TS Cung Khắc Lược chia sẻ về chữ Gà cổ và ra mắt bộ lịch thư pháp Đinh Dậu

Thứ Bảy, 10/12/2016 12:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 9h ngày mai (Chủ Nhật ngày 11/12), tại hiên trà Trường Xuân, 11 Ngô Tất Tố, Hà Nội, Tiến sỹ Hán Nôm Cung Khắc Lược sẽ có buổi trò chuyện về năm Đinh Dậu và thư pháp, cụ thể là những chữ Gà cổ nhất trong lịch sử phát triển chữ Nôm.

Đây cũng là hệ thống chữ trong bộ lịch thư pháp năm gà ĐỊA THIÊN THÁI của ông. Ông sẽ trực tiếp kí tên tặng khách mời, cho lời khuyên về năm Đinh Dậu.

Bộ lịch lấy quẻ Thái của Kinh Dịch làm cột trụ

Theo Tiến sỹ Cung Khắc Lược, bộ lịch ĐỊA THIÊN THÁI của ông được lấy cảm hứng từ mã văn hóa gà và triết học Dịch của Đông phương. Ông cho rằng Đinh Dậu là năm sẽ cần phải suy nghĩ chín chắn và thận trọng về những việc cần làm, nên ngó trước nhìn sau, cần tôn trọng người thì tôn trọng, cần thương người thì thương, kẻo chuyện khôn lường sẽ xảy ra.


Chữ Gà cổ nhất được TS Cung đưa vào bộ lịch Địa Thiên Thái

Đó là lý do vì sao ông chọn quẻ Thái để làm lịch, để tiền bạc hay danh vọng đạt được có thể mang lại hạnh phúc chứ không phải đổ vỡ và bất hạnh.

Bộ lịch đi từ sự hình thành của muôn loài đến sự hình thành tình yêu và hạnh phúc qua câu chuyện của loài gà. “Gà là biểu tượng của sự sinh sôi trong mã văn hóa Việt, đặc biệt là gà mái quý giá mỗi ngày đều cho một quả trứng. Không phải ngẫu nhiên mà đám hỏi đám cưới nào cũng đều có con gà luộc ngậm bông hoa hồng. Đó chính là mã âm dương, sự sinh sôi nảy nở và một lời hứa hẹn về sự thịnh vượng mà gia đình nhà trai chuyển đến nhà gái”, tiến sỹ Cung Khắc Lược cho biết.


Trang bìa bộ lịch Địa Thiên Thái

“Trong khi đó, quẻ Thái với đất (biểu trưng cho mẹ) ở bên trên và trời (biểu trưng cho cha, dương, nam tính) ở dưới là quẻ đẹp nhất trong Kinh Dịch, đề cao vai trò và sự tôn trọng dành cho thuộc tính âm, là tượng của sự phát triển và an lành. Hầu như trong tất cả các bức thư pháp tôi đều để mặt trời bên dưới, chính là tượng của quẻ thái, để cầu cho bà con một năm trù phú rạng rỡ nhưng vẫn yên ấm, trí tuệ".

Thư pháp dự báo – đặc sản của ông Tiến sỹ

Tiến sỹ Cung Khắc Lược là lớp người hiếm hoi còn lại của thế hệ trước thông thạo Nho Y Lý Số. Mặc dù hoạt động chuyên ngành chủ yếu của ông là Hán Nôm, được biết đến là thư pháp gia lớn nhất Việt Nam, ông còn nổi tiếng về vốn cổ học uyên bác như tử vi, phong thủy, chữa các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt những ca vô sinh lâu năm.


Ông duy trì được sự sâu sắc trong văn hóa cho chữ khi luôn tìm cách hiểu người xin chữ bằng những phương pháp làm việc khác nhau và có lẽ một phần do đó thư pháp của ông rất thiêng. Có ngồi bên cạnh khi ông cho chữ mới thấy rất nhiều người đã xin chữ từ những năm trước quay lại tạ ơn và nói rằng những điều mang tính dự báo trong thư pháp của ông đã thành hiện thực.

Ông tin vào những điều linh thiêng trong cõi này và cho rằng trong khi thế giới hiện đại chỉ cố tìm cách hiểu những thứ có thể nhìn thấy được, tổ tiên chúng ta đã từng hiểu sâu sắc những điều bí ẩn của trí óc và tâm hồn con người và vũ trụ, “Tôi đã sống cả đời để cố gìn giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu những điều thiêng liêng ấy”, ông cho biết.

Đôi nét về TS Cung Khắc Lược

Tiến sỹ Hán Nôm Cung Khắc Lược là tiến sỹ Hán Nôm đầu tiên của Việt Nam.

Ông là nhân vật quan trọng nhất của ngành Hán Nôm thời kỳ cuối thể kỉ 20 đầu thế kỉ 21, khiến Hán Nôm được phần nào phục hưng sau một thời gian dài chìm trong bóng tối của lãng quên.

Mặc dù là một tiến sỹ nhưng ông tự mang mình ra vỉa hè Văn Miếu ngồi cho chữ mỗi dịp đầu xuân từ những năm 1998, tạo nên truyền thống của căn phố, biến nó thành một trong những địa điểm được nhiều người thăm viếng nhất Hà Nội mỗi dịp Tết về.

Ông tạo nên một trường phái thư pháp riêng mà giới thư pháp Việt Nam gọi là cuồng thảo (mặc dù ông luôn cho rằng lối nói đó không chính xác về thư pháp của ông).

Không những thế ông chủ trương chỉ viết thư pháp Nôm mặc dù đôi khi có người nài nỉ hoặc có điều cần đến Hán Việt ông vẫn vui lòng viết. Điều này đặc biệt quan trọng bởi trong khi Hán Việt vẫn còn nhiều người biết đến, Nôm đã trở nên quá xa lạ với người Việt.

Thu Bảo

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›