TS Nguyễn Phương Mai: Đàn ông và mặt trái của tấm huy chương

Thứ Năm, 23/11/2017 13:37 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Chúng ta thường lan truyền những câu chuyện về đàn ông tệ bạc. Nhưng đừng quên bên cạnh họ là rất nhiều người cha, mất quyền nuôi con mà không thể than vãn. Vì đàn ông ai lại kêu than. Không phải nuôi con đi tìm vợ mới kêu ca nỗi gì?

Mặt trái của tấm huy chương nào cũng đau lòng, dù tên của tấm huy chương ấy là gì: Mạnh mẽ, trụ cột, đàn ông đích thực, hay hy sinh, đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà.

Bài viết dưới đây là của Phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, chị chia sẻ trên trang cá nhân câu chuyện về người cha quá cố của mình, ông đã suy sụp như thế nào sau khi ly hôn và không được ở bên con. 

***

Vào một buổi chiều năm tôi 10 tuổi, mẹ đặt tôi lên yên sau xe đạp chở đến trước cổng một tòa nhà to, có sân rộng và nhiều cây xanh. Mẹ dặn tôi đứng chờ ở hàng hiên. Mẹ đi được một lúc thì tôi thấy ba hớt hải bước vào sân.

Xe đạp của ông luôn có chiếc ghế con bọc da màu đỏ buộc ở gióng ngang cho tôi ngồi. Tôi mừng rỡ đòi đi vòng vòng quanh sân. Ngỡ như mọi lần sẽ được đồng ý luôn nhưng rồi ba chống xe, dắt tôi rẽ vào hàng hiên, rồi vòng ra phía sau khung cửa lớn khuất nẻo. Nhìn quanh không có ai, ông quỳ xuống, nước mắt lưng tròng, nắm tay tôi nói trong tiếng nấc nghẹn: “Lát nữa tòa có hỏi thì con nói con muốn ở với cha nghe con!”.

Chú thích ảnh
Phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Phương Mai

Tôi còn quá nhỏ dại để có thể hiểu được sự đau khổ tột cùng của ông, nên những giọt nước mắt nghẹn ngào không thắng nổi những ý nghĩ thơ trẻ của một đứa bé con vẫn còn quen đêm nào cũng ôm mẹ ngủ. Chị cả tôi kể rằng suốt mấy tháng sau ngày xử ly hôn, ông khóa chặt cửa căn nhà chung đã được ngăn làm hai, đêm ngày không ló đầu ra, râu tóc bạc trắng, không ăn không uống, miệng lảm nhảm: “Tao mất con Mai rồi!”. Chị lo ông phát điên, ngày nào cũng lật đật từ nhà chồng tới đưa cơm tiếp tế.

Thế rồi một ngày ba tôi hồi sinh. Căn nhà mở toang. Cửa sổ lớn hướng ra mặt phố được chăng đầy những sợi dây mảnh vắt từ cánh cửa bên này sang bên kia. Và trước sự sững sờ kinh ngạc của tôi, ông lôi từ trong chiếc balô to tướng ra hàng chồng những cuốn truyện tranh màu sắc rực rỡ, nhẹ nhàng mở từng cuốn sách mỏng tang, tìm trang giữa rồi vắt lên các sợi dây, cuốn này tiếp chồng lên cuốn kia, chỉ để lộ hàng chữ tiêu đề và một phần của bức tranh bìa đầy mời gọi. Tôi đứng chết chân rồi la hét ầm ĩ, bổ nhào vào giữa đống sách như cậu bé chăn trâu nhảy tùm xuống sông sau một ngày dài chạy nhông. Tôi cười ha ha rồi hối hả đọc, nắc nẻ cười, rồi lại cuống cuồng lăn nhào sang cuốn mới.

Cuộc chiến tranh giành tôi suốt từ những ngày ly thân, cho đến sau khi ly hôn chính thức đã hạ màn kết với phần thắng pháp lý nghiêng về mẹ, nhưng ba mới là người “ghi bàn ngoạn mục” khi toàn bộ thời gian rảnh rỗi của tôi vùi vào đống truyện mới ông mua về mỗi tuần.

Chú thích ảnh
Đây là hiệu sách nhà tôi hồi thơ bé. Cái lưng trong ảnh là của người cha quá cố. Kỷ niệm ùa về cùng những tháng ngày vùi đầu trong truyện đọc...

Tôi vo tròn trên ghế ôm sách để ông thoải mái ngắm nhìn, thoải mái cưng nựng. Tôi đọc hết là mua. Hết truyện tranh đến truyện dài và dày, thậm chí cả tiểu thuyết vì tôi đọc nhanh quá. Mỗi lần đến giờ ăn cơm, mẹ hết hơi hò gọi mới làm tôi dứt được cuốn sách còn đang đọc dở. Đêm đi ngủ tôi trùm chăn giấu mẹ soi đèn pin đọc. Thói xấu vậy nên tới cấp II là tôi bị cận thị. Ba buồn lắm. Chắc ông nghĩ mở cửa hàng sách để giành con gái với vợ cũ chứ đâu ngờ tới mức con gái cưng của mình biến thành bốn mắt (!).

Không phải một cuốn sách làm thay đổi đời tôi, mà là cả một cửa hàng sách đã làm cuộc sống của tôi bỗng chốc nghi ngút mùi vị mới. Tôi miêu tả những mùi vị ấy trong nhật ký rồi làm thơ về nó. Tôi viết truyện nữa. Truyện ngắn đầu tiên của tôi đăng trên báo Tiền Phong năm 15 tuổi, và cuốn sách đầu tiên của tôi do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành nằm trên kệ bán sách của chính nhà mình năm tôi 17 tuổi. Ba tự hào lắm. Tôi thành phóng viên. Cửa hàng sách giờ bán cả báo nữa, những tờ báo có đăng bài của tôi viết. Mỗi năm 365 ngày không ngày nào ông đóng cửa, kể cả ngày tết, bởi ông biết rằng bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể chạy từ bên mẹ qua bên đây, hăm hở hít hà những đầu sách mới.

Ba tôi mất hơn 15 năm rồi. Tôi cũng sống ở nước ngoài chừng ấy năm. Mỗi lần về thăm mẹ nhìn hiệu sách ở nhà ngoài giờ đã cho thuê thành hiệu quần áo trẻ con tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng, chỉ sợ quen chân chạy vào, chỉ sợ không còn thấy ba rạng rỡ cười nhìn con gái út hăm hở quăng túi sang một bên rồi nhào tới lục lọi kệ sách mới về.

Tôi yêu sách vì mỗi đổi thay trong cuộc sống đều có âm hưởng từ những cuốn sách mình đọc, và trong mỗi cuốn sách tình cờ hoặc hữu ý rơi vào tay mình đều có hình bóng của ba.

Thông tin tác giả

Phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Phương Mai giảng viên Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam - Amsterdam University of Applied Sciences (Hà Lan). Dạy chuyên ngành Giao thoa văn hóa, chị thường thực hiện các cuộc du hành và kết hợp với những dự án nghiên cứu nho nhỏ của mình.

Ba năm trước, chị xin nghỉ việc một năm để làm một chuyến du hành theo dấu vết di cư của loài người từ cái nôi của nhân loại ở châu Phi, qua châu Úc, châu Á rồi tới châu Mỹ.

Chị cũng đã có chuyến đi tới 13 nước Trung Đông thời kỳ đỉnh cao của Mùa xuân Ả Rập. Đi cả trăm quốc gia, chị nói rằng: “Nghề của tôi là phải đi, không đi rêu bám đầy mình thì dạy cho ai nghe?”.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Nam giới 19/11: Hãy tham gia cuộc thi 'Đàn ông chất là...'

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Nam giới 19/11: Hãy tham gia cuộc thi 'Đàn ông chất là...'

Với một nửa thế giới là phụ nữ, tại Việt Nam, ít nhất họ đã có đến 2 ngày được tôn vinh (8/3, 20/10). Vậy có nên có một ngày để tôn vinh đàn ông tại Việt Nam?

Nguyễn Phương Mai

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›