Giành 3 HCV - 5 HCB - 19 HCĐ, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã hoàn thành chỉ tiêu cơ bản tại ASIAD 19, tuy nhiên, qua thực tế thi đấu, có rất nhiều vấn đề, thậm chí, cả chiến lược phát triển đã đặt ra với thể thao nước nhà. Đây cũng là nội dung cuộc phỏng vấn của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) với ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tham dự ASIAD 19 ngay sau khi đại hội kết thúc.
Những điều tiếc nuối
* Thể thao &Văn hóa: ASIAD 19 đã chính thức khép lại và lúc này, ông đánh giá thế nào về kết quả thi đấu của đoàn TTVN?
- Trưởng đoàn Đặng Hà Việt: Với 3 HCV - 5 HCB và 19 HCĐ chung cuộc, nếu xét về mặt tối thiểu thì đoàn TTVN đã hoàn thành chỉ tiêu nhưng mới là ở mức tối thiểu, còn tối đa thì mới chỉ đạt được hơn 50%.
Đó là chỉ tiêu huy chương, còn về các vấn đề liên quan đến chuyên môn thông qua quá trình thi đấu, đã có những điều cụ thể khiến chúng ta phải thực sự tiếc nuối khi cơ hội Vàng bị bỏ lỡ. Đầu tiên là trường hợp của cua-rơ Nguyễn Thị Thật được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giành HCV, nhưng lại chấn thương ngay trước ASIAD, nên không có được phong độ tốt nhất. Ở cả 2 nội dung đường trường xe đạp nữ, Thật đã rất nỗ lực, nhưng sau cùng lực bất tòng tâm.
Tiếc nuối nữa là ở môn boxing. Chúng ta có những niềm hy vọng lớn đặt vào các võ sỹ như Nguyễn Thị Tâm và Hà Thị Linh. Tiếc là cả hai em cũng vì chấn thương mà không đạt được thành tích cao.
Đó là lý do khách quan, cũng còn những môn khác, VĐV khác lại vì lý do chủ quan. Chẳng hạn như cờ tướng Việt Nam đặt hy vọng rất nhiều vào trận chung kết nội dung hỗn hợp, vậy nhưng các kỳ thủ của chúng ta đã không thể hiện được bản lĩnh thi đấu.
Dù vậy, nỗ lực của rất nhiều các tuyển thủ khác là không thể phủ nhận. Xạ thủ Phạm Quang Huy có sự ổn định không chỉ về chuyên môn mà cả tâm lý thi đấu đã xuất sắc giành tấm HCV quý giá ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Đội tuyển cầu mây cũng xuất sắc đạt chỉ tiêu đề ra với 1 HCV - 1 HCB - 1 HCĐ. Cũng như vậy là đội Kata nữ với chức vô địch thuyết phục ở môn Karate... bên cạnh đó, việc nam kình ngư Huy Hoàng đạt chuẩn A và có vé dự Olympic Paris 2024 cũng rất đáng khen ngợi. Chính những nỗ lực tuyệt vời đó đã giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu cơ bản đã đề ra.
* Dù Đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu nhưng thành tích vẫn còn khiêm tốn, nhất là so với các nước Đông Nam Á, ông nghĩ sao về điều này?
- Thật sự, nếu đánh giá tổng thể sự phát triển của Thể thao Việt Nam so sánh với các kỳ SEA Games 31, 32, chúng ta là thế lực lớn của thể thao Đông Nam Á nhưng rõ ràng thành tích ở ASIAD còn hạn chế so với khu vực. Đây là việc đã có dự báo trước và cũng vì vậy mà đoàn TTVN chỉ đặt ra chỉ tiêu từ 2 đến 5 HCV tại Á vận hội lần này.
Cũng cần phải nói thêm, bên cạnh khoảng cách về chuyên môn, các vấn đề liên quan khác như bốc thăm, thực tế thi đấu... khiến chúng ta không thể đưa ra con số huy chương chính xác tại ASIAD. Đây sẽ là vấn đề mà ngành TDTT sẽ phải tập trung nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới.
* Theo ông, đâu là lời giải cho vấn đề này?
- Phát triển thể thao thành tích cao, không chỉ trong ngày một, ngày hai là chúng ta có ngay được nhà vô địch Olympic, kể cả là ASIAD. Đây là câu chuyện cần xây dựng bằng chiến lược, hệ thống phát triển bài bản, bao gồm cả việc giáo dục thể chất.
Nếu những môn nào mà TTVN xác định là trọng điểm thì môn đó chúng ta phải có hệ thống thi đấu, tuyển chọn ở 63 tỉnh thành ở mọi cấp, mọi độ tuổi. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chọn lựa được những VĐV tài năng. Đơn cử như cầu mây hiện nay, hiện chỉ có một nhóm nhỏ, một vài nơi đầu tư chứ không có hệ thống từ trường học, nên rất khó tìm được lực lượng kế tiếp. Tóm lại. nếu chúng ta đãi cát của 63 tỉnh thành thì sẽ chọn ra được rất nhiều VĐV giỏi.
Ngoài ra, xu thế hiện tại ở thể thao đỉnh cao cũng là một bất lợi với các VĐV Đông Nam Á như Việt Nam, đó là những hạng cân nhỏ dần bị đưa ra khỏi Olympic, ví dụ như hạng 56kg nam cử tạ. Hay như đua thuyền ở Đông Nam Á, canoeing là thế mạnh của Indonesia trong khi nói tới rowing là Việt Nam. Chúng ta cũng đầu tư nhiều cho rowing, tiếc là tại ASIAD này thuyền nhẹ không được đưa vào các nội dung thi đấu, bị cắt giảm.
Rồi trong nội bộ các môn thể thao cũng đang có sự cạnh tranh lớn như bóng chuyền, bóng rổ, ném đẩy, boxing…đều yêu cầu VĐV có thể trạng tốt. Chúng ta mới chỉ có đề án phát triển tầm vóc con người Việt Nam nhưng chưa có sự kết hợp giữa các nguồn lực y tế, thể thao để cải thiện chiều cao người Việt Nam. Hay với bóng đá nữ Việt Nam cũng đang mặt với khả năng tranh chấp lớn từ Philippines - một thế lực mới ở khu vực Đông Nam Á khi họ nhập tịch nhiều VĐV có chiều cao, thể lực vào đội tuyển nữ quốc gia. Vì vậy, trong công tác tuyển chọn nhân tài cho các môn thể thao thật sự còn rất khó khăn và đó là nguyên nhân khiến thành tích còn chưa cao.
ASIAD vẫn là đấu trường đỉnh cao
* Vậy TTVN cần phải làm gì để cải thiện thành tích ở các kỳ ASIAD sắp tới?
- ASIAD và Olympic là đỉnh cao của thể thao châu lục và thế giới. Để đạt được thành tích ở những đại hội này chúng ta phải xác định được sự cạnh tranh trong thể thao cũng chính là sự cạnh tranh của những nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đầu tư cho những sân chơi thể thao lớn này liên quan đến rất nhiều mặt, trước tiên là vấn đề kinh phí. TTVN rất muốn có hệ thống giải quốc gia đầy đủ để tạo nền tảng cho sự phát triển nhưng không có kinh phí tổ chức. Nếu xác định lấy nguồn xã hội hóa thì là từ đâu? Nhiều người cho rằng lấy từ các doanh nghiệp, nhưng nếu nền thể thao còn chưa mạnh, thì liệu có thu hút được doanh nghiệp?
Vấn đề nữa là đào tạo, trong thể thao, phải mất tới 10 năm để đào tạo ra một VĐV đạt thành tích cao ban đầu, ở cấp độ quốc gia và trong hàng nghìn con người cũng mới có thể có một nhà VĐQG. Rồi còn quá trình đạo tạo nâng cao kéo dài, nên nhớ đào thải trong thể thao rất lớn và tiêu tốn nhiều kinh phí.
Chỉ khi giải được những bài toán căn cơ này, TTVN mới đủ sức vươn lên tại các đấu trường ASIAD, Olympic.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi
Bên cạnh việc tìm kiếm các tài năng thể thao, thì thời gian tới, TTVN cũng cần nâng cao công tác khoa học huấn luyện và cần đội ngũ nhân lực lớn cho mảng này. HLV là những người triển khai các hoạt động huấn luyện để đạt mục tiêu ở các giải thi đấu chính và các kỳ Đại hội. Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia sẽ phải giải quyết rất nhiều bài toán lượng vận động, hồi phục, dinh dưỡng, phân tích sinh cơ học vận động để làm sao các VĐV tối ưu hóa được kỹ chiến thuật.
Đội ngũ này còn phải có người làm nhiệm vụ thống kê. Theo dõi tại ASIAD mới thấy như ở môn bóng chuyền nữ, những đội mạnh đều có đội ngũ phân tích, thống kê đi theo để đưa ra những chỉ số giúp HLV đưa ra quyết định trong những thời khắc quan trọng. Với chúng ta, hiện nay vẫn chưa có đội ngũ này. Và như đã đề cập, để đạt thành tích trong thể thao là quá trình dài mà ngành thể thao rất cần sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời rất mong muốn sự phát triển mạnh của nền kinh tế giúp các doanh nghiệp phát triển mạnh, từ đó họ cùng ngành thể thao triển khai các hoạt động giúp cho TTVN đầu tư trọng điểm đúng là trọng điểm.
Lâm Chi (thực hiện)
Tags