TT&VH bầu chọn 10 sự kiện thể thao tiêu biểu năm 2010

Thứ Bảy, 01/01/2011 13:10 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Năm 2010 đã kết thúc một cách không thật sự ngọt ngào với thể thao Việt Nam khi chúng ta gây thất vọng ở Asian Games 16 cũng như thất bại của ĐT Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2010.

1. Đoàn TTVN thất bại tại Asian Games 16 ở Quảng Châu 2010, khi chỉ đứng thứ 24/45 với thành tích 1 HCV, 17 HCB và 15 HCĐ. Thành tích này kém hơn so với chỉ tiêu từ 4-6 HCV, kém hơn so kỳ Asian Games 15 năm 2006 mà TTVN đã giành được 3 HCV, 13 HCB và 7 HCĐ.

2. Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup 2010 với tư cách đương kim vô địch, nhưng thất bại khi chỉ lọt vào tới bán kết và dừng bước trước Malaysia. Những nguyên nhân chỉ ra đều là những vấn đề cũ, nay lại bộc lộ trong quá trình tập trung đội tuyển và vai trò ông chủ của VFF đối với HLV ngoại.

3.
Chính phủ phê duyệt đề án Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, theo đó xác định 10 môn thể thao đầu tư trọng điểm gồm 9 môn nằm trong hệ thống Olympic và môn Karatedo mà Việt Nam có tiềm năng tranh huy chương ở ASIAD. Các môn từng là mũi nhọn như wushu, cầu mây bị đưa xuống nhóm II. Chiến lược cho thấy sự thay đổi về tư duy, nhận thức của ngành thể thao Việt Nam, không còn hăng say theo đuổi mục tiêu số 1 khu vực, dồn lực cho đấu trường châu Á và Olympic. 
 
4. Điền kinh Việt Nam có bước tiến vượt bậc khi lần đầu tiên Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương giành những tấm huy chương đầu tiên của điền kinh trong lịch sử Việt Nam tham dự các kỳ Asian Games. Thanh Hằng giành 2 HCB 1500m và 800m. Vũ Thị Hương giành HCB 200m và HCĐ 100m. Vũ Văn Huyện còn giành HCĐ 10 môn phối hợp.  

5. Nhà á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn bị dương tính với doping tại giải VĐTG cử tạ 2010, và bị loại khỏi danh sách đoàn TTVN tham dự ASIAD 2010. Sự kiện này một lần nữa báo động về tình trạng doping trong TTVN.
 
 
Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam lọt vào tới vòng tứ kết của môn bóng đá nam tại Asian Games2010

6. Đại hội TDTT toàn quốc 2010 với 41 môn thể thao cả đỉnh cao, truyền thống và dân tộc, Đại hội có quy mô lớn, nhưng bị cho là lạc hậu, thiếu khoa học về cách thức tổ chức do kéo dài suốt từ đầu năm tới cuối năm trước khi khai mạc chính thức ở Đà Nẵng. Hiện trên thế giới ngoài Việt Nam, chỉ có Trung Quốc là tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc.

7. Lần đầu tiên trong lịch sử, các Liên đoàn thể thao ở các môn trong đó có điền kinh bán được bản quyền truyền hình. Vấn đề bản quyền cũng là chủ đề gây tranh cãi khi đa số người hâm mộ không được xem các giải bóng đá hàng đầu châu Âu, và bản quyền V-League trong 20 năm tới rơi vào tay của hãng truyền hình AVG. 
 
8. Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược thể thao trước khi trình Chính phủ cuối năm 2010. Kế hoạch hợp pháp hóa kinh doanh cá cược thể thao tại Việt Nam có từ năm 2006 sau nhiều lần trì hoãn có khả năng được thực hiện.   
 
9. Bóng đá Hà Nội có một năm khá thành công khi HNACB đoạt chức vô địch hạng Nhất và HN T&T đoạt chức vô địch V-League. Đây là thành tích tốt nhất của bóng đá Thủ đô trong 26 năm qua.   
 

10. Tình trạng mua bán CLB bóng đá có xu hướng tăng mạnh, tiếp nội sự kiện Thanh Hóa và Navibank mua 2 CLB Thể Công và Quân khu 4, năm 2010, tập đoàn Xuân Thành đã mua đội bóng V&V Hòa Phát và đăng ký làm thành viên của Liên đoàn bóng đá TP Hồ Chí Minh. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chưa có biện phát siết chặt quản lý.  

 

TT&VH

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›