Truyền thông Nam Mỹ: 'Việt Nam, cái tên của chiến thắng'

Thứ Năm, 30/04/2015 10:43 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Truyền thông Nam Mỹ và Đức đánh giá cao ý nghĩa chiến thắng 30/4 của Việt Nam. Đảng Cộng sản Đức ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Ngày 29/4, truyền thông Argentina và Venezuela đã đưa tin đậm nét về Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015). 

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, hãng thông tấn Telam của Argentina đã đăng liên tục 5 bài viết liên quan tới Việt Nam, trong đó đánh giá cao ý nghĩa chiến thắng 30/4 và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Trong bài viết "Sài Gòn 40 năm trước: Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Mỹ thất bại", bài báo khẳng định chiến thắng 30/4 đã làm cả thế giới chấn động và là thất bại thảm hại nhất của quân đội Mỹ. Trong bài viết khác với tiêu đề "Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chia nước Mỹ làm đôi", tác giả miêu tả về phong trào phản chiến, kêu gọi binh sỹ đốt thẻ tân binh ngay trên nước Mỹ vào tháng 10/1964. Phong trào phát triển mạnh mẽ vào năm 1970, khi Mỹ mở rộng tấn công sang Campuchia và Lào. Ngày 24/4/1971, nửa triệu người Mỹ đã biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trước Nhà Trắng.


Phong trào phản chiến tại Mỹ

Trong bài viết thứ ba, hãng thông tấn Telam đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, khẳng định hai nhà "chiến lược quân sự tài ba" này đã lãnh đạo thành công cuộc chiến chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở nên lừng lẫy khắp 5 châu với Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hãng Telam cũng đăng lại bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Argentina Nguyễn Đình Thao bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hết lòng ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, trong đó có nhân dân Argentina. Bài viết cũng nêu bật những nỗ lực tái thiết đất nước của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mở rộng hội nhập quốc tế, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia và có trao đổi thương mại với 200 nước và vùng lãnh thổ.

Hãng Telam cũng đưa tin Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Khắp nơi trên cả nước, nhiều hoạt động văn hóa lễ hội cũng diễn ra chào mừng ngày lễ trọng đại này của dân tộc, trong đó có lễ duyệt binh và diễu hành trước Dinh Thống nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. 
Diễu binh sáng 30/4/2015 trước Đinh Độc Lập

Cùng ngày, báo Tổng hợp Mỹ La-tinh của Argentina đăng bài viết với tiêu đề "40 năm thống nhất: Việt Nam, cái tên của chiến thắng". Bài báo tóm lược lịch sử chiến đấu và hy sinh của dân tộc Việt Nam qua 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tờ báo nhấn mạnh nói về Việt Nam hôm nay là để nhớ tới một trong những thành tựu vĩ đại của lịch sử đương đại. Ngoài Argentina, báo Tổng hợp Mỹ La-tinh cũng được phát hành ở Uruguay, Venezuela, Cuba và nhiều nước châu Âu. Nhiều tờ báo ở Nam Mỹ đã đăng lại bài viết này. 

Trong khi đó, truyền hình quốc gia Venezuela đã đăng phóng sự do nhà báo Vincent Montagud (Vin-xen Môn-ta-gút) vừa thực hiện ở Việt Nam về các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. 

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cũng nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng loạt tờ báo, đài phát thanh và truyền hình của Đức đã đăng, phát các tin, bài, phóng sự về sự kiện lịch sử trọng đại này của dân tộc Việt Nam.

Đài phát thanh Đức (DLF) ngày 29/4 đã phát một bài phóng sự dài về kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam 40 năm trước, cũng như về sự phát triển của Việt Nam ngày nay. Bài báo dẫn lời một số nhân chứng lịch sử nói về khí thế hào hùng của các chiến sỹ miền Bắc ngày đêm không nghỉ tiến vào giải phóng miền Nam, trong đó có anh Ngô Sĩ Nguyên - người lái chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập. Bài báo nhấn mạnh 40 năm sau cuộc chiến tranh, người già cũng như con trẻ vẫn không nguôi thể hiện niềm tự hào về Bác Hồ, về quân đội Việt Nam và về chiến thắng vĩ đại trước cường quốc Mỹ. Bài báo cũng nhận định hơn 20 năm sau khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam ngày nay đã là một đất nước năng động. Tuy nhiên, hậu quả chiến tranh vẫn còn cho tới ngày nay khi thế hệ thứ ba sinh ra vẫn phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam/điôxin mà Mỹ đã rải xuống các cánh rừng Việt Nam. 

Báo Neues Deutschland (Nước Đức mới) cũng có bài viết về việc hai nước Việt-Mỹ xích lại quan hệ 40 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Trong khi một loạt tờ báo lớn của Đức như Die Welt (Thế giới), Die Zeit (Thời đại), FAZ (Toàn cảnh Frankfurt), WAZ, RNZ.de... cũng có bài viết, phóng sự ảnh nhân dịp 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh, trong đó đề cập nhiều tới việc Mỹ đã rải khoảng 76 triệu lít chất độc da cam/điôxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn từ 1962-1970. Chất độc này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tới cả ngày nay, trong khi các nạn nhân vẫn chưa nhận được bồi thường từ phía Mỹ. Bài viết đáng chú ý khác trên báo Die Welt nêu 6 lý do khiến Mỹ chịu thất bại thảm bại nhất về quân sự trong chiến tranh Việt Nam. 

Trong khi đó, kênh truyền hình N-TV của Đức cũng đã chiếu bộ phim tài liệu lịch sử Cuộc chiến không chiến tuyến nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, xoay quanh thời điểm trước và sau khi ký Hiệp định Paris. Bộ phim do Đài truyền hình quốc gia ZDF thực hiện với nhiều thông tin lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa này.

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch cùng Bí Thư Đối ngoại Đảng Cộng sản Đức (DKP) đã gửi Thư chúc mừng tới Đảng Cộng sản Việt Nam. Bức thư được đăng trên báo Junge Welt (Thế giới trẻ) nêu rõ sau khi chiến tranh kết thúc, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tái thống nhất đất nước và có những biện pháp sáng suốt nhằm củng cố, xây dựng Đảng và luôn trung thành với đường lối đã chọn. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành tựu trong giai đoạn tiếp theo là phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. DKP nêu rõ trước đây cũng như ngày nay, Việt Nam luôn là một tấm gương mang tầm quốc tế có tác động lớn không những tới Đông Nam Á, châu Á, mà cả châu Phi và Mỹ La-tinh. DKP khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh, đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam trên con đường đã chọn.

Theo TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›