LTS: Giữa cơn bão những tin tức giật gân, sốc, sex, sến, chưa nói đến nạn tin giả, tin xấu độc..., ta cứ tưởng rằng, một bài viết nho nhỏ, chân thật về một "người tốt, việc tốt" nào đó sẽ sớm rơi vào quên lãng trong sự thờ ơ của công chúng. Nhưng kỳ lạ thay, trong thời gian qua, rất nhiều những câu chuyện tử tế như thế lại chứng tỏ có sức lôi cuốn mạnh mẽ, vượt lên tính chất của một "trend" (xu hướng) nhất thời, để trở thành nguồn cảm hứng lớn cho xã hội, làm thay đổi số phận nhân vật, cũng như bồi đắp lòng tin cho mỗi người chúng ta theo hướng tích cực, nhân văn hơn. 2 năm trước, trong cuốn Thiện, Ác và Smartphone, tác giả Đặng Hoàng Giang đã bày tỏ sự lo lắng về cách hành xử "ác" với nhau trên mạng Internet và kêu gọi một văn hóa tranh luận bao dung, thiện chí hơn. Trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/6, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Đời thực chúng ta thở bằng không khí, không gian mạng thì chúng ta thở bằng tin tức, nội dung. Đời thực chúng ta có hàng nghìn tấn rác, nếu không dọn thì ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu chúng ta không dọn, nó sẽ ảnh hưởng đến não người". Phải làm sao để đẩy mạnh dòng thông tin tích cực, nhân văn, “hướng thiện” và "có trách nhiệm" trong dư luận? Đó là câu hỏi không bao giờ cũ cho cả hai phía, những người đưa thông tin và những tiếp nhận, phản hồi, bình luận các thông tin đó. |
(Thethaovanhoa.vn) - So với những chuyện thời sự- với hàng loạt diễn biến đầy bất ngờ và giật gân về các mảng tối trong xã hội - những vụ việc theo kiểu “người tốt việc tốt” liệu có được bao nhiêu phần trăm sức hút với cộng đồng?
1. Gần một tháng trước, chiều 24/5, hai người thợ nề chạy xe máy từ Đà Nẵng về nhà ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam sau một ngày làm việc. Giữa đường, họ gặp một khối bê tông rơi vãi từ trước, đã đóng cứng và bám chặt lấy mặt đường…
Trời sắp tối, trước mặt còn quãng đường 50km để về nhà, vậy nhưng anh Hùng - một trong hai người thợ nề - quyết tâm đục bỏ khối bê tông ấy vì sợ gây tai nạn cho người đi đường. Anh quay xe, nhờ bạn đứng ra dấu để người đi đường vòng tránh, còn mình thì lấy đồ nghề và mất khoảng 20 phút đồng hồ để ngồi đục bỏ khối bê tông.
Chuyện chỉ có vậy. Và Hùng có lẽ cũng sẽ sớm quên đi hành động của mình, nếu như Cảnh - người bạn đi cùng - không kể lại câu chuyện trên mạng xã hội, kèm theo tấm ảnh chụp cảnh Hùng đang đục đẽo bỏ cục bê tông giữa đường.
Cảnh không hình dung nổi hiệu ứng mà câu chuyện mang lại. Chỉ vài giờ sau khi đăng tải trên facebook cá nhân, bài viết và bức ảnh của anh nhận được trên 3.000 lượt thích, hơn 250 lượt chia sẻ và khoảng 300 lời khen ngợi từ cộng đồng mạng. Ngày hôm sau nữa, hàng loạt tờ báo và diễn đàn mạng đều nhắc tới câu chuyện của Hùng.
Rồi, tất yếu, chàng thợ nề ấy được báo giới tìm đến. Độc giả háo hức chia sẻ những mẩu chuyện xung quanh vụ “đục bê tông giữa đường” của anh – từ việc vợ Hùng phải ngồi chờ cơm chồng vào buổi tối hôm ấy cho tới câu trả lời rất thành thật từ chàng trai xứ Quảng: “Có sẵn đồ nghề nên tôi làm, chứ chờ ai bây giờ?”.
2. Từ trường hợp của Hùng, nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy: Chỉ trong năm 2019, không ít lần, những câu chuyện về cách hành xử tử tế đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong dư luận.
Đúng 10 ngày trước hành động của Hùng, chàng thanh niên 26 tuổi có tên Nguyễn Ngọc Hiền nhặt được một chiếc ví đựng 7.400 USD tại một chung cư, nơi anh và mẹ cùng làm nhân viên lau dọn vệ sinh. Đó là chiếc ví của một du khách nước ngoài sơ ý đánh rơi sau khi rời khỏi chung cư.
Nghỉ học từ lớp 10 để đi làm phụ mẹ vì hoàn cảnh khó khăn - sự hạn chế về bằng cấp ấy không ảnh hưởng gì tới việc Hiền tìm cách chuyển lại số tiền cho người đánh mất, với suy nghĩ rất giản dị: “ Không phải của mình thì không xài. Người ta cực khổ lắm mới làm ra số tiền đó”.
Rồi, trước một làn sóng đề nghị giúp đỡ về vật chất từ các nhà hảo tâm, chàng trai ấy một lần nữa cho thấy cách ứng xử đầy tự trọng: từ chối và mong mọi người tìm đến hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Rồi, những câu chuyện tử tế đôi khi không chỉ đến từ “nhân vật chính”, mà còn là từ sự cộng hưởng của rất nhiều người. Trường hợp Vì Quyết Chiến, cậu bé 13 tuổi đạp xe từ Sơn La về Hà Nội để thăm em trai ở Viện Nhi, là một ví dụ. Hành trình bột phát của cậu bé ấy có cái kết rất đẹp: Sau 100 km đầu, Chiến được người đi đường đưa lên ô tô, chở về Viện Nhi - trước khi tiếp tục được những nhà hảo tâm đưa về Sơn La cùng một chiếc xe đạp mới. Cái kết ấy khiến người ta nghĩ tới mô-típ của những câu chuyện hoặc bộ phim từng có: Một em bé gặp nạn, bước vào hành trình vô định để tìm kiếm người thân - để rồi làm được điều không tưởng nhờ lòng tốt và sự nhân ái của những người đã gặp trên suốt hành trình.
Thậm chí, khi được dùng vào mục đích sửa chữa sai lầm, điều tử tế vẫn có một sức hút đặc biệt với cộng đồng. Trước Tết Nguyên đán 2019, sau khi bị giật mất chiếc túi xách kèm 107 triệu đồng, một phụ nữ tại Bình Dương bất ngờ nhận được 100 triệu đồng cùng lá thư xin lỗi của thủ phạm (được đặt trước cổng trụ sở hành chính địa phương). Trong thư, “kẻ cướp” kể rằng mình làm liều sau khi mắc nợ tín dụng đen. Vừa thấy quá nhiều tiền trong túi, vừa cắn rứt lương tâm, anh ta gửi tới chị lời xin lỗi và mong được tha thứ...
3. Những câu chuyện ấy có được quan tâm không - nếu Hùng chỉ mất vài phút để nhặt bỏ một hòn đá trên phố, thay vì bỏ mặc quãng đường 50 km trước mặt và người vợ đang ngồi chờ bên mâm cơm? Nếu thay vì giúp một cậu bé 13 tuổi như Chiến, người đi đường cho một phụ nữ “quá giang” trên xe mình? Nếu Hiền không khó khăn và phải bỏ học từ năm 16 tuổi, còn số tiền của người phụ nữ ở Bình Dương được hoàn lại sau chuyên án của các chiến sĩ công an?
Có lẽ, những “phiên bản” ấy sẽ không gây được tiếng vang như đã có - dù về bản chất, đó vẫn là những hành động đẹp. Bởi ai cũng hiểu, tùy vào mỗi cảnh huống hay sự việc, những điều tốt đẹpcó thể gây ấn tượng mạnh với cộng đồng và cũng có thể khiến chúng ta sớm quên đi sau những phút ban đầu.
Thế nhưng, đứng sau những câu chuyện điển hình được dư luận tôn vinh là hàng trăm hàng ngàn câu chuyện khác, về những điều tử tế khác. Bởi, sự tử tế xét cho cùng không phải là những khái niệm đao to búa lớn về đạo đức. Đó hoàn toàn chỉ cần là những hành vi nhỏ, hướng về sự nhân văn và tốt đẹp của con người.
Những câu chuyện kể trên chỉ là một phần rất nhỏ, nhưng lại đủ sức để độc giả hiểu và tin rằng: Những Hùng, Ngọc, Vì Quyết Chiến và người đi đường - hay cả “tên cướp biết ăn năn” - không phải là những cá biệt lẻ loi trong xã hội. Người ta có thể ít quan tâm tới những chuyện tử tế nếu chúng không hấp dẫn nhưng lại luôn có nhu cầu được trấn an rằng cuộc sống không thiếu những chuyện như vậy.
4. Và nếu nhìn lại những năm qua, “tử tế” vẫn là một từ khóa “hot” của truyền thông. Những chuyên mục về chuyện tử tế được mở trên nhiều tờ báo, kênh truyền hình. Những cuộc tọa đàm lớn nhỏ xung quanh chủ đề này cũng được mở ra liên tiếp. Rồi, những cuộc thi viết về sự tử tế, những chương trình hành động với chữ “tử tế” gắn kèm cũng xuất hiện, như hướng đến một giá trị cốt lõi của cộng đồng.
Và rất thú vị, nếu đọc những tranh luận, những ý kiến quanh hai chữ “tử tế”, chúng ta sẽ thấy rõ: Tùy theo niềm tin, theo vị thế xã hội hoặc theo văn hóa, mỗi người lại có những quan điểm riêng về 2 chữ đơn giản ấy. Có người cho rằng tử tế là biết hy sinh vì người khác. Có người nói, tử tế trước hết phải là hành động có trách nhiệm với bản thân mình. Có người muốn nhiệt tình giúp người khác nhận ra và hướng về những điều tốt đẹp của cuộc sống, và cũng có người tin: Tử tế trước tiên phải là việc tôn trọng, không áp đặt lên quan điểm và nguyện vọng của mỗi cá nhân.
Thật ra, sẽ là không tưởng, nếu chúng ta muốn đưa lại một quan niệm chuẩn, mang tính khuôn mẫu về sự tử tế. Nhưng, nếu những câu chuyện, dù lớn dù nhỏ, được nhắc tới đủ làm mỗi người suy nghĩ, có ý thức và tự vấn về sự tử tế của mình, chừng đó đã là một điều vô cùng đáng quý trong xã hội hiện tại.
Xu hướng hướng thiện và ưu tiên cho sự tử tế Thực ra, xu hướng khuyến thiện, diệt ác luôn là dòng chảy chính trong lịch sử phát triển của loài người. Điều ấy có thể thấy rõ trong mọi tôn giáo, mọi tín ngưỡng cũng như hệ thống văn hóa của mỗi dân tộc. Và câu chuyện “khuyến thiện” luôn được nhắc tới qua các hệ thống giáo lý, các hệ giá trị về đạo đức hoặc đơn giản hơn, là các hành vi cụ thể trong đời sống hàng ngày của mọi người, mọi lứa tuổi. Về bản chất, xã hội nào cũng có những vấn đề của mình, với những chuyện tốt – xấu đan xen. Nhưng cũng cần thừa nhận, trong khi những người tử tế, việc tử tế đang tồn tại thầm lặng thì có thời điểm, những câu chuyện của cái xấu, cái ác lại được mạng xã hội săn đón và mô tả quá nhiều. Chuyện chạy theo sự giật gân, câu khách là có thật. Nhưng xa hơn, tôi muốn lý giải điều này từ một góc nhìn khác: đó là hệ quả tất yếu từ những gì chúng ta từng có trong quá khứ. Với mục đích muốn cộng đồng tin rằng mình đang sống trong một xã hội hoàn toàn tốt đẹp, đã có lúc chúng ta chọn cách tập trung tuyên truyền, đưa tin về những điều tích cực trong xã hội và phần nào giảm nhẹ, hoặc bỏ qua khi nhắc tới những gam màu tối. Cách làm ấy, về bản chất, là đi ngược lại lý thuyết của triết học rằng luôn có 2 mặt của một vấn đề. Bởi thế, hệ quả tất yếu là người đọc dễ bị lôi vào vào những “mảng tối”, khi thông tin bùng nổ như hiện nay. Cũng cần nói thẳng, khi nói về những câu chuyện “người tốt việc tốt” trong quá khứ, chúng ta từng có sự khuôn sáo, áp đặt và cứng nhắc trong cách chuyển tải. Ở đó, các mẫu người tốt đều giống nhau như đúc một khuôn, theo định hướng một chiều. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi điều ấy và không mấy hào hứng với câu chuyện người tốt việc tốt. Thời đại bây giờ, độc giả nhiều thông tin hơn và có thể tự định vị các hệ giá trị về tốt xấu – thay vì được "bao cấp" như trước. Một câu chuyện, một hành vi dù là rất nhỏ nhưng vẫn có thể được chia sẻ, khuyến khích và tán dương.Tôi tin, trong tương lai, cách nhìn của độc giả sẽ công bằng hơn, bởi như đã nói, xu thế chung của con người vẫn là hướng thiện và ưu tiên cho sự tử tế. (Nhận định của TS Nguyễn Văn Vịnh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển) |
Sơn Tùng
Tags