(TT&VH)- Sắp tới, cuộc mổ xẻ thất bại của thể thao VN tại Olympic London 2012 và hội thảo quốc tế nhằm đưa thể thao nước nhà thoát ra khỏi sự lạc hậu, trì trệ sẽ diễn ra. Sự kiện này có thoát được viễn cảnh hội & thảo?
Nỗi ám ảnh mang tên quá độ
Có một tấm bình phong mà giới chức thể thao ta hay lấy ra để chống chế khi thất bại: thể thao VN và bóng đá nói riêng đang thời kỳ quá độ!
Trong khi đó, để bao giờ mới thoát ra khỏi trạng thái quá độ, chẳng ai có thể lý giải được. Sau thất bại hệ thống, toàn diện cả thể thao đỉnh cao và bóng đá, nhìn lại những kế hoạch, chiến lược, mục tiêu, rõ ràng thiếu khoa học, không hiệu quả nếu như không muốn nói là như người đứng giữa nga ba, ngã bảy không biết đâu là hướng đi đúng trên con đường thiên lý.Ví như đấu trường Olympic.
Tính từ lần tham dự đầu tiên (Olympic Moscow 1980) với tư cách khách mời, thể thao VN đã trải qua 32 năm, với 8 lần tham dự đấu trường này, nhưng chỉ có được 2 tấm CHB của Trần Hiếu Ngân (Sydney 2000) và Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008). Điều đó nói lên sự phát triển của thể thao VN là quá trì trệ, khó chấp nhận được.
Hoàng Anh Tuấn, chủ nhân của một trong hai tấm HCB Olympic cho TTVN sau 8 lần tham dự
Riêng bóng đá, chúng ta đã giành được ngôi vị số một ngay từ kỳ SEA Games đầu tiên (năm 1959). Như vậy, đã 53 năm rồi người hâm mộ nước nhà mòn mỏi chờ đợi được một lần được tận hưởng hương vị vô địch SEA Games nhưng bất thành. Nếu tính từ khi trở lại hội nhập với sân chơi SEA Games kể từ năm 1991, đã 21 năm bóng đá VN vẫn chưa từng một lần bước lên bục vinh quang. Mặt trận AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup) mới chỉ một lần đăng quang nhưng yếu tố may mắn làm nền chủ đạo.
V-League ban đầu được gọi là bán chuyên, sau đó được cắt từ “bán” cho sang trọng để rồi từ mùa giải 2011, VFF tuyên bố là giải chuyên nghiệp chính thức. 11 mùa giải có thể gọi là một chu kỳ để thoát ra khỏi trạng thái quá độ? Sự lạc quan nhanh chóng bị nhúng nước, khi mùa giải này tiêu cực phát triển đến đỉnh điểm, trong đó tai tiếng nhất là công tác trọng tài (TT). Nhân nói chuyện “vua”, những sai lầm cả chuyên môn lẫn tư tưởng đều được bao biện là do TT đang ở giai đoạn quá độ, sau khi hàng loạt vị bị pháp luật sờ gáy năm 2005.
Trong khi đó, rất nhiều sự phát triển đã làm thay đổi mọi dự báo, rõ nhất là phương thức dùng tiền đấu tiền. Đồng tiền đã xô đổ rất nhiều giá trị tích cực mà bóng đá bao cấp đã làm được. Vậy thì, phát triển bóng đá chuyên nghiệp để làm gì khi hàng loạt đội bóng tên tuổi biến mất, khán giả ngày càng thụt lùi, giá trị cầu thủ là ảo, đào tạo trẻ èo uột, tiêu cực không thể hóa giải…
Ngay cả cuộc đua đến ngôi vô địch năm nay, nếu SG.XT đăng quang, công thức cũng chẳng có gì mới, nếu so sánh như cách của ông bầu Đoàn Nguyên Đức làm thời đoạt cú đúp vô địch V-League. VN hiện nay không thiếu người quá nhiều tiền, nếu thích họ dễ dàng kiếm cái danh vô địch V-League, nếu dễ làm như bầu Nguyễn Đức Thụy và “cò” Trần Tiến Đại. SG.XT cũng không có lấy một tuyến trẻ, nghĩa là làm bóng đá hớt ngọn. Rõ ràng, đấy không phải là bước tiến và biểu tượng của bóng đá chuyên nghiệp.
Vẫn cần những động thái rung chuyển địa hạt thể thao
Sắp tới, cuộc mổ xẻ thất bại của thể thao VN tại Olympic London và hội thảo quốc tế nhằm đưa thể thao nước nhà thoát ra khỏi sự lạc hậu, trì trệ sẽ diễn ra. Chắc chắn, sẽ có xin lỗi, rút kinh nghiệm, tham luận…Vấn đề, tìm ra một con đường sáng cho thể thao VN thì vẫn mơ hồ lắm. Trên cả, có tham luận hay hành động nào làm “rung chuyển” bức tường thành mang tên báo cấp, quá độ? Chứ nghe nói mãi cũng chán. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mới đây trả lời trên TT&VH cũng bày tỏ sự bức xúc: “Từ chục năm nay, báo chí- quan chức, các nhà thể thao đã nói quá nhiều về sự thay đổi tư duy, nhưng nói mà chưa thấy làm, không có các quyết sách hiệu quả. Đã đến lúc cấp bách làm những điều đã nói, cần viết hoa từ này: HÀNH ĐỘNG”!
Trở lại bóng đá chuyên nghiệp, VFF đã phải chuyển giao quyền tổ chức, điều hành 2 giải đấu cao nhất cho VPF. Đấy cũng là động thái làm rung chuyển thể thao VN và cứ địa VFF. Phải nói rằng, năm nay VPF vẫn chưa đưa giải thoát khỏi những vấn nạn cũ. Tiêu cực vẫn còn, tồn tại trong sự bất lực của VPF. Nhưng, phủ nhận VPF hoàn toàn cũng không công bằng.
Tổ chức này vẫn cần thêm nhiều thời gian để hoàn thiện mình, một năm chưa thể tạo nên chu kỳ. Trong khi, những di chứng của cách làm bóng đá cũ vẫn còn đầy rẫy. Nhật Bản mất 20 năm mới thành công. VFF mất 11 năm vẫn dang dở. Ít ra VPF đã có những “nhát cuốc” như hợp tác với J-League, không thuê trọng tài khi cảm thấy có vấn đề. Nếu VPF không làm được, tự họ sẽ bị tẩy chay, chắc chắn sẽ có những sự kiện rung chuyển nhắm vào họ để có sự thay thế.
Cuộc chiến giữa cái mới và cũ, tích cực và tiêu cực xem ra vẫn còn dai dẳng với thể thao VN, có lúc trở thành rào cản khi yếu tố tích cực vẫn bị kìm hãm mãnh liệt trong những vòng kim cô.
NGỌC HÒA