự thảo quy định về quản lý AI tạo sinh, trong đó yêu cầu các công ty gửi các đánh giá an ninh cho chính quyền trước khi đưa dịch vụ ra thị trường.

Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›